Thông tin trên được GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho biết tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 và Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam.

“Ngành Điện quang và y học hạt nhân của Việt Nam từ xuất phát điểm chỉ có kỹ thuật X –quang đến nay đã phát triển cả kỹ thuật siêu âm, CT, cộng hưởng từ. Đặc biệt không chỉ có kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, rất nhiều kỹ thuật điện quang và y học hạt nhân can thiệp đã được triển khai, nhờ đó cứu sống rất nhiều bệnh nhân”, GS.TS Thông nhấn mạnh.

Hội nghị có gần 40 bài giảng của các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và quốc tế cùng 70 báo cáo khoa học được trình bày. Trong đó, những có những kỹ thuật mới về chẩn đoán về tim mạch, thần kinh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên được giới thiệu. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong lễ khai mạc Hội nghị 

Về thành tựu của y học hiện nay trong chẩn đoán, điều trị ung thư, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hội Điện quang và y học hạt nhân, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định, điện quang và y học hạt nhân đã đóng vai trò chủ đạo, giúp ích rất lớn trong chẩn đoán ung thư và nhiều căn bệnh khác.

“Việt Nam có hầu hết tất cả thiết bị về điện quang và y học hạt nhân hàng đầu trên thế giới. Kỹ thuật PET/CT ra đời giúp phát hiện ung thư sớm. Về y học hạt nhân, chúng ta còn sử dụng phóng xạ điều trị ung thư rất hiệu quả. Chúng ta có hầu hết các kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật robot…”, PGS.TS Khoa nói.

Các trang thiết bị y tế mới nhất của thế giới cũng đã được triển lãm tại hội nghị. Sự kết hợp giữa điện quang và y học hạt nhân đã tạo ra những thiết bị, những công nghệ có độ đặc hiệu cao như hệ thống máy chụp PET/CT uExplorer. Hệ thống này ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cho phép chụp PET/CT toàn thân chỉ với một lần chụp duy nhất, thời gian chụp chỉ còn 30 giây/lần, giảm được chất phóng xạ đưa vào cơ thể nhưng lại cho ra kết quả hình ảnh sắc nét hơn, tăng khả năng phát hiện tổn thương, từ đó giảm thiểu chi phí cho mỗi ca chụp. 

“Đây là công nghệ mới nhất trên thế giới, hy vọng sắp tới sẽ được nhập về Việt Nam để người dân được tiếp cận”, GS.TS Khoa nói thêm.