Kết quả khảo sát về thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, chế xuất do Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố cho thấy, lao động nữ di cư đã có gia đình chiếm tỉ lệ đông nhất (hơn 85%), lao động nữ chưa kết hôn chiếm 3,3% và lao động nữ ly hôn, ly thân chiếm khoảng 10%.
 Đa số lao động nữ di cư phải thuê nhà trọ để ở (53,7%), số có nhà riêng khi di cư nhỏ (19,1%), trong khi số lao động được doanh nghiệp bố trí nhà, ký túc xá tập thể rất thấp (0,3%).

ava- anh ava.jpg
64,7% lao động nữ di cư ở những căn nhà trọ chật chội, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu  (Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng)

Tình trạng nhà ở của lao động nữ di cư còn rất nhiều khó khăn, bất cập. 64,7% lao động nữ di cư ở những căn nhà trọ chật chội, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, nước sạch, vệ sinh, thiếu tiện nghi sinh hoạt, không đảm bảo an toàn.
Với mức thu nhập còn thấp, nhóm lao động này thường tiết kiệm, không sắm sửa những vật dụng cần thiết trong gia đình như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh…

Khảo sát của Ban Nữ công, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, một gia đình lao động nữ di cư phải chi gần 10 triệu đồng cho các khoản thuê nhà, tiền học cho con, tiền điện, nước, ăn uống... Trong đó, mức chi dành cho thuê nhà từ 1 đến 2 triệu đồng.
 Vì những điều kiện chưa thuận lợi nên phần đông lao động nữ di cư phải chấp nhận cuộc sống xa con.
 Bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, chính những yếu tố khó khăn về kinh tế, nhà ở, trường học… là rào cản trong đời sống gia đình, ảnh hưởng trực tiếp tới việc chăm sóc, nuôi dạy con của lao động nữ di cư.
 Điều đáng lo ngại là hiện nay tình trạng ly hôn, ly thân trong công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có xu hướng ngày càng gia tăng. 

ba tran thu phuong.jpg
Bà Trần Thu Phương,

 Theo đó, tỷ lệ lao động nữ đơn thân phải nuôi con một mình cũng tăng lên, tạo thành gánh nặng không hề nhỏ với họ. Nhiều lao động nữ đơn thân không còn lựa chọn nào khác là phải gửi con về quê.
 Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ.
 Để giải quyết những bất cấp trên, công đoàn cần có nhiều chính sách cho con em lao động di cư như xây dựng nhà trẻ trong khu công nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, xây dựng quỹ khuyến học và hỗ trợ thủ tục pháp lý... giúp họ yên tâm lao động.