Thời điểm cuối năm, nhu cầu hoa quả nhập khẩu của người dân thường tăng cao. Lợi dụng nhu cầu và sự ưa chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng, nhiều đối tượng kinh doanh “phù phép” hoa quả không rõ nguồn gốc, kém chất lượng… thành hoa quả ngoại nhập, có giá trị kinh tế để trục lợi.

Nếu như vài năm về trước, các loại hoa quả nhập khẩu chỉ được bày bán trong các siêu thị lớn, thì giờ đây, trên nhiều đường phố ở Hà Nội đều dễ dàng bắt gặp các điểm bán hoa quả nhập khẩu. Các cửa hàng đều treo băng-rôn, biển hiệu quảng cáo hoa quả nhập ngoại, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng...

Có thể nói, sự góp mặt của các sản phẩm hoa quả nhập khẩu làm phong phú thêm thị trường, đáp ứng nhu cầu của những khách hàng có điều kiện kinh tế khá giả. Tuy nhiên, chất lượng và giá bán những sản phẩm này thiếu công khai, minh bạch, khiến thị trường hoa quả nhập khẩu đang ở trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Dọc theo những quầy bán hoa quả tại các chợ hay vỉa hè, người tiêu dùng sẽ bị hấp dẫn bởi mầu sắc đẹp mắt của các loại hoa quả đủ loại. Khi được hỏi, một người bán hàng tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy), niềm nở: “Táo này là hàng của Mỹ, còn cam là hàng Việt Nam lấy từ Hà Giang”.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại các điểm bán hàng trong các chợ thường có các thùng xốp đựng hoa quả, bên ngoài in chữ Trung Quốc và hình ảnh các loại hoa quả nhưng người bán vẫn giới thiệu là hoa quả của Việt Nam. Thắc mắc về điều này, một chị bán hàng tại chợ Dịch Vọng cho biết: “Ðây là hàng Trung Quốc, nhưng do lâu nay người tiêu dùng không ưa chuộng các mặt hàng từ Trung Quốc, cho nên mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá”.

Không chỉ nhộn nhịp tại các chuỗi cửa hàng trên phố, trên các trang mạng xã hội, hay những trang mua sắm trực tuyến, diễn đàn online, xuất hiện rất nhiều địa chỉ rao trái cây nhập khẩu như: Hoa quả sạch nhập khẩu; hoa quả xách tay; hoa quả đặc sản các nước…

Thậm chí, để tăng độ tin cậy, người bán còn quảng cáo đây là trái cây được người thân xách tay từ nước ngoài về, chỉ có vài kg cho nên nếu không mua nhanh sẽ hết. Các loại hoa quả ngoại được bán trên mạng với giá rẻ hơn thị trường, như cherry chỉ hơn 300 nghìn đồng/kg, nho Mỹ chỉ 150 nghìn đồng/kg, cam Úc chỉ 80 nghìn đồng/kg. Trong khi tại các siêu thị, hoặc các cửa hàng chuyên hoa quả nhập, giá các loại quả đắt hơn nhiều. Nho không hạt của Mỹ có giá 279 nghìn đồng/kg; táo Envy New Zealand có giá 249 nghìn đồng/kg, kiwi 219 nghìn đồng/kg…

Giá của các mặt hàng hoa quả tại đây cao cho nên người tiêu dùng thường ít khi mua bởi đối với mặt hàng này, khách hàng thường chủ yếu là mua để đi biếu, tặng. Chị Minh Thu, quận Nam Từ Liêm chia sẻ: Nếu như trước đây, hoa quả nhập khẩu là mặt hàng xa xỉ, thì nay chỉ cần chạy ra chợ là mua được.

Tuy nhiên, nếu so sánh về giá thì có sự chênh lệch rất lớn như một cân nho Mỹ tại cửa hàng chuyên hoa quả nhập khẩu bán hơn 200 nghìn đồng/kg, trong khi đó ngoài chợ họ bán có 130 nghìn-140 nghìn đồng/kg, thậm chí hôm nào hàng xấu thì họ chỉ bán có 100 nghìn đồng/kg.

Từng thất vọng khi mua hoa quả nhập khẩu qua mạng xã hội, chị Lê Thanh, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, có lần chị bạn giới thiệu cho một địa chỉ bán các loại quả nhập khẩu của Hàn Quốc trên mạng nổi tiếng đông khách cho nên chị đã đặt mua. Tuy nhiên, lúc nhận hàng thì thấy rất ấm ức, giá cao gấp đôi, gấp ba hoa quả trong nước mà phải mua từ 5 kg mới được giao hàng tại nhà nhưng tất cả các sản phẩm này đều không tem nhãn.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường với chiêu trò mập mờ nguồn gốc của trái cây nhập khẩu, không ít cửa hàng hoa quả đã thu lãi rất nhiều, bởi thực tế cùng một loại hoa quả, nhưng nguồn gốc khác nhau, giá cả đã chênh nhau từ 3-5 lần. Mới đây, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu, phát hiện một cửa hàng ở đường Trần Duy Hưng có hành vi “hô biến” quả lê Trung Quốc thành quả lê Hàn Quốc để bán cho người tiêu dùng.

Tại một cửa hàng khác, nhân viên giới thiệu các loại táo ở đây đều được nhập từ Mỹ, thế nhưng tem mác lại in chữ nhập từ New Zealand. Mỗi cửa hàng đều tìm lý do không bình thường để giải thích về nguồn gốc bất thường của các loại trái cây nhập khẩu được bày bán. Dưới nhãn mác trái cây nhập khẩu, không ít người tiêu dùng đã bỏ tiền để mua các loại trái cây này với mức giá không hề rẻ nhưng ít ai biết nguồn gốc thật sự của những loại hoa quả này.

Liên quan vấn đề này, theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, thời gian qua với sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, một số loại hoa quả ngoại nhập không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bị Cục Bảo vệ thực vật “thổi còi” và khuyến cáo về dư lượng chất bảo quản vượt quá mức cho phép.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng hoa quả không bảo đảm chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường là do lợi nhuận cao và rất dễ bán. Hoa quả là mặt hàng được kinh doanh, bày bán phổ biến, nhưng thường không có hóa đơn, giấy tờ gì cho nên càng khó quản lý. Mặt khác, với tâm lý muốn mua hàng rẻ tiền, nhiều người dân ít quan tâm đến nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Còn với người bán, mặc dù biết là sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc không bảo đảm chất lượng, nhưng vì chạy theo lợi nhuận cho nên cố tình bán các sản phẩm này cho người dân.

Để lành mạnh hóa thị trường hoa quả, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các điều kiện theo quy định tại đề án để được cấp biển nhận diện; đồng thời, thực hiện tiếp nhận, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đăng tải các bản tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp nhập khẩu trái cây.

Các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp trong việc kiểm soát chặt chẽ mặt hàng hoa quả nhập khẩu; có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác, sử dụng chất bảo quản, các lô hàng không rõ xuất xứ có hóa chất độc hại. Mặt khác, cần phát triển các vùng chuyên canh các loại cây đặc sản, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Trái cây trong nước khi bán ra thị trường cũng nên có nhãn mác ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bảo hộ thương hiệu, có sự can thiệp điều chỉnh giá để vừa bảo đảm lợi ích cho người sản xuất và nhà phân phối mặt hàng này. Để tránh mua phải trái cây kém chất lượng, người tiêu dùng cần tìm tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối để mua hoa quả bảo đảm chất lượng, chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng.

Theo Nhân dân online