Hơn 30 tuổi đã nguy kịch vì thói quen hút thuốc

Chị Trần Thị Quỳnh (34 tuổi, Đồng Nai) cho biết chồng chị vừa bất ngờ lên cơn đau ngực kèm theo vã mồ hôi, phải cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu cơ tim và phải tái thông mạch vành.

Tháng 6 vừa qua, một nam bệnh nhân 31 tuổi cũng phải cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong tình trạng đau tức ngực trái âm ỉ. Kết quả điện tim không thấy biến đổi bất thường, nhịp xoang đều, không có dấu hiệu nhồi máu cơ tim đặc hiệu.

Tuy nhiên, hai tiếng sau, bệnh nhân tiếp tục đau ngực, vã mồ hôi trở lại, huyết áp tụt, nhịp tim chậm 39 lần/phút. Các bác sĩ khẩn cấp thực hiện đặt máy tạo nhịp tim tạm thời với điện cực trong buồng tim. Kết quả chụp mạch vành trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA phát hiện động mạch vành phải tắc cuối đoạn 1.

Ê-kíp can thiệp thực hiện nong bóng, đặt 1 stent vào động mạch vành phải để tái thông dòng chảy cho mạch vành tưới máu cơ tim cải thiện. Bệnh nhân thoát cơn nguy kịch.

Khai thác bệnh sử ghi nhận người bệnh 31 tuổi tại Quảng Ninh đã hút thuốc lá 10 năm liên tục, mỗi ngày khoảng hơn 1 nửa bao thuốc. Trong khi đó, bệnh nhân 34 tuổi tại Đồng Nai cũng hút thuốc từ thời còn đi học. Đây cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ nhiều hơn trước.

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhồi máu cơ tim là một cấp cứu khẩn trong y khoa, xảy ra khi các mạch máu nuôi tim (mạch vành) bị tắc nghẽn. Nguyên nhân huyết khối gây tắc nghẽn chủ yếu do xơ vữa mạch vành hoặc bệnh nhân bị co thắt mạch vành hay gặp chấn thương ngực.

Bác sĩ Vũ cho hay xơ vữa mạch vành thường xảy ra nhiều hơn ở những người có yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, nam giới, tuổi cao, ít vận động… cũng là yếu tố nguy cơ.

Các thống kê trên thế giới và Việt Nam cho thấy tuổi trung bình của người bệnh nhồi máu cơ tim có xu hướng trẻ hơn với trước đây, nếu ở người dưới 35 tuổi được xem là rất trẻ. 

Bác sĩ Vũ phân tích người trẻ có sức đề kháng tốt, ít có bệnh lý kèm theo nên khả năng vượt qua nhồi máu cơ tim sẽ tốt hơng người lớn tuổi. Tuy nhiên, điểm khác biệt là sự hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành của người trẻ thường cấp tính và đột ngột, trong khi ở người lớn tuổi thì kéo dài và từ từ khiến trái tim thích nghi được một phần.

Bác sĩ nhận định nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi cũng có yếu tố nguy là hút thuốc lá, tăng huyết áp, ít vận động, mỡ máu… Trong đó, ở nam giới trẻ, đa phần người bị nhồi máu cơ tim có yếu tố chính là hút thuốc lá, còn nữ giới thường do yếu tố di truyền, gia đình có tiền căn tăng mỡ máu.

Triệu chứng đặc trưng của nhồi máu cơ tim

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho hay bệnh viện này cũng tiếp nhận một số trường hợp nhồi máu cơ tim có nguyên nhân do không kiểm soát tốt bệnh lý nền và lối sống thiếu lành mạnh. Trong đó, có bệnh nhân chưa đến 30 tuổi.

Theo bác sĩ Duy, trừ các bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh tim mạch thường diễn tiến âm thầm nhiều năm mà người bệnh không nhận ra. Vì thế, người có yếu tố nguy cơ cao cần tầm soát bệnh tim mạch mỗi năm 1 lần, bao gồm những người hút thuốc lá, người bệnh đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, ít vận động hay có cha mẹ mắc bệnh tim mạch sớm.

Trước đây, bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường là người lớn tuổi. 

Để nhận biết cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh cần nhớ triệu chứng điển hình là đau nặng ngực, cảm giác giống như lồng ngực bị bóp, siết hoặc đá đè trên ngực. Cơn đau có thể ở vị trí lồng ngực hoặc lan rộng sang tay bên trái, lan sang cằm, kèm theo vã mồ hôi, khó thở, kéo dài từ 20-30 phút thậm chí là vài giờ.

Theo bác sĩ Vũ Hoàng Vũ, sau cơn nhồi máu cơ tim, động mạch vành tắc nghẽn khiến cho vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi gặp tổn thương. Trường hợp nặng, cơ tim sẽ bị chết một phần và có thể gây ra 3 nhóm biến chứng: biến chứng rối loạn nhịp, biến chứng suy tim,  biến chứng cơ học (ít gặp, ví dụ như thủng tim, vỡ tim, van tim cấp tính…)

Các nghiên cứu cho thấy thời gian vàng cấp cứu nhồi máu cơ tim là trong 48 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng đau ngực. Thời gian tốt nhất để tái thông mạch vành là trong 12 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng đau ngực.

Tuy nhiên, việc tái thông mạch máu nuôi tim càng sớm thì hiệu quả càng cao. Vì thế, khi nghi ngờ một người bị nhồi máu cơ tim, cần khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất, không trì hoãn vì có thể bị mất đi thời gian vàng. 

Giao Linh, Tuyết Nhung, Diệu Bình, Vũ Lụa