Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM (Trung tâm xe buýt) vừa cho biết, đã lựa chọn được đơn vị vận hành 16 tuyến xe buýt và sẽ đưa vào hoạt động từ ngày 1/4. 

z3978718463850 d108a8381a0dda727eaa37de7a40b703 1 452.jpg
Một tuyến xe buýt liên tỉnh mở mới được Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang đấu thầu thành công và đưa vào khai thác từ năm 2022. Ảnh: T.K.

Trong đó, Công ty Cổ phần Xe khách Sài Gòn khai thác 5 tuyến xe buýt có số hiệu tuyến 6, 10, 50, 52, 91; Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang FUTABUSLINES khai thác 11 tuyến xe buýt với số hiệu tuyến 29, 57, 99, 141, 68, 102, 16, 41, 61, 73 và 151. 

Theo Trung tâm xe buýt, các tuyến xe buýt nêu trên đã được thay thế toàn bộ xe cũ bằng các xe đời mới, đầy đủ trang thiết bị trên xe như: Máy lạnh, giám sát hành trình, camera an ninh, hệ thống máy bán vé,... 

“16 tuyến xe buýt được đầu tư 239 phương tiện mới, trong đó có 195 phương tiện sử dụng diesel và 44 phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG”, đại diện Trung tâm xe buýt thông tin.

Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, toàn thành phố có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó 90 tuyến có trợ giá và được các doanh nghiệp vận tải đảm nhận theo phương thức đặt hàng.

w hue 3780 1 714.jpg
Xe buýt tuyến số 10 xập xệ, xuống cấp nằm trong diện được thay mới hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Huế

Từ tháng 8/2023, theo quy định Luật Đấu thầu, Trung tâm xe buýt tổ chức đấu thầu nhiều tuyến có trợ giá đã hết thời gian khấu hao. Đến nay, TP.HCM có hơn 20 tuyến xe buýt có trợ giá đã được đấu thầu thành công.

Theo Sở GTVT TP, việc đấu thầu giúp tạo động lực cạnh tranh trong hoạt động vận tải, lựa chọn đơn vị có năng lực, quy mô bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân mà giá vé không thay đổi.

Lý do nhiều người 'sợ' đi xe buýt ở TP.HCMChờ đợi và di chuyển tốn thời gian, kềnh càng, ra vào điểm đón trả khách khó khăn, thường xuyên bị mắc kẹt giữa "rừng" phương tiện... là những lý do nhiều người dân TP.HCM ngại sử dụng xe buýt khi đi lại mỗi ngày.