Chuẩn bị lên bàn mổ rồi lại phải chờ vì... hết vật tư

Ngày 28/3 là tròn 5 tháng 10 ngày chị T.T.N.Q (23 tuổi, ở Thái Bình) phải chờ đợi để được bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiến hành ca mổ gãy cột sống do chấn thương sau tai nạn. 

Chia sẻ với VietNamNet, chị Q. cho biết ngày 12/10/2023, người phụ nữ này đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khám. Năm ngày sau, chị nhập viện vào khoa Phẫu thuật cột sống, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mổ gãy cột sống phải nẹp vis diễn ra vào ngày 18/10. 

“Hôm 18/10, tôi đã mặc quần áo bệnh nhân mổ, nhịn ăn từ hôm trước, bác sĩ đã đánh dấu vùng tổn thương sẽ mổ. Khi thầy thuốc chuẩn bị sát trùng phẫu trường, tôi đột ngột nhận được thông báo: thiếu vật tư y tế, phải hoãn mổ”, chị Q. chia sẻ với VietNamNet

Quá bất ngờ với thông báo này, chị hỏi thời gian dự kiến có vật tư và nhận được câu trả lời “may ra đầu năm 2024 mới có”, nghĩa là chị phải chờ ít nhất 2,5 tháng. Dù sốt ruột vì vừa tốt nghiệp đại học, mới có việc làm, mong muốn được mổ ngay để tiếp tục công việc nhưng chị Q. đành nhận lại tiền đặt cọc trước mổ và bắt đầu công cuộc chờ đợi.  

Việc chờ đợi đó của bệnh nhân diễn ra từ ngày 18/10/2023 đến nay, tức là hơn 5 tháng, sau "năm lần bảy lượt" liên hệ vẫn được thông báo chưa có thanh nối - vật tư cần thiết phải có để triển khai ca mổ, theo lời chị Q. 

Suốt hơn 5 tháng chờ mổ, chị Q. chịu nhiều khó khăn do cột sống bị tổn thương. "Lúc đứng, tôi phải bám tường, bám bàn hoặc có điểm bám thì mới thẳng người được, nếu không người sẽ có cảm giác nghiêng vẹo. Việc đi lại chỉ ở mức độ tạm được, nhưng mỗi ngày, tôi vẫn phải đeo đai quanh lưng suốt 12 tiếng, trừ lúc ngủ và tắm”, chị chia sẻ. Nữ kế toán viên cũng lo lắng việc đeo đai liên tục gần nửa năm sẽ ảnh hưởng nhiều bộ phận cơ thể. 

“Tôi chỉ muốn được mổ thật sớm để ổn định sức khỏe. Vì đeo đai bó chặt cố định cột sống, tôi phải mặc quần áo rộng để che đi khiếm khuyết cơ thể”, chị nói.

Mỗi lần nghe tin “sắp có thầu” vật tư y tế, bệnh nhân khấp khởi mong ngóng tin nhắn của bác sĩ hẹn lên mổ. Nhưng chị cũng hiểu, từ khi có thầu đến khi mua sắm xong cũng mất hàng tháng trời. Nhiều người khuyên chị nên chuyển sang viện khác để mổ, chấm dứt sự khó chịu, lo lắng nhưng vốn tin tưởng trình độ và sự nhiệt tình của bác sĩ, chị dự định cố chịu đựng, chờ thêm…

“Tôi từng sang viện khác hỏi về tình trạng bệnh và hướng xử lý, nhưng Việt Đức vẫn là nơi có thể hạn chế rủi ro khi phẫu thuật cho tôi”, chị Q. lý giải thêm việc mình vẫn chờ đợi để được mổ ở viện này.

Phải chuyển viện, thêm chi phí mong chấm dứt đau đớn

Trên diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm đi khám, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều người phàn nàn về việc phải hoãn mổ, chờ mổ từ đứt sụn chêm, đứt dây chằng, đứt gân phải nối… do bệnh viện này thiếu vật tư, dụng cụ mổ.

Đầu tháng 3, anh H.T ở Cao Bằng, đưa vợ bị tổn thương sụn chêm xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám. Sau khi thực hiện các chỉ định, chụp cộng hưởng từ, vợ anh được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, thầy thuốc hẹn gia đình 1 tháng sau mới mổ được vì bệnh viện hết vật tư. Không để vợ phải đau đớn, trong khi chờ không biết đến bao giờ, anh đành đưa vợ sang một bệnh viện khác để mổ dịch vụ theo yêu cầu. Mọi chụp chiếu cận lâm sàng phải thực hiện lại từ đầu. 

Một trường hợp khác cũng không thể chờ đợi là cụ bà T.T.S, 90 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cụ S. bị xẹp đốt sống do ngã hồi tháng 1. Tai nạn sinh hoạt khiến cụ rất đau đớn, không di chuyển được, chỉ trở mình cũng đau. Gia đình đưa cụ vào một bệnh viện ở Hà Nội điều trị, chỉ định phải bơm xi măng sinh học. 

Tuy nhiên, trên nền một bệnh nhân suy tim, lớn tuổi, việc phẫu thuật cho cụ S. đặt ra nhiều nguy cơ cao. Gia đình liên hệ để chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nơi bác sĩ có trình độ hàng đầu về bệnh lý này.

Song, khi liên hệ nhờ tư vấn về ca bệnh đặc biệt, thầy thuốc ở bệnh viện ngoại khoa lớn nhất miền Bắc này thông báo: Hết vật tư là xi măng sinh học để thực hiện ca mổ.

Không thể để cụ bà lớn tuổi chịu cảnh đau đớn, gia đình phải chuyển cụ S. sang Bệnh viện Bạch Mai. Sau 1 tháng điều trị bệnh lý suy tim với nhiều lần hội chẩn, cụ bà được phẫu thuật thành công. Tổng chi phí cho đợt điều trị, phẫu thuật hết hơn 40 triệu, BHYT chi trả gần như toàn bộ. Riêng chi phí cho vật tư xi măng sinh học không bóng khoảng 25 triệu đồng.

“Tôi cho rằng việc thiếu vật tư này ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là do cung không đủ cầu. Quá nhiều bệnh nhân ở các tuyến bệnh viện, các địa phương đổ về đây. Bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, tư vấn cho gia đình tôi đầy đủ, hỗ trợ liên hệ, nhưng ‘cực chẳng đã’, họ cũng như lính ra trận mà tay không bắt giặc, không biết làm gì hơn để giúp bệnh nhân”, người nhà cụ S. chia sẻ với VietNamNet

Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, 50 phòng phẫu thuật luôn sáng đèn hoạt động hết công suất, mỗi ngày các bác sĩ mổ phiên khoảng 270 ca, thêm 30-40 ca mổ cấp cứu. Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết đại đa số trường hợp đến đây đều là ca nặng, đòi hỏi rất nhiều vật tư, kỹ thuật cao.

w bv viet duc pham hai 156.jpg
Không ít bệnh nhân lo lắng, sốt ruột vì phải chờ đợi lịch mổ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do viện thiếu vật tư. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Tình trạng thiếu vật tư, thiết bị tại trung tâm ngoại khoa hàng đầu cả nước này không phải lần đầu diễn ra. Hơn một năm trước, lãnh đạo bệnh viện này từng phàn nàn cạn kiệt vật tư, phải ra thông báo “ưu tiên mổ cấp cứu, hạn chế mổ phiên”. Thầy thuốc bệnh viện này khi đó phải kê thuốc giảm đau cho bệnh nhân trong thời gian chờ đợi.

Trong một cuộc trao đổi vào tháng 11/2023 với báo chí, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc bệnh viện, cho hay bệnh nhân đông khiến thời gian chờ đợi lâu hơn, gây áp lực cho bệnh viện khi phân loại, trong đó, cấp cứu phải ưu tiên. Việc gia tăng đột biến số ca khám, cấp cứu sẽ ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch dự trù mua sắm. Trong khi, một gói thầu từ khi phê duyệt chủ trương dự toán, đến gọi được nhà thầu, quy trình này nhanh phải 4 tháng. Nếu có những vấn đề phát sinh phải làm rõ, quy trình kéo dài hơn, thông thường trên 4-5 tháng, có gói 8 tháng.

Trong cuộc trao đổi này, ông Hùng khẳng định “không một bệnh nhân nào đến Việt Đức, đặc biệt là bệnh nhân cấp cứu, mà không được mổ”. Riêng với thuốc, lãnh đạo bệnh viện này nói “đảm bảo được”. Thực tế, chị Q. đến khám tại bệnh viện này vào tháng 10/2023, đến nay đã chờ hơn 5 tháng vẫn chưa được mổ.

Bệnh viện chờ hướng dẫn 

Ông Hùng cũng chia sẻ lãnh đạo bệnh viện đều muốn mua được thiết bị, vật tư, thuốc, không ai muốn bị “bêu”, bị bệnh nhân phàn nàn. “Điều lo nhất là không biết mình làm chưa đúng”, ông nói hồi tháng 11/2023 và cho biết thêm bệnh viện đã phân quyền rõ cho các bộ phận, thậm chí có gói thầu phải thuê tư vấn.

Trao đổi với VietNamNet sáng 28/3, Tiến sĩ Dương Đức Hùng cho hay có những giai đoạn, bệnh viện này thiếu thuốc, vật tư "nhưng là thiếu trong tổng thể thiếu chung", còn thời điểm này, viện vừa có gói mua sắm theo hình thức áp kết quả thầu quy mô 400 tỷ đồng. Vì thế, hiện viện không thiếu vật tư.

"Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là tuyến cuối. Bình thường số lượng mua sắm luôn là 130% kế hoạch, tức là đã tính cả những tình huống khác. Nhưng số lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới, cơ sở khác đến rất đông, ảnh hưởng đến công tác này", ông Hùng nói.

Người đứng đầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng nói thêm, 400 tỷ đồng này chỉ là một góc nhỏ trong tổng gói thầu lớn của bệnh viện bởi trung bình mỗi năm viện thực hiện tới 75.000 ca mổ, đòi hỏi số lượng vật tư "khủng khiếp".

Sau khi Nghị quyết 30 của Chính phủ hết hiệu lực, nhiều lãnh đạo bệnh viện công lập kỳ vọng vào Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ năm 2024 và Nghị định 24 của Chính phủ sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong mua sắm. Tuy nhiên, thời điểm này, không ít bệnh viện vẫn chưa thể thực hiện được việc này vì chưa có thông tư hướng dẫn.

Bác sĩ Dương Đức Hùng cũng đặt câu hỏi về "hành lang pháp lý đã đủ để các đơn vị tổ chức mua sắm được chưa", bởi ngoài luật còn có các văn bản dưới luật, như nghị định, thông tư hướng dẫn... 

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết hiện chưa có sự phân nhóm các loại thuốc vật tư, trang thiết bị cụ thể đâu là hạng mục dành cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh được phép chủ động đấu thầu mua sắm, cũng như các hướng dẫn xác định đơn giá trọn gói...

Còn ông Đào Khắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cho hay trong Nghị định 24 có nêu: Bộ Y tế có chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở y tế trên toàn quốc những nội dung mua sắm cụ thể hơn. “Hiện nay ngành y tế Bắc Ninh đang đợi Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn các nội dung cụ thể để thực hiện tốt hơn công tác mua sắm đấu thầu”, ông Hùng nói.

Ông Hoàng Cương, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bộ Y tế đang trong quá trình xây dựng, sẽ ban hành 3 thông tư hướng dẫn về quy trình danh mục đàm phán giá, mua sắm tập trung và đấu thầu thuốc.

Theo ông Cương, Luật Đấu thầu sửa đổi lần này phân cấp mạnh hơn luật năm 2013 theo hướng là phân cấp cho các chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm. Hiện hành lang pháp lý đã đủ, các bệnh viện phải tự quyết định việc mua sắm, đấu thầu để đảm bảo công tác khám chữa bệnh.