Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Sài Gòn, sâu dòng lịch sử, rộng lòng nghĩa nhân của tác giả Ngô Tú Ngân.

Dòng chảy ký ức của đất và người

Chiều nhập nhoạng tối, ngồi bên này Thủ Thiêm nhìn qua thành phố, những tòa cao ốc đã lấm tấm lên đèn. Chỉ cách nhau một dòng chảy mà mỗi bên lại có một đời sống khác biệt. Bên kia sông là đô thị, đường xe tấp nập, phía bờ bên này là Thủ Thiêm, một khoảng không gian rộng lớn, khoáng đạt và có phần yên lắng hơn. 

Sông Sài Gòn .jpg
Ảnh: Nguyễn Văn Trung

Ngay phía bờ sông khu vực Thủ Thiêm, những xe bán nước kê bàn ghế cóc dọc theo bờ cho khách ngồi hóng mát nhìn sông. Càng về chiều, người càng đông đúc, ngồi chật hết các dãy bàn ghế xếp dài. Nắng gần tắt, mặt trời dát lên sông thứ ánh sáng cam đỏ rực rỡ cuối cùng trước khi đêm hạ cánh buông màn. 

Tôi ngồi cạnh một xe nước của hai vợ chồng già, họ chắc đã ngoài 60. “Sài Gòn thoắt cái nhìn không ra”, ông cụ mở lời khi thấy tôi ngồi một mình. 

Ông kể hồi xưa gia đình ông ở trên đất, rồi biến cố, ông theo ghe xuồng chở hàng đi khắp nơi. Hồi đó, tàu bè muốn đến bến Sài Gòn phải vào cửa biển Cần Giờ, tới Soài Rạp, Lòng Tàu rồi Nhà Bè tẻ vào sông Sài Gòn để lên Gia Ðịnh. Sông Sài Gòn rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, xưa kia còn có tên là sông Bến Nghé, hay bến trâu, vì trâu tụ nơi đây để uống nước. Tìm hiểu thêm nơi bắt đầu của Sông Sài Gòn, có ghi chép để lại là sông bắt nguồn từ Hớn Quản tỉnh Bình Phước, qua Dầu Tiếng Tây Ninh rồi Bình Dương mới vào đến Sài Gòn. Thời đó nước sông trong vắt, bờ sông cũng tươm tất sạch sẽ. Nhộn nhịp bán mua sầm uất. 

“Hồi đó sống trên bờ, nhà tui với nhà bả kế bên, hai đứa thương nhau chưa được hai mùa nắng thì năm đó nhà bả làm ăn thất bát, phải bán nhà, xuống ghe mà ở. Ghe đi lênh đênh. Ban đầu chỉ đi bán mấy hôm rồi về, nhưng rồi ghe nhà bả đi mãi. Một năm rồi hai năm. Tôi quyết định đi ghe, buôn bán ngược xuôi mong một ngày nào đó gặp lại. Xuôi ngược ngót nghét 20 năm trời mới thấy lại mặt nhau, chắc ai cũng giữ nghĩa đợi chờ nên vẫn đơn chiếc. Bả về ở với tui. Rồi từ hồi có con, mới dời lên đất ở cho con cái học hành. Ngày xưa xuồng tui đi qua hết các đoạn sông Sài Gòn, rồi các con sông nơi mảnh đất Nam Kỳ này, sau này lên sống trên bờ, đêm đêm tôi vẫn mơ thấy mình bềnh bồng ngủ dưới ghe. Giờ con cái đã lớn, hai vợ chồng tui buôn bán ở đây để gần sông gần nước”, ông kể thêm.

Sông Sài Gòn .jpg
Ảnh: Nguyễn Văn Trung

Càng về đêm, phố xá bên kia sông càng thêm rực rỡ. Từ thuở khai sinh lập địa đến nay người Sài Gòn vẫn sống nhờ sông Sài Gòn. Từ việc đi đứng xuồng ghe, tưới tiêu, nước sạch. Theo thống kê, mỗi ngày Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cung ứng 2,4 triệu m3 nước sạch cho sản xuất và tiêu dùng thì 90% trong số đó là từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông còn là nhân chứng đồng hành qua bao đổi thay lịch sử, từ những trận đánh oanh liệt đến những ngày vui rợp cờ hoa. Thăng trầm, biến đổi. 

Sông Sài Gòn không phải chỉ quan trọng cho phát triển kinh tế, giao thương mà nó còn góp phần điều hòa khí hậu. Sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM một đoạn khoảng hơn 80 km, chiều dài dòng sông qua địa phận thành phố tính từ điểm cực Bắc là xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi và điểm cuối là Quận 7 hợp với sông Soài Rạp. Hai đầu sông là hai cánh rừng, điểm đầu là rừng tự nhiên và tái sinh ở Củ Chi và điểm kết là rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Không phải tự dưng 100 năm dưới thời Pháp thuộc, người ta đều xây dựng theo nguyên tắc bên ngoài thấp, bên trong cao. Các công trình nhà cửa, khách sạn đều chỉ cao hai tầng và không xây liền kề liên tục nhằm đón gió và ánh sáng từ sông thổi vào.

Sông Sài Gòn .jpg
Ảnh: Nguyễn Văn Trung

Gắn liền với sông là bao nhiêu di sản văn hóa, lịch sử như cảng Nhà Rồng, thủy đài, cột cờ thủ ngữ, trụ sở cơ quan hải quan, khách sạn Riverside, khách sạn Majestic, bảo tàng Tôn Đức Thắng, tượng Trần Hưng Đạo, ụ tàu Ba Son, công viên bờ sông, cầu Sài Gòn… Tất cả các công trình này đều có tuổi đời trên 100 năm. Các đoạn tiếp theo là cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và điểm cuối của đoạn sông này là địa đạo Củ Chi, đền tưởng niệm Bến Dược. Dọc theo đoạn sông này còn có chùa, đình miếu, nhà đặc trưng Nam Bộ, và đặc biệt là các làng nghề như làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làng nông nghiệp sinh thái. Bao nhiêu ký ức và vết tích của lịch sử, văn hóa và thời gian, đều được dòng sông này ôm tận lòng sâu. 

Đêm dần khuya, ông lão bán nước vẫn kể chuyện say sưa, sao trời đã lên lấp lánh trong những dòng nước trào lên nơi khóe mắt một người thương nhớ ký ức của đời mình và đời sông gắn bó. 

Sông Sài Gòn – khát vọng hành trình rực rỡ vàng son'

Sông Sài Gòn .jpg
Ảnh: Nguyễn Văn Trung

Tôi còn quá trẻ để biết đến cái sông Sài Gòn “xưa” mà ông nói nhưng so với sự phát triển của TP.HCM, thì sông Sài Gòn cần được “nâng cấp” để “xứng đôi vừa lứa” cả về tính biểu tượng và sức thu hút. Vừa qua, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch phát triển sông Sài Gòn theo kế hoạch chia làm bốn phân đoạn:

Phân đoạn 1 (Phân khu Bắc kết nối bản sắc): dài 48 km, Khu vực chủ yếu là nông thôn từ TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Khu này được đề xuất phát triển theo hình thức công viên tự nhiên.

Phân đoạn 2 (Giao diện trù phú): dài 25 km, khu vực giao giữ thành thị và nông thôn, từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một. Tập trung phát triển công viên nông nghiệp - giải trí, sinh thái và sản phẩm thủ công.

Phân đoạn 3 (Thanh Đa trải nghiệm về nguồn): dài 13,5 km, bao gồm bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TP.HCM - Hà Nội. Khu vực này được đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao và công viên nông nghiệp - giải trí. Đồng thời tái phát triển cảng Phước Long.

Phân đoạn 4 (Khu trung tâm cánh cửa tương lai): dài 16 km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Đây là cửa ngõ nổi bật vào TP.HCM, là nơi thể hiện hình ảnh đẹp nhất của đô thị, đồng thời, trưng bày những công trình tuyệt vời nhất của đô thị. Khu vực này được đề xuất phát triển khu phức hợp đa chức năng. Trong đó, Bến Bạch Đằng, Khánh Hội và đô thị Thủ Thiêm sẽ là dấu ấn nổi bật của phân đoạn này.

Ngồi bên này, nhìn những chuyến bus dọc sông Sài Gòn, tôi chợt nghĩ tại sao không, sông Sài Gòn có thể phát triển để trở thành một biểu tượng của thành phố, thành không gian văn hóa thể hiện tính cách của một thành phố sôi động mà vẫn giữ được nét truyền thống riêng. Đó nên là một kế hoạch tổng thể dành cho cả con sông và đồng bộ cho cả đôi bờ. 

Sông Sài Gòn .jpg
Ảnh: Nguyễn Văn Trung

Bên kia bờ sông là cuộc sống hiện đại, bên đây bờ sông là cuộc sống yên tĩnh. Thuyền đi trên dòng sông có thể nhìn thấy vẻ đẹp đồ sộ của các tòa cao ốc, cũng có thể nhìn thấy sự duyên dáng nhẹ nhàng, thoáng đãng của bờ bên kia. Dọc các bờ sông, có thể thiết kế nhà hàng quán ăn để khách thưởng thức café, trà, những món ăn đặc sản Việt Nam, được xem các làng nghề truyền thống, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa. 

Về văn hóa nghệ thuật, thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn đặc trưng bản sắc của Việt Nam như múa rối nước, hát quan họ, cồng chiêng hay đờn ca tài tử… Học hỏi thành công của các nước, có thể làm một bảo tàng về sông Sài Gòn hoặc cả Sài Gòn nói chung. Khi đi đến một quốc gia, du khách thường có xu hướng đi thăm viện bảo tàng để hiểu về nước đó nên việc có một bảo tàng hay khu triển lãm trưng bày áp dụng cách làm triển lãm, trưng bày đan xen ánh sáng và âm nhạc, đa giác quan sẽ là bước đi phù hợp xu hướng hiện đại. Khu vực này phải đổi mới liên tục về chủ đề triển lãm, cách dàn dựng, phong cách và màu sắc… để tạo sức hút không ngừng. 

Nếu bài trí và quy hoạch được như vậy, khách du lịch, thậm chí những người đến công tác ngắn ngày tại TP.HCM hoàn toàn có thể đến tận hưởng một ngày trên sông Sài Gòn, ở đó họ sẽ được trải nghiệm về văn hóa, nghệ thuật truyền thống, được ăn đồ ăn bản xứ, được xem các chương trình triển lãm, tất cả sẽ làm nên một trải nghiệm độc nhất và riêng biệt về việc được thưởng thức sự giao thoa giữa văn hóa, lịch sử, nghệ thuật truyền thống giữa một thành phố hiện đại sầm uất. Đó cũng là tiền đề để họ quay lại Sài Gòn nói chung và nhiều điểm đến khác của Việt Nam nói riêng. 

Sông Sài Gòn .jpg
Ảnh: Nguyễn Văn Trung

Cuối cùng, tôi và ông bà bán cafe cũng kết thúc câu chuyện. Bên kia, đèn đã rộn ràng vũ điệu ánh sáng dịu dặt dưới mặt sông. Lúc nổ máy xe đi, tôi nghe ông già ngâm nga: “Xứ đâu thị tứ bằng xứ Sài Gòn, dưới sông tàu chạy trên bờ ngựa xe”. Tôi ra về trong niềm xúc động về câu chuyện gắn bó nghĩa tình của những con người giữ nghĩa, không bỏ đất, quên sông. Như dòng sông này sinh ra cùng thành phố sẽ miên viễn chảy cùng thành phố, như đã từng chảy từ thăng trầm thời cuộc, biến cố thế hệ cùng vô số những phận người để đến đoạn đường cùng nhau vươn mình, đổi sắc. Và dòng sông ấy sẽ còn chảy mãi về phía vô cùng của rực rỡ những tương lai.

Ngô Tú Ngân