Tính đến thời điểm này thể thao Việt Nam được cho là có 9 VĐV bị nghi ngờ sử dụng doping ở SEA Games 31, trong đó có không ít người giành HCV, HCB. Ông có bất ngờ trước thông tin này?

Thường ở đại hội thể thao nào cũng có VĐV bị phát hiện sử dụng doping. VĐV có thể vô tình hay cố ý sử dụng. Tôi tin là các VĐV Việt Nam không dại gì mà cố ý cả. Họ có thể chỉ bị hạn chế về kiến thức. Những VĐV điền kinh mà tôi biết đều chăm chỉ tập luyện và không có đối thủ ở tầm khu vực, nên nếu họ dính doping thì rất bất ngờ và đáng tiếc.

Quy trình kiểm tra doping ở các giải thể thao diễn ra thế nào, thưa ông?

Về luật, bất cứ Đại hội thể thao nào mặc định là phải có kiểm tra doping. Thường thì VĐV giành HCV phải kiểm tra doping, hoặc những VĐV vào vòng chung kết. Ngoài ra, sẽ có một tỷ lệ khoảng 10% các VĐV bị nghi hoặc ngẫu nhiên. Đó là những trường hợp có sự bất thường trong thi đấu.

Ông Dương Đức Thủy

Sau khi các mẫu xét nghiệm lần đầu (mẫu A) có kết quả thì gần như chính xác. VĐV có quyền yêu cầu xét nghiệm mẫu B nhưng phải tự trả chi phí. Thường thì Liên đoàn sẽ phải lo vấn đề này. Giá xét nghiệm từ 70 - 100 USD tùy nơi. Mẫu B là kết quả cuối cùng.

Được biết hầu hết các mẫu tại SEA Games 31 được gửi sang Thái Lan làm xét nghiệm. Vì sao chúng ta không lựa chọn một quốc gia khác dù chi phí không chênh lệch quá nhiều?

Đây là vấn đề khiến tôi rất suy nghĩ. Thay vì Thái Lan, chúng ta có thể gửi mẫu ở Singapore, Malaysia hay thậm chí là châu Âu. Chi phí của các quốc gia này cũng không chênh quá nhiều. Thái Lan dù sao cũng là quốc gia cạnh tranh vị trí số 1 với Việt Nam ở đấu trường SEA Games, vì thế việc gửi mẫu xét nghiệm tại đây cũng khá nhạy cảm.

Vậy tại sao chúng ta không có người sang giám sát quá trình xét nghiệm?

Trên lý thuyết, việc kiểm tra doping cũng như trọng tài ở môn bóng đá. Các trung tâm xét nghiệm doping cũng phải fair-play như trọng tài vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta cử người đi giám sát thì vẫn yên tâm hơn. Giám sát ở đây là kiểm tra xem có đúng mã số, tem niêm phong các mẫu xét nghiệm hay không.

Ông nhìn nhận dưới góc độ thế nào khi Việt Nam có nhiều VĐV được cho là dính doping ở SEA Games 31?

Tôi cho rằng các VĐV vô tình dính chất cấm. Có thể các VĐV bị chấn thương trong khi công tác chăm sóc sức khỏe của Việt Nam thiếu và kém, họ sẽ tự chữa trị, tự mua thuốc ở ngoài.

Cũng có thể VĐV ăn uống không đúng cách. Dĩ nhiên bản thân VĐV họ không biết mắc ở đâu. Nếu như ở nước ngoài, nhiều quốc gia họ giữ lại mẫu thực phẩm tới vài tháng sau khi thi đấu để kiểm nghiệm, còn Việt Nam thì không có một quy chuẩn nào cả.

Trong trường hợp nếu có VĐV nổi tiếng dính doping sẽ thế nào, thưa ông?

Chúng ta phải chấp nhận thôi. Các VĐV cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý về vấn đề này. Vừa rồi tôi có ngồi với một số VĐV của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Họ lo lắng và hoang mang không biết mình có nằm trong số những người có kết quả dương tính với chất cấm hay không. 

Ngành thể thao phải đối mặt với vấn đề doping

Tôi động viên họ luôn phải sẵn sàng đối mặt và không được bỏ cuộc. Nhưng có không ít VĐV sau khi bị cấm thi đấu thì họ cũng giải nghệ luôn. Ví dụ những VĐV bước sang tuổi 30, nếu bị cấm thi đấu 1-2 năm thì cũng khó trở lại. Tâm lý của họ sẽ rất nặng nề, không còn tâm trí đâu mà tập luyện nữa.

Liệu có cơ hội nào cho VĐV nếu họ có kết quả dính doping chính thức? Ngành thể thao có vai trò thế nào trong vấn đề này, thưa ông?

Tôi cho rằng chúng ta cần công khai chuyện này, đặc biệt phía Liên đoàn điền kinh Việt Nam cũng phải lên tiếng, thay vì cứ vài hôm lại có thông tin VĐV dính doping từ kênh báo chí.

Việt Nam có bao nhiêu mẫu xét nghiệm, những mẫu nào cho kết quả dương tính với chất cấm? Đại hội TDTT toàn quốc sắp đến thì VĐV càng phải biết họ có dính doping hay không. Riêng môn điền kinh vừa qua vừa tổ chức giải VĐQG nội dung tiếp sức, nếu VĐV có kỷ lục nhưng tới đây dính doping thì thế nào?

Tóm lại là với vấn đề doping thì bất cứ nền thể thao nào cũng không giấu được, vì kiểu gì phía WADA hoặc các Liên đoàn thế giới cũng có thông báo chính thức. Vì thế, Việt Nam cần chủ động cho mọi tình huống, thậm chí ngay từ bây giờ có thể tìm hiểu xem VĐV bị nghi ngờ dính doping ăn uống, dùng thuốc thế nào trong quá trình tập luyện, thi đấu. Họ có thể phải giải trình.

WADA hay Ủy ban Liêm chính của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đều khuyến cáo các VĐV chứng minh sự trong sạch của mình. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!