Ngày 18/10 tại xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 – Cục QLTT tỉnh Lai Châu phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Lai Châu tiến hành khám xe ô tô khách mang biển kiểm soát 25F- 000.04. Qua kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 150 gói xúc xích loại 2kg và 248 gói chả cá loại 2,5kg, tổng trọng lượng 920kg. 

Toàn bộ số hàng hóa trên đã chảy nước, có nấm mốc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trên bao bì hàng hóa không có thông tin căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất. Chủ lô hàng hóa không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ liên quan đến lô hàng. 

Do đó, Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên theo quy định.

Trước đó, ngày 14/10, tại Khu 2, thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, Đội QLTT số 1 tiến hành khám xe ô tô biển kiểm soát 19C-169.58. Tại thời điểm khám phương tiện, đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe có 220 gói bánh kẹo ô mai các loại không có nhãn hàng hoá, không có nơi sản xuất… 

Toàn bộ số hàng hóa bị chảy nước, có mốc màu trắng và đỏ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để lưu thông trên thị trường; chủ lô hàng hóa không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp đối với hàng hoá. 

Bên cạnh việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Đội QLTT số 1 đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng hoá trên.

Đây là 2 trong số hàng trăm vụ việc do Cục QLTT kiểm tra, xử lý trong năm 2023. Tính từ đầu năm đến nay, Cục đã thực hiện kiểm tra 637 vụ, phát hiện và xử lý 192 vụ. Trong đó, kinh doanh hàng hóa nhập lậu 13 vụ, hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 27 vụ, hàng cấm 4 vụ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 30 vụ, vi phạm trong lĩnh vực giá 44 vụ, kinh doanh 35 vụ, an toàn thực phẩm và chống dịch 44 vụ. Thu nộp ngân sách nhà nước 1.208,7 triệu đồng.

quyen loi nguoi tieu dung b29b.jpg
Lực lượng QLTT tỉnh trong 1 hoạt động kiểm tra

 Xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất 

Sau khi Chính phủ có chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trở lại bình thường. Song tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn. 

Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện việc niêm yết giá tại nơi bán hàng; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu, thú y, an toàn thực phẩm... 

Với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời. 

Đồng thời, kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường với tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông trong việc tuyên truyền đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với các lực lượng chức năng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đấu tranh hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cục QLTT tỉnh cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất các lĩnh vực, mặt hàng theo từng thời điểm. 

quyen loi nguoi tieu dung b29a.jpg
Lai Châu nhìn từ trên cao

Về nguồn nhân lực, Cục tổ chức và cử công chức tham gia các lớp, buổi tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, phân biệt hàng thật - hàng giả.... Song song với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương nâng cao trách nhiệm công vụ cho công chức thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thị trường hàng hóa cuối năm được dự báo sẽ rất sôi động, đây cũng là cơ hội thuận lợi để các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động mạnh. Các loại hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm và Tết nguyên đán thường là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, linh kiện điện tử, thực phẩm...

Điều này đòi hỏi lực lượng QLTT phải thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại. Ngoài ra, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; thông báo đường dây nóng để nhân dân phát giác các hành vi vi phạm.

Mặt khác, để thị trường hàng hóa lành mạnh và an toàn, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, rất cần đến sự chung tay của người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Minh Vy