Cơ hội trôi qua đáng tiếc

Sự cần thiết phải liên kết ngành cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để đón những đơn hàng lớn từ doanh nghiệp quốc tế là vấn đề rất “nóng” hiện nay, theo quan điểm của ông Nguyễn Thanh Tùng, Quản lý Chuỗi cung ứng phụ trách khu vực Đông Nam Á của Generac Power Systems Inc, một tập đoàn Hoa Kỳ, chuyên về sản xuất máy phát điện.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Quản lý Chuỗi cung ứng phụ trách khu vực Đông Nam Á của Generac Power Systems Inc (áo trắng). Ảnh: B.M

Ông Tùng dẫn chứng bằng câu chuyện: “Có sản phẩm ngoài phần đúc gang còn có vòng bi, trục…, cũng khá đơn giản. Nhưng khi đặt hàng doanh nghiệp Việt, bên chuyên làm về đúc chỉ nhận làm và bảo hành riêng phần đúc, những phần còn lại của sản phẩm thì yêu cầu khách hàng Mỹ tự tìm mua rồi mang về Mỹ tự lắp ráp. Cũng có đơn vị nhận làm sản phẩm nhưng tính đội giá lên rất cao, với lý do mình là người “đứng mũi chịu sào” cần phải được nhận thêm một khoản chi phí. Đây là điều khách hàng không mong muốn. Khách hàng chỉ muốn làm việc với 1 đơn vị đầu mối rồi nhận sản phẩm hoàn thiện với mức giá phù hợp. Hệ lụy là khách hàng Mỹ đã chuyển đơn hàng sang quốc gia khác. Rất đáng tiếc và lãng phí cơ hội khi chúng ta hoàn toàn có thể làm được sản phẩm này”.

Một ví dụ khác là sản phẩm xe rùa chạy điện. Ở các nước như Úc, Mỹ, Canada… với rất nhiều trang trại, nông trường rộng hàng chục, hàng trăm ha…, thì họ cần vận chuyển không chỉ vài chục cân mà lên tới vài trăm cân, và họ có nhu cầu rất lớn về sản phẩm xe rùa điện. 

oc-v237t-brother.jpg
Sản phẩm ốc vít Brother của Việt Nam 

“Nhìn vào từng cấu kiện của sản phẩm như tay cầm, khung sắt, nhựa thành xe, khung đẩy…, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm được. Phần động cơ nếu khó, chưa thể tự nghiên cứu và phát triển được, thì chúng ta cũng có thể mua từ Trung Quốc về để hoàn thiện sản phẩm. Thế nhưng đến giờ tôi vẫn chưa tìm được đơn vị nào có thể nhận làm sản phẩm này dù sản lượng cũng khá lớn. Có thể đơn hàng sẽ phải chuyển sang Trung Quốc. Đây cũng là điều đáng tiếc”, ông Tùng kể tiếp ví dụ thứ hai.

Nhấn mạnh rằng đây chỉ là hai ví dụ nhỏ, còn trên thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp tương tự khác nữa, ông Tùng đặt vấn đề: “Tại sao các doanh nghiệp cơ khí, điện tử Việt Nam không đoàn kết, liên kết lại thành một cụm để cùng nhau nhận những đơn hàng lớn, mà chỉ đi gia công những đơn hàng linh kiện nhỏ, giống như kiểu “bán sắt ăn tiền”, lợi nhuận rất thấp. Nếu làm được những sản phẩm thành phẩm giá trị rất cao, thì trình độ công nghệ cũng như tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt cũng sẽ dần được nâng cao hơn, có thể hướng tới những sản phẩm công nghệ cao hơn như máy cắt cỏ, máy phun rửa xe áp lực…”. 

Liên kết sẽ tăng tính cạnh tranh

Việt Nam đang là một trong những “điểm sáng” được nhiều tập đoàn ở Mỹ và châu Âu lựa chọn khi dịch chuyển các chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Khoảng 2 năm trước, Indonesia và Việt Nam là hai đối trọng trong “cuộc đua” đón sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây, cơ hội của Indonesia đang giảm xuống, trong khi cơ hội của Philippines đang tăng lên. 

Trong khi đó, tiềm năng của Việt Nam vẫn đang được đánh giá rất cao, dựa trên các chỉ số GDP, chỉ số tiêu dùng…. 

oc-v237t-brother-2.jpg
Sản xuất gia công ốc vít tại VN

Tuy nhiên, “cuộc đua” vẫn khá căng thẳng. Nguy cơ Việt Nam bị một số quốc gia khác vượt qua vẫn đang hiện hữu khi ngành gia công cơ khí, công nghiệp phụ trợ trong nước còn nhiều vấn đề tồn tại như: Đơn hàng bị cắt giảm khi kinh tế toàn cầu đang suy thoái, bất ổn; Giá thành nguyên vật liệu cao; Hệ thống quản trị yếu kém; Doanh nghiệp chưa đạt những tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế đúng như yêu cầu của các tập đoàn châu Âu, châu Mỹ…

“Các doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy lối mòn, hãy nghĩ ra những phương pháp liên kết, đoàn kết với nhau để vượt qua thách thức sắp tới”, ông Tùng khuyến nghị.

Giải pháp cụ thể được ông Tùng đề xuất là hình thành liên kết nội khối, tạo thành cụm doanh nghiệp để tăng tính cạnh tranh.

Với các linh kiện, sản phẩm điện tử thì giá nguyên vật liệu chiếm tới  60 – 70% chi phí đầu tư. Trong “cuộc đua” cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, nhiều khi chỉ cần hơn kém nhau 1 – 2% giá thành là đã thắng rồi. Nếu doanh nghiệp Việt liên kết lại để mua chung thì có thể tiết kiệm được 10% giá nguyên vật liệu, giảm khoảng 5% giá thành, và sẽ có nhiều cơ hội giành phần thắng hơn.

Liên kết mua chung các loại vật tư tiêu hao và dịch vụ khác sẽ giúp doanh nghiệp Việt giảm chi phí sản xuất, dành thêm kinh phí cho những hoạt động cần thiết khác như nghiên cứu và phát triển (R&D), marketing…

Ngoài ra, liên kết chia sẻ thông tin khách hàng hay những dữ liệu hữu ích khác như báo cáo thị trường, báo cáo ngành…cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh những khuyến nghị mang tính tổng quan, ông Tùng còn đưa ra gợi ý cụ thể về một số mặt hàng, sản phẩm tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt nên nghiên cứu, khai thác thị trường trong thời gian tới.

Đáng chú ý là các sản phẩm dụng cụ cầm tay. Hàng loạt nhà sản xuất công cụ, dụng cụ cầm tay có tên tuổi lớn trên thế giới bắt đầu “đổ bộ” vào Việt Nam, như: TTI, Generac (Mỹ), Einhell (Đức), Chevron, Lowe’s, Stanley black & Decker, Freight Harbor, Home Depot, Greenworks… Thậm chí còn có “ông lớn” hàng đầu của Đức dự định mở nhà máy ở Đồng Nai… Nếu doanh nghiệp Việt “đón” được cơ hội từ những “ông lớn” này thì tổng doanh thu có thể lên tới tỷ đô la.

Để chinh phục được các “ông lớn” như thế, doanh nghiệp Việt cần lưu ý một số điểm sau: Phải hiểu rõ quy trình phát triển sản phẩm mới, biết quản trị và quản lý dự án, biết thiết kế theo hướng R&D chứ không chỉ dừng ở mức đọc bản vẽ rồi thiết kế lại; Phải chú trọng khâu kiểm tra, kiểm định sản phẩm để đảm bảo đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí khắt khe của khách hàng quốc tế; Phải đảm bảo tính bền vững của cụm doanh nghiệp liên kết để khách hàng không ngại ngần rủi ro trong quá trình vận hành chuỗi liên kết…

Đặc biệt, các quốc gia trên thế giới đều đang ưu tiên hàng đầu các hoạt động chống biến đổi khí hậu và hiệu ứng khí nhà kính. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn rất chú ý tới ESG (phát triển bền vững, gồm các vấn đề môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội…). 

Hiện tại có vẻ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cảm nhận được hoặc vẫn chưa biết đến điều này, nhưng sắp tới, ESG sẽ là một trong những yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ, đáp ứng, thì mới có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế.

Bình Minh