Kỳ Sơn là một trong các huyện nghèo, khó khăn nhất của cả nước; diện tích tự nhiên 209.484 ha, địa hình hiểm trở, đất bằng chỉ chiếm 1%, còn lại là đất đồi núi cao; huyện tiếp giáp với 4 huyện 3 tỉnh của nước bạn Lào với đường biên giới dài 203,4 km, huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới; có 172 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. 

Xác định chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ đồng bào người Mông ở các xã vùng cao, huyện Kỳ Sơn đã triển khai phát triển vùng nguyên liệu chè quy mô lớn, kết hợp thu hút đầu tư xây dựng nhà máy thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. 

Song song với trồng chè bà con đồng bào Mông ở Kỳ Sơn trồng xen các loại cây gỗ quý như sa mu, pơ mu vừa phát triển kinh tế rừng lại hỗ trợ những vườn chè sẽ phát triển tốt hơn dưới những tán cây này.

Hiện nay, trên toàn địa bàn xã Huồi Tụ có 15ha rừng sa mu, pơ mu, riêng ông Vừ Vả Chống, một cựu binh tiêu biểu ở bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ sở hữu hơn 7ha, với gần 8000 cây, hơn 3000 cây sa mu, 4000 cây pơ mu, dưới tán rừng là những nương chè mỗi năm cho doanh thu trên 50 triệu đồng. Dù không phải là cây bản địa nhưng gần 20 năm nay, cây chè đã mang lại nguồn thu và giúp các hộ đồng bào Mông trồng chè có cuộc sống ổn định hơn.
Anh Chống cho biết, muồn cây chè phát triển tốt phải tạo những tán rừng phủ bóng mát cho chè, vì vậy, từ năm 2003 ông là người đầu tiên ở xã trồng hàng nghìn cây sa mu, pơ mu trên khu đất rộng 7ha trồng chè của gia đình. Không chỉ tạo bóng mát cho cây chè, chống xói mòn đất mà đây là 2 loại gỗ quý có tên trong sách đỏ nên giá bán rất cao.
Dù rừng cây sa mu, pơ mu của anh Vừ Vả Chống hiện nay đã có thể thu hoạch, nếu chặt bán gia đình sẽ có một số tiền lớn nhưng anh quyết định không bán mà cảo tạo nơi đây thành khu du lịch sinh thái vừa gìn giỡ, phát triển rừng vừa phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Khu nhà nghỉ đang được xây dựng trên đất của gia đình anh Vừ Vả Chống.
Anh Chống đang xây dựng khu du lịch sinh thái, nhà nghỉ, nhà giới thiệu văn hóa bản địa. Năm vừa qua có gần 300 đoàn khách đến tham quan tại địa điểm này. Hiện nay, anh  đang đầu tư làm đường bê tông vào khu du lịch, kéo điện gần 1 km, nước dùng bơm dưới khe gần 400m lên để dùng trong sinh hoạt, phòng cháy, chữa cháy... Chính quyền xã đã rất tích cực phối hợp tạo điều kiện cho các hộ dân toàn xã vay vốn theo chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
“Đảng bộ xã Huồi Tụ xác định đây là một cây trồng chủ lực, để xã Huồi Tụ xóa đói giảm nghèo và xác định đây là sản phẩm Ocop của xã Huồi Tụ, thực hiện được vấn đề đó thì xã đã tuyên truền vận động cho nhân dân tiếp tục chăm sóc cây chè, đối với những diện tích bỏ hoang thì bây giờ tái chăm sóc, đồng thời cũng thành lập HTX chè huồi Tụ của nhân dân, để cùng với Tổng đội TNXP8 thu mua chè của nhân dân, góp phần đưa thương hiệu chè tuyết shan Huồi Tụ ngày một đi xa. Hiện nay HTX đã đi vào hoạt động đã thu mua chè cho người dân.”Ông Hạ Bá Lỳ, Phó chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn chia sẻ.
Đã 2 năm nay, UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) thành lập, duy trì Hợp tác xã Homestay do Phó Chủ tịch xã Vừ Bá Sử trực tiếp phụ trách. Xã đã phối hợp với các phòng, ban cấp huyện hỗ trợ các gia đình kinh doanh homestay 100 triệu đồng/gia đình để tu sửa, mua chăn nệm..., hướng dẫn kiến thức làm du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Bản Mường Lống 1 hiện có 3 gia đình kinh doanh homestay, tuy lượng khách chưa nhiều nhưng cũng đem lại thêm thu nhập đáng kể cho người dân. Chị Lầu Y Zếnh, chủ nhân homestay mang tên mình tự tay dọn phòng cho khách.
Khách du lịch có nhu cầu sẽ được giao lưu ca nhạc với những nghệ sĩ là chính người dân bản địa. Điệu múa ô của phụ nữ Mông ở Mường Lống.
Du khách được thưởng thức những điệu khèn réo rắt say lòng người của những chàng trai Mông. Trong ảnh là nghệ nhân khèn, Vừ Nhìa Tú đang say đắm trong một điệu khèn.
Chị Lầu Y Zếnh cho biết năm vừa qua gia đình đón được hơn 100 du khách ăn nghỉ tại homestay, giá nghỉ qua đêm chỉ 100 nghìn đồng/người, cả gia đình đều vui vì có thêm thu nhập tại chính ngôi nhà mình vẫn sinh sống.
Nhân viên homestay Vừ Tồng Pó thường xuyên kiểm tra chăn nệm trong thơi gian chưa có khách, chị cho biết do khí hậu ở vùng núi cao thường xuyên mưa mù, độ ẩm cao nên luôn phải phơi chăn nệm tránh bị mốc.
Phú Vân farmstay vừa phục vụ chỗ ăn nghỉ cho du khách, vừa kinh doanh ẩm thực dân tộc tại bản Mường Lống 1.
Nếu may mắn du khách có thể được xem chọi bò vào những dịp lễ tết, dịp cưới xin, làm vía theo phong tục của người Mông bản địa.

Anh Dũng, Đăng Tấn, Ngọc Lài, Như Sỹ, Thanh Hà, Lê Na