Long An là vùng đất địa linh, nhân kiệt, thời kỳ nào người Long An cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước; có truyền thống lịch sử hào hùng; có nhiều đổi mới; là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa; là trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây và hành lang kinh tế ven biển.

Phấn đấu có 75% lao động qua đào tạo

Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế của Long An phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Điểm cầu Long An, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tham dự “Diễn đàn việc làm cho nguồn nhân lực từ Việt Nam đến làm việc tại tỉnh Ibaraki – Nhật Bản”.

Để sớm hoàn thành mục tiêu đưa Long An sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam, một trong ba chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020-2025 là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, tỉnh chủ động đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cuộc CMCN 4.0, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước điều chỉnh theo cơ cấu ngành, nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai đào tạo gần 100 nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề lao động nông thôn thuộc cả 3 khu vực: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu những ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh. 

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp; tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ thị trường lao động của tỉnh và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn liên kết các trường đại học ở TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức đào tạo đại học hệ vừa làm, vừa học hoặc đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học.

Với những nỗ lực trên, đến nay, lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 73,94%, trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,43%. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu có 75% lao động qua đào tạo, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 35%.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo 

Không dừng ở đó, để tiến tới hội nhập quốc tế, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh, Long An đang từng bước tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, góp phần đưa địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” tỉnh Long An, giai đoạn 2022-2025 vừa được UBND tỉnh Long An thông qua hồi đầu năm. 

Mục tiêu Đề án nhằm thúc đẩy hình thành ít nhất 3 trung tâm hoặc không gian, vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có ít nhất 1 trung tâm hoạt động theo mô hình khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối các nguồn lực trong hệ thống các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước.

Mỗi năm kết nối, hỗ trợ ít nhất 10 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo.

Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; đến năm 2025 có tối thiểu 10 doanh nghiệp hình thành, khai thác Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo đúng quy định.

100% các trường cao đẳng, đại học, trường THPT trong tỉnh triển khai các hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Tổ chức hoặc tham gia phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo, tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” tỉnh Long An, giai đoạn 2022-2025, đối tượng được hỗ trợ là cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.

UBND tỉnh cũng xây dựng nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” tỉnh Long An, giai đoạn 2022-2025. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác thông tin, tuyên truyền qua tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh và trên các phương tiện báo chí, truyền thông.

Phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó, hình thành và phát triển mạng lưới không gian khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh hoạt động theo mô hình khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy không gian khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh hiện hữu làm trung tâm để phát triển và kết nối các không gian khởi nghiệp sáng tạo thành viên, làm cơ sở để xây dựng không gian số làm việc chung, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh.

Kết nối mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm ở trong nước, với khu vực và thế giới. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị được tuyển chọn, phát triển, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm; hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa; hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu vực làm việc chung.

Cửu Long