Tại Phú Thọ, hồng Gia Thanh là một số hàng nghìn sản phẩm đã được tỉnh gắn tem truy xuất nguồn gốc. Đây là cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao ở địa phương với nhiều ưu điểm vượt trội: tương đối dễ trồng, quả to, không có rãnh và đặc biệt không có hạt, vị thơm, ngọt dịu…

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Thông qua tem điện tử thông minh, người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình mua như giống hồng, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản, hàm lượng các chất trong hồng, ảnh sản phẩm… 

Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch “lý lịch” dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và giúp người dân khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường.

quyen loi nguoi tieu dung b36a.jpg
Hồng Gia Thanh có nhiều ưu thế vượt trội

Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc được coi là một trong những giải pháp cơ bản để có một nền nông nghiệp minh bạch, rõ ràng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc trở nên đặc biệt quan trọng khi trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 2.000 sản phẩm nông nghiệp được gắn tem nhãn tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc, trong đó chủ yếu là các mặt hàng như: bưởi, thịt chua, chè, gạo và các loại rau củ quả an toàn... 

Các chủ thể được lựa chọn áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc là những hộ, cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP, HACCP,... đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã triển khai hỗ trợ các cơ sở 295.000 tem nhãn tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc tập trung vào các sản phẩm như: Thịt chua, rau an toàn, bưởi Đoan Hùng, bưởi diễn, chè xanh, các sản phẩm từ thịt…

Chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, độc hại, kém chất lượng 

Nhằm đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm nói chung, nông sản nói riêng UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm giai đoạn 2020 – 2025.

Theo đó, mục tiêu chung nhằm nhận diện, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ các công đoạn từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, độc hại, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà sản xuất và từng sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm thông qua việc công khai, minh bạch các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm,…; đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất nông lâm thủy sản phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể đề ra cho giai đoạn 2021 – 2025 của UBND tỉnh là, 70 - 80% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Có 100 - 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm được hỗ trợ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Cùng với đó, hoàn thiện, cập nhật cơ sở dữ liệu, nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm; 

Khảo sát nhu cầu thực hiện của các đơn vị, từ đó đề xuất danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm trọng điểm, ưu tiên triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và chính sách hỗ trợ thực hiện (ưu tiên các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm chủ lực, đặc trưng, các sản phẩm phục vụ xuất khẩu,…)

Quản lý nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nông lâm thuỷ sản, thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

V.v,…

Minh Vy

 14/9