Theo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh ngành công thương của Bộ Công Thương, tiếp nối những kết quả nổi bật trong 02 tháng gần đây (tháng 3, tháng 4), trong tháng 5/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước tiếp tục đà hồi phục do người lao động trong các doanh nghiệp đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp tự tin khôi phục toàn bộ hoạt động và tìm đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tiếp tục được khởi sắc, cụ thể:

Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP), trong tháng 5, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tăng với IIP tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 11,6%). Tính chung 5 tháng, chỉ số SXCN tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 12,6%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành khai khoáng tăng 4,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%.

Chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: than sạch tăng 13,4%; Alumin tăng 10,9%; ô tô tăng 10,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 14,5%; Bia các loại tăng 10,5%

Ở chiều ngược lại, sản phẩm sản xuất của một số ngành giảm như: phân DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) giảm 33,7%; Quặng Apatit giảm 19,8%; máy công cụ giảm 14,9%; điện thoại di động giảm 6,1%; ti vi giảm 18,2%.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.

Kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 5 ước tính đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước nhưng tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu giày dép tăng nhẹ

Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 30,7%). Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 21,2%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,8%), điều này tiếp tục cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 131,39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Tuy nhiên, tính riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này có sự sụt giảm so với tháng trước (giảm 9,1%), chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,5%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 6% (chủ yếu do sự sụt giảm về sản lượng sản xuất của Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic, giảm khoảng 10%); Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 19%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 6%; Xơ sợi dệt các loại giảm 7,5%; Sắt thép các loại giảm 18,8%; sản phẩm từ sắt thép giảm 6,8%...

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như giầy dép các loại chỉ tăng 1,5%; dây điện và cáp điện chỉ tăng 2,1%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Văn Quý