Dưới đây là đánh giá của các chuyên gia về ưu, nhược điểm các lực lượng không quân và hệ thống phòng không của hai quốc gia đối thủ ở Trung Đông.

Iran

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London, Anh, Không quân Iran có 37.000 quân nhân. Song, các lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều thập kỷ gần như đã khiến quốc gia Hồi giáo bị cắt đứt cơ hội tiếp cận các thiết bị quân sự công nghệ cao mới nhất.

tiem kich su 24 cua iran.jpg
Tiêm kích Sukhoi-24 của Không quân Iran. Ảnh: Aljazeera

Không quân Iran được cho hiện chỉ sở hữu vài chục máy bay tấn công đang hoạt động, bao gồm cả tiêm kích do Nga sản xuất và các mẫu máy bay cũ của Mỹ, mà họ thu mua được trước Cách mạng Iran năm 1979.

IISS thống kê, Tehran có một phi đội gồm 9 máy bay chiến đấu F-4 và F-5, một phi đội tiêm kích Sukhoi-24 do Nga sản xuất và một số máy bay MiG-29, F7 và F14.

uav iran.jpg
Một mẫu UAV được Iran trưng bày ở Tehran ngày 17/4. Ảnh: Reuters

Người Iran cũng có máy bay không người lái (UAV) được thiết kế để bay vào mục tiêu và phát nổ. Các nhà phân tích tin, số lượng UAV cảm tử này chỉ ở mức hàng nghìn chiếc.

Ngoài ra, họ nhận định, Iran còn nắm trong tay hơn 3.500 tên lửa đất đối đất, với một số mang đầu đạn nặng nửa tấn. Tuy nhiên, số lượng có khả năng tiếp cận Israel có thể thấp hơn.

Tư lệnh Không quân Iran Amir Vahedi hôm 18/4 tuyên bố, các tiêm kích Sukhoi-24 của lực lượng này đang ở "trạng thái chuẩn bị tốt nhất" để chống lại bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào từ Israel. Nhưng sự phụ thuộc của Iran vào Sukhoi-24, mẫu chiến đấu cơ được phát triển lần đầu tiên vào những năm 1960, dường như cho thấy sự yếu kém tương đối của Không quân nước này.

ten lua iran.jpg
Các lãnh đạo Iran đứng trước các mẫu tên lửa trưng bày của nước này tại Tehran. Ảnh: Reuters

Để phòng thủ, Iran dựa vào sự kết hợp giữa các hệ thống phòng không và tên lửa đất đối không do Nga sản xuất và do chính nước này tự chế tạo. Moscow đã bàn giao các hệ thống phòng không S-300 cho Tehran năm 2016. Đây là các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, bao gồm cả máy bay và tên lửa đạn đạo.

Iran cũng tự phát triển hệ thống tên lửa đất đối không Bavar-373 cũng như các hệ thống phòng thủ Sayyad và Raad trong nước.

Tuy nhiên, Fabian Hinz, một nhà nghiên cứu tại IISS đánh giá: "Nếu xảy ra xung đột lớn giữa hai nước, Iran có thể sẽ tập trung vào những thành công không thường xuyên. Họ không có hệ thống phòng không toàn diện như Israel đang có".

Israel

Israel sở hữu lực lượng không quân tiên tiến, do Mỹ trang bị với hàng trăm máy bay chiến đấu đa năng F-15, F-16 và F-35. Những khí tài này đã góp phần bắn hạ các UAV được Iran sử dụng trong vụ tấn công trả đũa Israel rạng sáng 14/4.

tiem kich israel.jpg
Các mẫu tiêm kích do Mỹ sản xuất của Không quân Israel. Ảnh: Aeroflap

Theo Reuters, Không quân Israel thiếu máy bay ném bom tầm xa, mặc dù một phi đội nhỏ hơn gồm các máy bay Boeing 707 cải biên, đóng vai trò máy bay tiếp nhiên liệu cho phép các tiêm kích của họ thực hiện những chuyến xuất kích chính xác tới Iran.

Là quốc gia tiên phong trong công nghệ UAV, Israel đang sở hữu UAV Heron có khả năng bay hơn 30 giờ, đủ cho các hoạt động ở phạm vi xa.

Tên lửa hành trình Delilah của Tel Aviv có tầm bắn ước tính khoảng 250km, còn xa mới tới vùng Vịnh, mặc dù Không quân Israel có thể rút ngắn khoảng cách này bằng cách vận chuyển một trong tên lửa này đến gần biên giới Iran hơn.

Israel được tin đã phát triển tên lửa đất đối đất tầm xa, nhưng cho đến nay không công khai xác nhận hay phủ nhận điều này. Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là Avigdor Lieberman tuyên bố Tel Aviv sẽ có một "lực lượng tên lửa" mới. Quân đội Israel chưa tiết lộ hiện trạng những kế hoạch này.

Giới quan sát lưu ý, một hệ thống phòng không nhiều lớp được phát triển với sự giúp đỡ của Mỹ sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 sẽ mang lại cho Israel một số lựa chọn bổ sung để bắn hạ UAV và tên lửa tầm xa của Iran.

he thong phong khong israel.jpg
Hệ thống phòng không đa lớp của Israel. Ảnh: The Aviation Geek Club

Hệ thống tầm cao nhất là Arrow-3, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong không gian. Phiên bản trước đó, Arrow-2, hoạt động ở độ cao thấp hơn. Hệ thống David's Sling tầm trung chống lại các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, trong khi hệ thống Vòm sắt tầm ngắn ngăn chặn các loại tên lửa và đạn súng cối do các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn ở Dải Gaza và Lebanon bắn. Song, về mặt lý thuyết, các hệ thống Arrow hoặc David's Sling có phóng những tên lửa mạnh mẽ hơn để vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa nào.

Các hệ thống của Israel được thiết kế để gắn kết với các hệ thống tên lửa đánh chặn của đối tác Mỹ trong khu vực nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ của liên minh.

Sidharth Kausha, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược thống nhất Hoàng gia Anh ở London đánh giá, lực lượng phòng không của Israel đã hoạt động tốt trong suốt cuộc tấn công của Iran ngày 14/4.

Ông Kausha chỉ ra rằng, một số mục tiêu đang bay tới, đặc biệt là UAV, đã bị máy bay đồng minh bắn hạ trước khi chúng tiếp cận không phận Israel. Theo ông, điều này đã “giảm thiểu việc Israel phải đối mặt với một số mối đe dọa nhất định và dường như đã đủ cảnh báo sớm để cho phép chuẩn bị phản ứng của liên minh, đồng nghĩa hệ thống đã được chuẩn bị tốt hơn nếu gặp phải một vụ tập kích tương tự với ít cảnh báo sớm hơn”.