Hội hoạ 3D về Hà Nội xưa

Triển lãm “Hà Nội - Những góc nhìn thời gian” tại 29 Hàng Bài vào tuần đầu tiên 2007 đã tái hiện bối cảnh phố cổ Hà Nội thế kỷ 19 bằng công nghệ đồ họa 3 chiều (3D). KTS Đinh Việt Phương - Trưởng nhóm 3D Hanoi tâm sự:

Đối với giới kiến trúc sư trẻ chúng tôi và ngay cả sinh viên ngành kiến trúc, việc tiếp cận và sử dụng CNTT để giao lưu và phục vụ công việc chuyên môn đã trở thành hết sức bình thường những năm gần đây do sự phát triển của cả phần cứng, phần mềm và mạng Internet. Tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và nhiều trường khác thuộc khối kiến trúc - xây dựng, tuyệt đại đa số nếu không nói là 100% sinh viên tốt nghiệp đều làm đồ án thiết kế của mình trên máy tính. Công nghệ đồ họa 3 chiều hết sức thuận lợi trong việc thiết kế các công trình kiến trúc vì nó cho phép nhìn công trình cả bên ngoài và bên trong,  dưới nhiều góc độ và hoàn toàn có thể thay đổi, điều chỉnh các cấu trúc của công trình cho phù hợp với điều kiện thực tế cũng như yêu cầu của chủ công trình một cách nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên theo tôi, để trở thành một kiến trúc sư giỏi thì quá trình học tập vẫn phải học đầy đủ và đến nơi đến chốn các công đoạn vẽ bằng tay. Đó là những kiến thức hết sức cơ bản cần phải nắm thật vững với người kiến trúc sư và có nắm vững được các kiến thức đó thì mới thực sự chủ động làm việc trên máy tính bởi CNTT chỉ là công cụ.

Còn với những sinh hoạt mang tính cộng đồng, bản thân tôi cùng với một số người trong giới kiến trúc và CNTT đã tổ chức một diễn đàn trên mạng Internet về công nghệ 3D là www.3dhanoi.com (trước đây là www.3dvn.com) để làm diễn đàn chung của giới kiến trúc và thiết kế đồ họa trẻ. Ngoài diễn đàn trên mạng này, chúng tôi còn có một hội quán của mình tại 18 phố Chả Cá, quận Hoàn Kiếm nằm trong khu phố cổ Hà Nội. Và chúng tôi đã tổ chức được khá nhiều sinh hoạt chung trong đó có cuộc triển lãm “Hà Nội - Những góc nhìn thời gian”.

Bạn có thể cho biết một vài tâm sự về cuộc triển lãm “Hà Nội - Những góc nhìn thời gian” mà các bạn lần đầu tiên tổ chức?

Chỉ còn không đầy 4 năm nữa, chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và đó là một đề tài khiến giới kiến trúc sư trẻ chúng tôi hết sức suy nghĩ với tất cả tâm huyết của mình. Thuận lợi vì tất cả chúng tôi đều là kiến trúc sư trẻ và sinh viên ngành kiến trúc nên đã được học khá đầy đủ những kiến thức về lịch sử kiến trúc và kiến trúc dân gian. Chúng tôi cũng đều là những người đã chủ động sử dụng công nghệ 3D trong các công việc của mình.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điều kiện cần mà còn rất thiếu những điều kiện đủ để phục dựng lại những di tích và phố cổ Hà Nội. Dù rằng đây là niềm đam mê nhưng cả nhóm chúng tôi cũng chỉ tranh thủ thời gian cho công việc này vì tất cả đều đang có công việc, học hành. Hơn nữa, do chỉ là một nhóm người không có sự bảo trợ của một cơ quan, tổ chức nào nên việc sưu tầm tư liệu là không dễ dàng gì và chủ yếu là phải tranh thủ các mối quan hệ mang tính cá nhân. Tiếp đó là về mặt công nghệ và kỹ thuật cũng còn rất hạn chế vì để tái dựng được các kiến trúc cổ thì rất cần những máy tính có cấu hình mạnh song bản thân chúng tôi cũng chỉ có những máy tính PC thông dụng thôi, dù rằng đã đầu tư thêm về phần cứng để đáp ứng các nhu cầu về đồ họa của mình.

Hẳn nhóm 3D Hanoi sẽ không dừng lại với những kết quả hiện có, bạn có thể cho biết những dự định hợp tác và chia sẻ với các lĩnh vực khác?

Chúng tôi được biết, hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ có rất nhiều công việc phải làm và cuộc triển lãm của chúng tôi cũng chỉ là một phần rất nhỏ song cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người trong các giới kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử, điện ảnh, tin học… Qua những câu chuyện trao đổi với họ, chúng tôi rất sẵn sàng chia sẻ những thành quả của mình để có những bối cảnh tái dựng phục vụ cho các bộ phim truyện về đề tài lịch sử hay những không gian cho các game lịch sử.

Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại rằng những kết quả mà chúng tôi đã làm được vẫn còn rất hạn chế, cả về tư liệu lẫn công nghệ và chưa đủ thoả mãn với những yêu cầu tối thiểu của các đạo diễn điện ảnh cũng như nhà sản xuất game. Do vậy, chúng tôi rất cần những sự hỗ trợ về nguồn tư liệu lịch sử một cách đầy đủ và những đầu tư về công nghệ thỏa đáng để tái dựng được những hình ảnh có sức thuyết phục cao hơn.

Cảm ơn bạn.

Hải Đăng (thực hiện)