Lan tỏa văn hóa đọc

Suốt một thời gian dài, văn hóa đọc sách ở Việt Nam khó phát triển bởi nhiều lý do, trong đó có câu chuyện kinh tế khó khăn, đa phần công chúng không sẵn sàng bỏ tiền mua sách vì còn phải lo nhiều khoản chi phí khác trong đời sống hàng ngày. Giá bán vài chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn đồng mỗi đầu sách là một “rào cản” khiến học sinh, sinh viên - lứa tuổi nên đọc nhiều sách - khó tiếp cận sách.

Tới khi nhiều loại sách điện tử (ebook) cùng các nền tảng/thiết bị đọc sách ra đời, chi phí dành cho việc mua sách và đọc sách giảm mạnh, việc tiếp cận sách của người Việt dần trở nên dễ dàng hơn. Thay vì bỏ vài trăm nghìn mua một cuốn sách, đọc một lần xong xếp vào tủ hoặc mang cho, giờ đây độc giả chỉ cần chi vài chục nghìn đồng cũng có thể đọc nhiều cuốn sách trên các nền tảng/ứng dụng sách điện tử trong thời gian dài.

Tiến thêm bước nữa, xu hướng phát triển của sách nói (audiobook) càng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người Việt tiếp cận sách.

Trong số khá nhiều loại sách nói hiện có trên thị trường, nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi biết có một sản phẩm được nghiên cứu và phát triển bởi Viettel Telecom, đó là MyDio, vừa mới ra mắt công chúng năm 2022.

anh tinh 2.jpg
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom (Ảnh: Lê Anh Dũng)

“Thực ra trước đó, chúng tôi đã triển khai nhiều nền tảng cung cấp nội dung số về âm nhạc, VOD (video theo yêu cầu)…, giờ phát triển thêm mảng sách nói cũng là chuyện bình thường. Đa dạng sản phẩm nội dung số sẽ giúp phát triển kinh doanh dịch vụ di động, vừa gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, vừa gia tăng doanh thu cho mình. Điểm đáng chú ý là với MyDio, chúng tôi tìm kiếm những nội dung hay trên thế giới cũng như ở Việt Nam để lan tỏa văn hóa đọc ra cộng đồng”, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) chia sẻ khi chúng tôi muốn tìm hiểu về sự “lấn sân” sang mảng sách nói của “nhà mạng” này.

Tại Tập đoàn Viettel, văn hóa đọc sách đã được gây dựng từ hơn chục năm nay. Lãnh đạo Tập đoàn thường xuyên tặng sách cho cán bộ, nhân viên, lan tỏa văn hóa đọc xuống tận các phòng, ban. Các công ty con và chi nhánh của Tập đoàn ở 63 tỉnh/thành đều có tủ sách. Bởi thế, MyDio có môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dần.

Trong quá trình thử nghiệm, sản phẩm mới khó tránh lỗi phát sinh về thiết kế giao diện, hiệu năng…, nhưng những lỗi đó đều trong tầm kiểm soát và nhanh chóng được khắc phục.

Một trong những khó khăn lớn nhất khi Viettel Telecom chinh phục lĩnh vực sách nói là tìm kiếm nguồn nội dung cho MyDio trong bối cảnh chưa có nhiều kinh nghiệm về những loại sách phù hợp sở thích của độc giả, cũng chưa có nhiều quan hệ để khai thác những nguồn sách tốt.

Với sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà sách và nhiều đối tác có chung tầm nhìn về sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc, tới nay, MyDio đã có gần 20.000 nội dung khác nhau, trong đó, khoảng 70% nội dung thuần Việt và 30% nội dung nước ngoài.

Ngoài sách nói (nội dung chủ đạo, với hơn 3.000 đầu sách/truyện bản quyền từ các nhà xuất bản lớn), MyDio còn phát triển nội dung podcast với hơn 15.000 nội dung khác nhau.

“Chúng tôi chú trọng các loại sách kết hợp cả yếu tố văn hóa và giáo dục của người Việt Nam cho phù hợp thuần phong mỹ tục, phù hợp thói quen, nhu cầu giải trí của người Việt Nam. Song thực tế hiện nay, riêng trong mảng sách về kinh tế, xã hội, khoa học thì sách của nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn sách trong nước”, ông Tính cho biết.

Cũng như nhiều công ty phát triển sách nói khác, sách lậu, sách vi phạm bản quyền vẫn đang là “bài toán khó” đối với Viettel Telecom.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Trọng Tính trăn trở: “Lĩnh vực nội dung số nói chung đều “dính” câu chuyện vi phạm bản quyền và các nền tảng lậu. Tìm kiếm từ khóa “sách nói” trên Internet sẽ thấy có hàng trăm, hàng nghìn web, wap có nội dung vi phạm bản quyền, thậm chí cả những đầu sách rất “hot”. Đấu tranh chống vi phạm bản quyền còn là câu chuyện dài. Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ, công nghệ để bảo vệ bản quyền nội dung số của mình cũng như các nhà cung cấp nội dung số có bản quyền chính thức. Là nhà cung cấp dịch vụ Internet trên nền tảng cố định và di động, chúng tôi hoàn toàn có thể chặn được các nội dung vi phạm bản quyền, tuy nhiên, việc chặn cũng phải phù hợp với hành lang pháp lý, phải có sự tham gia đấu tranh của nhiều cơ quan, bộ, ngành khác nữa thì mới làm được. Chúng tôi sẽ đề xuất lên Cục Xuất bản – In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra hành lang pháp lý cho vấn đề này. Rất mong công chúng độc giả nâng cao nhận thức về bảo vệ bản quyền nội dung số, chỉ sử dụng những sản phẩm/nền tảng hợp pháp”.

Làm chủ công nghệ, nhiều lợi thế cạnh tranh

MyDio không chỉ cung cấp sách/truyện được số hoá thành dạng audio mà còn là một trong những sản phẩm tiên phong phát triển hệ sinh thái âm thanh “All in one” gồm cả audio, podcast, mạng xã hội…

anh 2.jpg
MyDio là một trong những sản phẩm tiên phong phát triển hệ sinh thái âm thanh “All in one”.

Nền tảng MyDio do kỹ sư của Viettel phát triển, cả về phần cứng, phần mềm. Đặc biệt, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) do kỹ sư Viettel làm chủ đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho MyDio.

Chẳng hạn, ứng dụng Voice to text (chuyển giọng nói thành văn bản) và Text to voice (chuyển văn bản thành giọng nói) tích hợp AI giúp MyDio có sắc thái âm thanh, giọng đọc theo vùng miền tốt hơn, truyền cảm hơn các ứng dụng của nhà cung cấp nước ngoài.

Ứng dụng Recommendation (gợi ý/khuyến nghị) tích hợp AI giúp MyDio có những gợi ý phù hợp thói quen, thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt hơn các sản phẩm sách nói quốc tế.

AI cũng giúp MyDio thêm “điểm cộng” ở khả năng hỗ trợ review sách, hướng tới làm sách tóm tắt, đáp ứng đa dạng sở thích, nhu cầu và trình độ của công chúng độc giả, giúp họ đọc được nhiều cuốn sách hơn.

Dự kiến trong năm 2024, bên cạnh việc hoàn thiện những ứng dụng nêu trên, MyDio còn đem tới cho độc giả nhiều tính năng hấp dẫn khác như: MC ảo – nhân sự AI; Smart search – tìm kiếm thông minh hóa, cho phép người dùng tìm kiếm, điều khiển thông minh trên app thông qua giọng nói hoặc văn bản…

“Chúng tôi có hơn 100 kỹ sư chuyên về nghiên cứu và phát triển AI. Lợi thế làm chủ công nghệ đã giúp chúng tôi có thêm niềm tin khi phát triển sản phẩm sách nói”, ông Tính khoe.

Lợi thế khác của nhà phát triển sách nói MyDio là tập khách hàng lớn của Viettel (khoảng 60 triệu thuê bao di động và gần 9 triệu thuê bao Internet hộ gia đình ở 63 tỉnh/thành, kể cả ở thành phố hay nông thôn, trung du, miền núi, hải đảo). Việc marketing lan tỏa sản phẩm dễ hơn nhiều đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, nhờ lợi thế “nhà trồng được” của Viettel Telecom, người dùng MyDio là thuê bao Viettel gần như không phải chi trả chi phí Internet. Các gói cước đọc sách được thiết kế linh hoạt (theo giờ, theo ngày, theo nội dung đơn lẻ, theo tháng…) với mức giá bình dân, ước tính trung bình chỉ khoảng 30 – 50 nghìn đồng/tháng. 

Chị Thúy Quỳnh, một nhân viên văn phòng, cho biết: "Vì công việc quá bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian cho việc đọc sách. Từ khi sử dụng MyDio, tôi có thể nghe sách nói từ 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Sách nói trên MyDio có giọng đọc truyền cảm, nhiều nội dung thú vị và bổ ích, giúp tôi bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin mà không ảnh hưởng đến những công việc khác. MyDio đã tạo thói quen nghe sách, truyền cảm hứng đọc sách cho tôi mỗi ngày”.

Chỉ trong khoảng 2 năm kể từ khi ra mắt thị trường, MyDio đã nhanh chóng đạt vị trí Top 3 các ứng dụng sách nói có bản quyền và giấy phép hoạt động tại Việt Nam (cùng với Fonos và VoizFM), doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/tháng.

Nhiều người dự đoán MyDio có khả năng trở thành ứng dụng sách nói phổ cập toàn dân, góp phần đưa thông tin, tri thức đến nhiều tầng lớp trong xã hội. 

Mục tiêu MyDio vươn lên vị trí số 1 tại thị trường sách nói Việt Nam trong khoảng 2 năm tới được đánh giá khả thi khi Viettel Telecom sẵn có nhiều lợi thế về tập khách hàng lớn, giàu tiềm lực tài chính để sẵn sàng đầu tư sách hay và sách có bản quyền, sở hữu đội ngũ marketing bán hàng ở cả 63 tỉnh/thành…

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom vẫn khá thận trọng: “Trước khi chúng tôi làm sách nói MyDio thì trên thị trường đã có rất nhiều người làm rồi, đặc biệt là những Big Tech (ông lớn công nghệ) như Amazon, Google, YouTube, Spotify… đều có sự quan tâm tới thị trường Việt. Mình có nguồn lực, có cơ sở để có thể bước lên vị trí số 1, nhưng cũng còn phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nữa”.

Hướng tới mục tiêu Go Global

Mục tiêu tiếp theo mà nhà phát triển MyDio hướng tới là chinh phục thị trường nước ngoài, quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.

anh 1.jpg

Mô hình kinh doanh của MyDio cũng tương tự các nền tảng xuyên quốc gia của Big Tech, dựa trên nền tảng công nghệ (platform) cốt lõi, đi đến quốc gia nào thì phát triển nội dung bản địa (local content) tại đó, với công thức 70% nội dung bản địa và 30% nội dung quốc tế.

Nội dung bản địa là một “bài toán” rất khó, nên đến hiện tại, chưa có sản phẩm nội dung số hoặc OTT nào của Việt Nam “Go Global” (đi ra toàn cầu) thành công.

Theo kế hoạch, thời gian tới, MyDio sẽ có nhiều phiên bản cho các thị trường quốc tế mà Tập đoàn Viettel đang tiến hành kinh doanh viễn thông như: Lào, Campuchia, Tazania, Burundi… MyDio sẽ góp phần phổ cập giáo dục và phát triển văn hóa đọc tại một số nước đang phát triển ở châu Phi, nơi tỷ lệ biết chữ còn thấp.

“Thuận lợi là Viettel đã đầu tư ở 10 thị trường, có nguồn lực ở đấy, có thể giúp làm local content và quảng bá sản phẩm cho MyDio. Chúng tôi sẽ có lộ trình cụ thể cho từng thị trường nhưng xin phép chưa tiết lộ tại thời điểm này. Trước đây, Viettel Telecom đã đưa ra nước ngoài một số nền tảng do đội ngũ của chính Viettel Telecom tại Việt Nam xây dựng. Hy vọng MyDio sẽ sớm có ít nhất 1 thị trường nước ngoài, trở thành một trong những nền tảng nội dung số xuyên biên giới đầu tiên của Việt Nam”, ông Tính vui vẻ nhìn về tương lai.

“Mỗi một người Viettel khi đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài đều là một đại sứ thương hiệu. Nếu có nền tảng xuyên biên giới thì chắc chắn chúng tôi cũng sẽ lồng ghép các giá trị văn hóa của Việt Nam để quảng bá ra thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao nhận diện thương hiệu MyDio trên thị trường trong nước cũng như quốc tế với thông điệp "Technology with heart” – Công nghệ từ trái tim”, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom nhấn mạnh.