Bệnh nhân là nam thanh niên 25 tuổi (ở Hà Nội). Nói với bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khi đến khám, anh cho biết bản thân phát hiện lòng bàn chân có một vết đen, không gây đau, ngứa ngáy, không lồi lên mà bằng phẳng, lan theo dạng bề ngang cách đây hơn 1 năm. Nghĩ là nốt ruồi hoặc mụn cơm, anh đến một cơ sở thẩm mỹ đốt. 

Tuy nhiên, thay vì vết sẹo sau đốt nốt ruồi liền lại (như những nốt ruồi lành tính khác), tổn thương sau đốt của bệnh nhân ngày càng to dần. Khi tới bệnh viện, vết loét rộng tới hơn 1cm, chảy máu, rất khó đi lại.

"Bác sĩ da liễu khi nhìn tổn thương bằng mắt thường, không cần dùng máy cũng biết chính xác đó là ung thư hắc tố", Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chia sẻ. Với tổn thương ung thư tưởng là nốt ruồi này, càng đốt sâu, càng loét hơn, chảy máu, không thể liền được.

Đáng tiếc, ung thư hắc tố di căn rất nhanh bởi tế bào ung thư bị "kích thích" khi bị đốt, nhanh chóng "chui" vào mạch máu và lan tỏa khắp nơi, không chỉ ở bàn chân. Do đó, bệnh nhân không những có nguy cơ bị cắt cả bàn chân mà còn phải nạo vét hạch vị trí cao, phối hợp hóa chất, trị liệu...

Ca bệnh ung thư da này được Tiến sĩ Minh chia sẻ bên lề Hội nghị Da liễu toàn quốc thường niên 2023. Nữ bác sĩ nhận định số bệnh nhân ung thư da tăng tương đối rõ rệt. Một nghiên cứu của bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương trong 6 năm (từ 2017-2022) cho thấy có 1.133 bệnh nhân ung thư da điều trị nội trú tại cơ sở y tế này. Gần 70% trong số đó là bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy (riêng 3 năm 2020-2022 có 407 ca).

Theo các bác sĩ, ung thư da có xu hướng trẻ hóa, nhiều thanh niên chỉ mới 20-30 tuổi đã mắc căn bệnh trước đây thường gặp ở trung niên. Thậm chí, không ít trường hợp cùng lúc bị nhiều loại ung thư trên cùng một nền da.

Bác sĩ Minh cũng cho biết so với trước đây số bệnh nhân hiện phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhiều hơn nhưng trong một nghiên cứu của viện này, hơn 50% ca ung thư da đã ở giai đoạn muộn tại thời điểm phát hiện, chẩn đoán.

"Bệnh nhân thấy vết loét thấy lâu liền, chảy máu ở nốt ruồi, vết trợt trên tổn thương cũ… thì đến viện, nhưng khi đã có biểu hiện này, bệnh thường đã ở giai đoạn sau. Bởi ung thư da thường xuất hiện và tiến triển trong thời gian dài trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng", theo bác sĩ Minh.

bac si NguyetMinh Dalieu.png
Theo Tiến sĩ Minh, số ca mắc ung thư da không những gia tăng mà nhiều người còn phát hiện bệnh khi chỉ mới 20-30 tuổi. Ảnh: BVCC

Ung thư da gồm nhiều loại nhưng 3 nhóm hay gặp nhất gồm: biểu mô tế bào đáy (là giữa lớp thượng bì và trung bì của da); biểu mô tế bào vảy và tế bào hắc tố.

Trong đó, ung thư tế bào hắc tố là loại ác tính nhất, nguy cơ tử vong cao nhất. Ung thư tế bào đáy rất phổ biến, tiên lượng điều trị khả quan, lên tới 90% nếu phát hiện sớm.

Với ung thư biểu mô tế bào vảy thường được phát hiện ở nam giới có tiền sử chít hẹp bao quy đầu nhưng không xử lý đúng khi còn nhỏ. Nhóm người này có nguy cơ mắc ung thư khi mới ở tuổi 20-30.

Nốt ruồi không xử lý đúng cách gây ung thư hóa là tình trạng các bác sĩ da liễu thường xuyên gặp, như trường hợp trên đây.

Mỗi người có trung bình khoảng 10-40 nốt ruồi trên cơ thể. Đa số các nốt là lành tính, song cũng có một số nguy cơ ác tính, bị "ác tính hóa" do nằm ở các vị trí cọ xát trên cơ thể hoặc vị trí tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và hóa chất.

Ung thư tế bào hắc tố gặp nhiều nhất là các tổn thương nằm ở lòng bàn tay và bàn chân. Ngoài ra, các nốt ruồi nằm ở vùng cọ xát như ở khu vực quai áo, cạp quần, vùng cổ, nguy cơ biến tính cao do thường xuyên bị cọ xát, thậm chí gây chảy máu.