Lời tòa soạn
Nhiều năm qua, quan niệm môn chính – môn phụ đã "ăn sâu" vào tâm thức của nhiều người. Tư tưởng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” đối với các môn học dẫn đến hiện tượng học lệch, học tủ. Tại diễn dàn Nỗi buồn môn phụ, VietNamNet xin tiếp tục giới thiệu những lời chia sẻ của nữ giáo viên môn Thể dục. Chị nói đã quá chán ngán khi phải "đóng vai phụ" ở trường học nhiều năm qua...

Mòn mỏi "đóng vai phụ"

Cách đây hơn 30 năm, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng sư phạm ngành thể dục, cô A. được về dạy ở bậc THCS ngay tại chính quê nhà. Với một giáo viên mới ra trường, đây là điều may mắn. Có điều, khi đó, với nhiệt huyết tuổi trẻ, cô A. đã không nghĩ đến sau này mình lại chỉ còn làm việc như một thói quen.

“Nói đúng ra, học sinh khá thích giờ thể dục vì các em được ra sân trường, thoải mái hơn các giờ học văn hóa. Nhưng rõ ràng đây là môn phụ, nên sự tập trung của các em với môn học không nhiều. Còn phụ huynh thì rõ rồi, hoàn toàn không quan tâm việc con học thể dục ra sao” – cô A. chia sẻ.

Đến nay, mỗi tháng cô A. nhận hơn 11 triệu đồng tất cả các khoản. Cô A. nói số tiền này bảo ít không phải, bảo nhiều lại càng không. Nhà có hai con vẫn ở tuổi ăn học, hai bên cha mẹ già phải phụng dưỡng, nên bao nhiêu năm qua, hai vợ chồng cô đã phải rất cố gắng làm lụng để lo việc nhà cửa, con cái, người thân.

“Nói ra thì bảo “nhòm” vào nồi cơm nhà khác, nhưng đúng là so với giáo viên dạy Toán, Văn, Anh, tôi thấy nản.

Giáo viên các môn này ai mà chả dạy thêm, mỗi lớp thường từ 15-20 học sinh, mức học phí ở đây rẻ cũng khoảng 300.000 - 500.000 đồng/tháng. Thầy cô nào ít cũng 3, 4 lớp. Cộng nhanh cũng thấy thầy cô môn chính thu nhập thêm tốt như thế nào.

Ảnh minh họa

Các thầy cô kiếm tiền bằng năng lực của bản thân, trong khi mình có năng lực ở môn dạy mà không ra thêm tiền được.

Một giáo viên Toán tôi biết trước đây đã từng bị hiệu trưởng gọi lên nhắc nhở về việc dạy thêm, nhưng giáo viên đó thẳng thắn nói rằng không thể bỏ dạy thêm vì chi tiêu cho gia đình gấp mấy lần lương nhận ở trường” – cô A. kể.

Cũng vì là môn phụ, nên khi còn trẻ, cô A. còn phải kiêm nhiệm thêm công tác Đoàn, Đội, “rất mất thời gian”. Do trường chỉ có 1 giáo viên thể dục nên số tiết dạy của cô cũng thường nhiều hơn quy định.

Cô A. nói dĩ nhiên đi dạy cũng có lúc vui với học sinh, đồng nghiệp, nhưng nhìn tổng thể, đã từ rất nhiều năm nay cô không còn sự hứng khởi, chỉ dạy như một thói quen.

“Vì tôi cảm nhận học sinh thấy môn này “vô nghĩa” như thế nào, khi nó chẳng thuộc diện “học để thi” lên lớp 10” – cô giải thích.  Tuy nhiên, cô A. cho biết mình không bỏ nghề, tìm việc khác như một số đồng nghiệp. Cô giải thích với hoàn cảnh gia đình trước đây, việc dạy học như thế là phù hợp.

Chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi hưu, nhưng cô A. cho biết mình đang tính đến chuyện nghỉ sớm, vì đã đủ năm đóng bảo hiểm.

“Không phải không còn đủ sức để dạy, vì nếu nghỉ dạy, tôi vẫn tính chuyện đi làm thêm như giúp việc nhà hay trông trẻ. Chỉ là tôi thấy đã mòn mỏi “đóng vai phụ” trong ngần đấy thời gian là quá đủ”. 

“Tôi từng ước những giờ dạy học sinh chịu nghe giảng”

Trong khi đó, là một cựu giáo viên dạy Lịch sử đã về hưu hơn 10 năm, cô M.T. (tên đã thay đổi) cũng chia sẻ đã từng không mấy khi vui lúc đến trường.

Từng dạy tại một trường THPT ở trung tâm Hà Nội, khi đó với cô T., nản nhất là khi dạy học sinh khối 12.

“Ở khối học này, tất cả các em đã xác định sẽ khi khối gì, ngành gì, vì thế chẳng mấy em thiết tha với môn Lịch sử - một môn học luôn bị coi là phụ, mặc dù vẫn có khả năng xuất hiện trong danh sách môn thi tốt nghiệp.

Ngay cả học sinh xác định thi khối C cũng không chuyên chú, vì các em đã đi học luyện thi nhiều, kiến thức còn vượt cả chương trình học chính”.

Do đó, trong giờ của cô T. thường xuyên xảy ra tình trạng học sinh nói chuyện, làm việc riêng, mang bài môn khác ra học… 

“Tính tôi hiền, không bao giờ muốn gây căng thẳng cho học sinh, nên nếu nhắc các em không nghe theo đành chịu. 

Nhưng thú thực, hồi đó, tôi vẫn luôn mong mỏi về những giờ học mà các em lắng nghe bài giảng. Tất nhiên cũng có những giờ học như vậy, chủ yếu ở các em lớp 10”.

Theo cô T., khi bắt đầu từ năm học này, Lịch sử đã thành môn bắt buộc và dự kiến cũng là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, vị thế của bộ môn đã thay đổi.

“Tôi thấy mừng cho lớp giáo viên Lịch sử đàn em, các em sẽ không phải chịu cảnh đi dạy mà học sinh thờ ơ với môn học, với thầy cô như đã từng với chúng tôi” – cô giáo này bày tỏ. 

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả. Bạn đọc có ý kiến về vấn đề trên có thể gửi phản hồi về phần bình luận dưới bài viết hoặc email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!