1. Nhà thơ nổi tiếng nào từng giữ chức Phó Thủ tướng?

  • Huy Cận
  • Tố Hữu
  • Chế Lan Viên
  • Xuân Diệu
Chính xác

Tố Hữu (1920 – 2002), tên thật là Nguyễn Kinh Thành, sinh tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhỏ, ông đã học cách làm thơ từ người cha, vốn là một nhà nho nghèo nhưng thích thơ văn và sưu tầm ca dao, tục ngữ.

Năm 13 tuổi, Tố Hữu vào trường Quốc học Huế và được tiếp xúc với nhiều tác phẩm mang tư tưởng tiến bộ của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Lenin... Cùng sự động viên của các Đảng viên lúc bấy giờ, ông sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và gia nhập Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương vào năm 1936, sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938.

Tố Hữu từng nhiều lần bị chính quyền đô hộ của người Pháp bắt giữ trong quá trình hoạt động cách mạng. Năm 1942, ông vượt ngục Đắc Glêi (Kon Tum), tìm đến Thanh Hóa và tiếp tục tham gia phong trào cách mạng tại đây. Sau ngày đất nước giải phóng, ông giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại.

2. Nhà thơ này từng hai lần làm Bí thư tỉnh nào?

  • Thừa Thiên - Huế
  • Cao Bằng
  • Thanh Hóa
  • Tuyên Quang
Chính xác

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhà thơ Tố Hữu có hai lần giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Từ năm 1943-1945, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khi mới 23 tuổi, đồng thời tham gia ban lãnh đạo chiến khu Quang Trung.

Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế, sau được điều ra Trung ương phụ trách công tác văn hóa và thanh niên. Tới cuối năm 1946, ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lần thứ hai, nhận nhiệm vụ xây dựng tỉnh này thành hậu phương chiến lược khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra.

3. Đâu là tập thơ nổi tiếng của nhà thơ này?

  • Ánh sáng và phù sa
  • Lửa thiêng
  • Từ ấy
  • Hoa ngày thường - Chim báo bão
Chính xác

“Từ ấy” là tập thơ đầu của nhà thơ Tố Hữu, được sáng tác trong khoảng 10 năm kéo dài từ 1937 đến 1946. “Từ ấy” gồm 71 bài thơ tập hợp trong 3 phần tương ứng với ba giai đoạn lịch sử: Máu lửa (27 bài), Xiềng xích (30 bài) và Giải phóng (14 bài), ghi lại một thời kỳ lịch sử cách mạng của nhân dân Việt Nam, thông qua chặng đường hoạt động 10 năm của người thanh niên cộng sản Tố Hữu.

“Từ ấy” cũng là tên một bài thơ trong tập thơ này. Năm 1938, Tố Hữu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là một bước ngoặt vĩ đại trong cuộc đời cách mạng của ông. Bài thơ “Từ ấy” nằm trong phần “Máu lửa”, ghi nhận niềm vui của nhà thơ khi tiếp nhận lý tưởng cộng sản và nhận thức mới về cuộc đời.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim...”

4. Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu được đăng tải bao lâu sau chiến thắng Điện Biên Phủ?

  • 5 ngày
  • 5 tuần
  • 5 tháng
  • 5 năm
Chính xác

Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp của Tố Hữu. Ngày 7/5/1954, quân đội Việt Nam chính thức đánh bại Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, đến ngày 11/5, bài thơ của Tố Hữu đã được đăng lên trang nhất của báo Nhân Dân. Ông hoàn thiện tác phẩm chỉ trong khoảng 5 ngày.

Bài thơ có tiết tấu nhanh, câu chữ dân giã, dễ hiểu, với nội dung ca ngợi chiến thắng của bộ đội Cụ Hồ và niềm hân hoan của người dân cả nước khi chính thức đập tan xiềng xích nô lệ.

“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa sắt

Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!”

5. Bài thơ “Emily, con ơi” nói về hành động tự thiêu để phản đối chiến tranh tại Việt Nam của một công dân nước nào?

  • Liên Xô
  • Trung Quốc
  • Mỹ
  • Pháp
Chính xác

Ngày 2/11/1965, một công dân Mỹ tên Norman Morrison đã rời khỏi nhà cùng con gái út Emily, lái xe hơn 64km tới thủ đô Washington và tự thiêu trước Lầu Năm Góc để phản đối cuộc chiến tranh do lính Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Hành động của ông gây sốc cho toàn bộ người dân xứ cờ hoa, khiến làn sóng phản chiến bùng nổ mạnh mẽ và nhanh chóng lan ra toàn cầu.

Bài thơ “Emily, con ơi” được Tố Hữu sáng tác nhằm dành tặng Morrison và những người bạn quốc tế đã hết mình ủng hộ nền hòa bình, độc lập cho Việt Nam. “Sự hi sinh của Norman Morrison không phải không có ý nghĩa. Chúng tôi kính trọng Morrison như kính trọng những anh hùng liệt sĩ của chúng tôi”, Tố Hữu nói.