Ngành CNTT Việt Nam phải làm gì để thành công? (Kỳ I)

GS. TS John Vũ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Software Engineering Institute (SEI) thuộc ĐH Carnegie Mellon University
GS. TS John Vũ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Software Engineering Institute (SEI) thuộc ĐH Carnegie Mellon University (CMU); Kỹ sư trưởng Trung tâm CNTT của Tập đoàn Boeing đã gửi tới Hội Tin học TP. HCM (HCA) Bạch thư (White Paper) về ngành công nghiệp CNTT Việt Nam, sau chuyến công tác của ông tại Việt Nam.

Qua nội dung của Bạch thư, người đọc không chỉ tiếp thu thông điệp từ Boeing về những khuyến nghị mà ngành công nghiệp CNTT Việt Nam cần thực hiện mà còn cảm nhận được tình cảm của một trong những chuyên gia Việt kiều CNTT hàng đầu thế giới gửi đến cộng đồng CNTT Việt Nam, để cùng suy nghĩ cho một ước mơ sử dụng CNTT đưa đất nước vượt qua đói nghèo, nắm bắt được thời cơ lịch sử của CNTT Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Được phép của Hội Tin học TP. HCM, Báo BĐVN đăng tải báo cáo này trên 2 số báo tháng 10 và tháng 11/2006.

Dựa trên những kinh nghiệm mà tôi đã trải nghiệm tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc châu Âu, tôi đã đúc kết được một vài vấn đề then chốt nhằm giúp Việt Nam thành công trên lĩnh vực CNTT toàn cầu. Xét về khía cạnh nào đó, tôi tin chắc rằng báo cáo này có thể giúp Việt Nam tạo ra những lối đi riêng trong việc tập trung vào một vài hoạt động trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, những hành động có tính chất toàn diện của các khuyến nghị là cần thiết để làm thay đổi ngành công nghiệp CNTT Việt Nam và cho phép tham gia kinh doanh toàn cầu.

Về quy mô

Hầu hết các công ty CNTT tại Việt Nam đều là công ty nhỏ (số nhân sự dưới 50 người). Đây chính là nguyên nhân gây ra những khó khăn, cản trở trong việc hội nhập với thế giới. Nếu nhân sự của công ty bạn đủ mạnh, các đối tác nước ngoài sẽ tin rằng họ đang hợp tác với một công ty đủ sức đương đầu với những rủi ro, luôn có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có thể thực hiện được những mong muốn của họ và dĩ nhiên, họ sẽ giữ mối quan hệ hợp tác lâu dài với công ty bạn. Ngoài việc liên doanh và sát nhập, một giải pháp khác là thành lập một liên kết chặt chẽ giữa một số công ty CNTT nhưng vẫn giữ tính cách độc lập của các thành viên (consortium), bao gồm những công ty nhỏ để tập trung nguồn nhân lực cùng thực hiện các dự án chung. Lãnh đạo của consortium có thể là Khu Công nghệ cao sẽ đóng vai trò là nhà đại diện để giao dịch với khách hàng. Consortium có một thực thể pháp lý riêng và tiếp cận thị trường qua một thương hiệu riêng. Dĩ nhiên, các công ty CNTT trong consortium phải có khả năng làm việc độc lập và hiệu quả để tối thiểu hoá những rủi ro cho khách hàng. Để không ngừng phát triển và mở rộng thị trường quốc tế, doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam phải chuyển đổi hình thức “kinh doanh gia đình” sang hình thức hoạt động chuyên nghiệp và cần tập trung vào những thị phần chuyên biệt. Mặt khác, các doanh nghiệp cần cải tiến quy trình quản lý, đặc biệt là việc lập các báo cáo tài chính và tín dụng. Không có một hệ thống quản lý và tài chính tốt, doanh nghiệp Việt Nam rất khó mà có được chỗ đứng trong thị trường quốc tế. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nắm rõ những thị trường tiềm năng, nắm bắt thị hiếu đối tác và đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) để đủ sức cạnh tranh với các đối thủ.

Những khuyến nghị

- Nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng tạo ra một consortium CNTT thông qua Khu CN  cao. Khu CN cao đóng vai trò như một thực thể pháp lý độc lập trong việc thương thảo với đối tác.

- Để làm việc quốc tế, ta nên tạo ra thương hiệu chung giữa 20-30 công ty nhỏ hơn là các công ty cá thể.

- Đầu tư vào lĩnh vực R&D để nhận biết những sở trường chủ yếu của ngành công nghiệp CNTT và phát triển các cơ hội tương lai.

- Tập trung vào việc cải tiến cơ cấu quản lý, tài chính, kế toán và cơ sở hạ tầng để nâng tầm kinh doanh toàn cầu.

- Nghiên cứu xu hướng thị trường để xác định và triển khai những thị phần chuyên biệt trước khi phát triển theo diện rộng.

- Tăng cường hoạt động tiếp thị để xây dựng hình ảnh một Việt Nam thực sự  là một địa điểm kinh doanh.

Về dịch vụ

Theo Báo cáo “Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam” của HCA, ngành công nghiêp CNTT Việt Nam dường như tập trung nhiều vào các hoạt động như lắp ráp máy tính, kinh doanh phần cứng và cung cấp các dịch vụ Internet.  Đây là những lĩnh vực có tính bất ổn định rất cao do sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp được tổ chức tốt như Lenovo, IBM, Dell, HP và AOL, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sẽ tốt hơn và có nhiều lợi ích hơn nếu ngành công nghiệp CNTT  Việt Nam tập trung vào ngành công nghiệp dịch vụ như gia công phần mềm, gia công dịch vụ trong qui trình quản lý (Business Process Ourcourcing - BPO) và gia công lưu trữ dữ liệu thông tin (Media Storage Outsourcing - MSO) - những lĩnh vực có thể sinh lợi rất nhiều cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn là ngành công nghiệp sản phẩm hiện nay.

Ngành công nghiệp gia công phần mềm Việt Nam vẫn còn rất non trẻ với nhiều công ty chỉ tập trung vào một phần nhỏ trong chu trình phát triển phần mềm như nhập liệu, testing và mã hóa, trong khi có rất ít doanh nghiệp thể hiện năng lực phát triển ứng dụng, quản trị dự án, kiến trúc hệ thống, tích hợp hệ thống, quản trị cơ sở dữ liệu hoặc phân tích quy trình kinh doanh. Nguyên nhân cũng có thể là do hệ thống giáo dục hiện nay vẫn còn ảnh hưởng từ truyền thống Đông Âu – chuyên về đào tạo lập trình hơn là phân tích, thiết kế và phát triển các ứng dụng, các kỹ năng quản lý vốn là thế mạnh của truyền thống đào tạo giảng dạy tại Mỹ.

Những khuyến nghị

- Tiếp thu cách tiếp cận mới về phát triển phần mềm và tập trung vào toàn bộ chu trình phát triển sản phẩm thay vì chỉ triển khai một phần nhỏ trong chu trình.

- Chuyển ngành CNTT Việt Nam từ khuynh hướng nghiêng về sản phẩm sang khuynh hướng nghiêng về dịch vụ.

- Xây dựng kế hoạch quốc gia, hoặt ít nhất là kế hoạch vùng để tập trung vào công nghiệp gia công.

- Hợp tác với các trường đại học nhằm đào tạo nhiều hơn nữa nguồn nhân lực tập trung vào quy trình phần mềm tổng thể và một số kỹ năng chuyên biệt hiện đang thiếu hụt trên thế giới hiện nay.

Về năng lực

Có một sự cường điệu khi giới thiệu ưu thế của ngành CNTT Việt Nam là chi phí nhân công thấp trong việc thay thế Ấn Độ và Trung Quốc trong thị trường CNTT thế giới. Ngay cả khi có một giá nhân công thấp hơn, thì nếu chỉ có giá thấp cũng không tạo ra một yếu tố chính cho sự lựa chọn của đối tác. Nhận được đơn hàng mới chỉ là giai đoạn ban đầu trong khi tạo được sự hài lòng cho khách hàng mới là tất cả công việc. Nếu khách hàng nhận ra việc thiếu năng lực của mình thì rất khó giữ được sự hợp tác lâu dài. Hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới đều rất cẩn trọng trong việc chọn lựa nhà cung ứng thông qua hệ thống tiêu chuẩn chọn lựa khắt khe có được từ những kinh nghiệm tại những thị trường đã được định hình như Ấn Độ.

Tôi thiết tha khuyến cáo các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam nên xác định vị thế của mình dựa trên năng lực chuyên môn hơn là chỉ dựa vào giá thấp. Năng lực chỉ được công nhận dựa trên một hệ thống giáo dục và đào tạo tiên tiến; điều này cần rất nhiều thời gian và công sức. Sự phóng đại năng lực chỉ làm tăng tỉ lệ thất bại hoặc đưa đến những dự án không đạt yêu cầu trong mắt của đối tác. Điều này làm cho chúng ta đánh mất sự tín nhiệm và mất cả những cơ hội hợp tác tiếp theo.  Tốt hơn cả là nên bắt đầu bằng năng lực thực sự và xây dựng sự tín nhiệm nơi khách hàng, khi đã tạo nên mối quan hệ tốt và năng lực đã vững vàng thì việc kinh doanh sẽ phát triển nhanh chóng.

Những khuyến nghị

- Đặt kế hoạch phát triển kỹ năng nghiệp vụ hơn là cách đưa ra giá thấp.

- Hợp tác với các trường đại học để đào tạo các kỹ năng như bảo mật, khai thác dữ liệu, quản lý dự án, kiến trúc phần mềm, tích hợp hệ thống…

- Tập trung vào việc cải tiến kỹ năng và năng lực cũng như xác định những kẽ hở thị trường mà Việt Nam có thể chiếm lĩnh trong hiện tại và tương lai.

- Xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng qua việc thực hiện công việc hơn là giá thấp.  

- Phân tích thị trường nhằm nhận diện các khả năng phát triển.

John Vu

(Còn tiếp)