Ông Hồ Thanh Tùng - Tổng giám đốc Oracle Đông Dương
Nghĩ đến giá trị thực tế trước khi cung cấp sản phẩm

Oracle là công ty CNTT 100% vốn Hoa Kỳ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam năm 1995, ngay sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Đến nay, sản phẩm của Oracle như cổng thông tin, cơ sở dữ liệu, phầm mềm ERP, quản lý tài chính, sản xuất…  đang được sử dụng tại hơn 500 cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Oracle không phải chỉ dựa trên vị thế toàn cầu sẵn có, hay sự ưu việt vượt trội của sản phẩm mà điều quan trọng hơn cả là giá trị/hiệu quả cho khách hàng: nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, năng lực quản lý điều hành… Đây cũng là điều BĐVN cảm nhận được qua cuộc trao đổi với ông Hồ Thanh Tùng, Tổng giám đốc Oracle Việt Nam.

Mang lại lợi ích cho khách hàng mới có vị thế chắc chắn

Trong số các khách hàng được biết đến của Oracle có nhiều doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan Nhà nước. Tại sao lại ít thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Nhiều công ty đa quốc gia đã sử dụng công nghệ của Oracle một cách hệ thống trên toàn cầu. Khi đầu tư vào Việt Nam, họ có hai hình thức triển khai. Thứ nhất, họ triển khai dựa trên hệ thống toàn cầu đang được áp dụng trên toàn cầu. Thứ hai, do yêu cầu nội tại của công ty (con), họ liên lạc trực tiếp với nhà cung cấp để chọn giải pháp tốt nhất với những yêu cầu đặc thù của địa phương. Có thể kể tên nhiều khách hàng của Oracle Việt Nam như Canon, Toyota Việt Nam, Unilever, Zamil Steel…

Sản phẩm của Oracle sẵn có danh tiếng, đặc thù và nhiều khách hàng thuộc khối Nhà nước. Do vậy, có người cho rằng việc kinh doanh của Oracle tại Việt Nam khá thuận lợi. Thực tế có đúng như vậy?

Tôi nghĩ hiệu quả của doanh nghiệp CNTT là đem lại lợi ích và giá trị cho khách hàng. Ở đây chúng tôi chú trọng giá trị thực tế của sản phẩm cho khách hàng ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Không chỉ sản phẩm mà giá trị gia tăng, dịch vụ chúng tôi cung cấp cho họ để họ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, quản lý, điều hành…

Mỗi năm Oracle chi hơn 2 tỷ đô la cho phát triển phần mềm, đặc biệt cho các sản phẩm như cơ sở dữ liệu để đạt được ưu thế trên thế giới, có khả năng cung cấp sản phẩm tốt như vậy. Trên thị trường toàn cầu, theo Gartner 2006, Oracle xếp hàng đầu với 48% thị phần về cơ sở dữ liệu và giữ một khoảng cách khá xa so với vị trí thứ hai. Điều này chứng tỏ sản phẩm ưu việt, đáp ứng được nhu cầu thực sự của khách hàng.

Ngoài sự ưu việt đó, cung cấp sản phẩm cho đối tác là khu vực nhà nước, tức chi tiêu tiền công, vẫn dễ hơn khu vực tư nhân?

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, một số khách hàng trong khối tư nhân có khi còn táo bạo hơn trong việc ứng dụng CNTT. Việc quyết định đầu tư cho phát triển ứng dụng CNTT của họ nhanh hơn khối doanh nghiệp Nhà nước với những thủ tục phức tạp. Đây là điều đáng ngạc nhiên nhưng dễ hiểu. Có thể sắp tới, gia nhập WTO (việc ứng dụng CNTT) giúp cho họ có động lực phát triển tốt hơn.

Mong Việt Nam vào WTO

Ông nói Oracle có những đóng góp cho sự phát triển của CNTT Việt Nam. Đó là những đóng góp cụ thể gì vậy?

Oracle là thành viên của Diễn đàn thúc đẩy phát triển CNTT của Bộ BCVT, tham gia tích cực trong các hoạt động CNTT tại Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho khách hàng. Oracle hoạt động tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam như mở các lớp đào tạo, trung tâm đào tạo với các đối tác cũng như chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực với chi phí thấp. Chúng tôi đã và đang làm việc với một số trường đại học để giúp sinh viên sử dụng phần mềm miễn phí của Oracle trong nghiên cứu, phát triển, có kiến thức tốt về công nghệ để khi ra trường có thể bắt tay vào việc ngay.

Ngoài ra chúng tôi rất chú trọng việc chuyển giao công nghệ cho các đối tác tại địa phương, sử dụng tối đa nguồn nhân lực tại Việt Nam và qua đó tối ưu hoá các giá trị đầu tư CNTT.

Cho đến nay, Oracle thể hiện sự ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO như thế nào, thưa ông?

Năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới, năm 1994 bắt đầu đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài, năm 2000 ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Gia nhập WTO sẽ là mốc phát triển mới và nhanh hơn so cả của Việt Nam.

Oracle là thành viên của Hội đồng Kinh doanh Việt - Mỹ, tích cực trong việc ủng hộ, thúc đẩy Hiệp định Thương mại giữa hai nước cũng như đóng góp ý kiến mong muốn ký kết về việc gia nhập WTO của Việt Nam vừa qua.

Như thế, có thể hiểu việc Việt Nam gia nhập WTO, Oracle chỉ có lợi?

Tôi nghĩ gia nhập WTO, nền kinh tế và doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn. Hệ thống CNTT phục vụ cho điều hành cũng như nâng cao tính cạnh tranh với môi trường năng động hơn. CNTT sẽ đóng vai trò khá lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển.

Vậy mục tiêu trong 5 năm tới của Oracle là gì?

Đầu tiên là chuyển giao công nghệ cho các đối tác cũng như khách hàng; chuyển giao những sản phẩm hàng đầu hiện nay như ứng dụng về Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), Chăm sóc khách hàng (CRM), Quản trị nguồn nhân lực (HRMS); Cơ sở dữ liệu máy chủ song hành và những tính năng mới… Thứ hai, mang lại giải pháp đặc thù cho các ngành ngân hàng, viễn thông, Chính phủ điện tử, thúc đẩy hỗ trợ các giải pháp đặc biệt dành cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ với chi phí thấp.

Tin tưởng Việt Nam sẽ ghi danh trên bản đồ CNTT thế giới

Trong sự nghiệp, ông có vẻ gặp nhiều thuận lợi: đoạt giải nhì toán quốc tế, làm cho công ty nước ngoài và cứ thăng tiến. Mọi việc có phải suôn sẻ như vậy không, thưa ông?

Tôi không nghĩ như vậy. Tôi làm theo sở thích và có nền tảng kiến thức về kỹ thuật, làm đúng nghề. Ở Moldova tôi học toán ứng dụng, đúng hơn là ngôn ngữ lập trình. Khi về Việt Nam tôi thực sự mong muốn làm việc cho các hãng phần mềm và cố gắng hoàn thành công việc được giao. Sự thành công dựa trên năng lực và yêu cầu đòi hỏi. Bằng cấp không phải là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Hồi đó, tại sao ông không nghĩ đến làm việc cho cơ quan/doanh nghiệp Nhà nước?

Tôi muốn làm đúng nghề mình yêu thích, tức là phát triển phần mềm. Oracle là công ty phần mềm lớn nhất của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam lúc đó. Cơ hội để học hỏi, tiếp cận công nghệ tiên tiến và sử dụng kiến thức hồi đi học thúc đẩy tôi tham gia vào Oracle.

Với CNTT Việt Nam, ông có mong muốn một mức độ phát triển như thế nào và bao giờ đạt được trình độ đó?

Tôi muốn ngành CNTT Việt Nam thực sự là một điểm nhấn trên bản đồ CNTT thế giới. Sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam được đánh giá ngang bằng hoặc hơn so với các nước trong khu vực trong thời gian sớm nhất. Tôi tin tưởng điều này vì chúng ta có lợi thế về nguồn nhân lực có trình độ cao. Ví dụ, có người làm ở Oracle Việt Nam từ năm 1996 khi ra nước ngoài làm việc đều là những người ưu tú của các hãng phần mềm nước ngoài. Có người Việt khi sang Singapore hay Mỹ đều được khách hàng đánh giá rất cao so với trình độ chung của các chuyên gia đến từ các nước khác.

Cám ơn ông!

      Lê Hạnh

thực hiện