Phát biểu tại tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Theo nội dung của Luật, một số quy định đã được sửa đổi, bổ sung; trong đó có nhiều điều khoản, quy định mới liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định khi Luật có hiệu lực, Bộ Công thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Dự thảo).

W-anhminhhoa.png

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, qua nghiên cứu nội dung Dự thảo Nghị định và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, cũng như trên cơ sở ý kiến của một số tổ chức tín dụng hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận thấy có một số vướng mắc cần tháo gỡ trong triển khai Luật và có ý kiến góp ý đối với Dự thảo.

Đơn cử, về giải thích từ ngữ (Điều 2), Dự thảo đã đề cập đến nhiều thuật ngữ mới, nhưng trong đó không có giải thích rõ hoặc đưa ra các tiêu chí xác định, sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong thực tế. Thí dụ: quy định về Người có ảnh hưởng, Người nổi tiếng, Người uy tín, Người được xã hội chú ý, có lượng người quan tâm, theo dõi đáng kể trên phương tiện truyền thông...; còn khá chung chung và chưa cụ thể các tiêu chí để xác định thế nào là Người có ảnh hưởng, Người nổi tiếng, Người uy tín... “Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn các khái niệm trên hoặc có dẫn chiếu theo quy định của pháp luật nào?” ông Hùng nêu rõ.

Bên cạnh đó, đại diện VNBA cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn định nghĩa “Người tiêu dùng” tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có bao gồm Tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.”. Theo đó, định nghĩa Người tiêu dùng nêu trên vẫn chưa làm rõ vấn đề “tổ chức” có phải là người tiêu dùng hay không. Đồng thời, với định nghĩa nêu trên sẽ có bất cập ở chỗ trường hợp cá nhân đại diện cho tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho mục đích phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tổ chức (người sử dụng) thì tổ chức đó không được bảo vệ mà người được bảo vệ lại là cá nhân đại diện tổ chức (người mua).

“Do đó, đề nghị bổ sung khái niệm “Người mua, sử dụng” vào Dự thảo Nghị định theo hướng Người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được hiểu bao gồm: tổ chức, cá nhân”, VNBA góp ý kiến.

Ngoài ra, dưới góc độ ngân hàng, hoạt động ngân hàng cung ứng các nghiệp vụ sau: Nhận tiền gửi; Cấp tín dụng và Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Trong 03 hoạt động trên chỉ hoạt động Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là cung ứng dịch vụ, còn hai hoạt động Nhận tiền gửi và Cấp tín dụng bản chất là hoạt động của Ngân hàng, không phải hoạt động cung ứng dịch vụ, cũng không phải là hoạt động mua, bán hàng hóa, sản phẩm.

Vì vậy, để tránh phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến sự tùy nghi trong việc giải quyết tranh chấp tại các cơ quan, ý kiến từ đại diện một số tổ chức tín dụng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung hướng dẫn vào Dự thảo Nghị định về việc hoạt động Nhận tiền gửi và Cấp tín dụng của tổ chức tín dụng theo Luật các Tổ chức tín dụng không phải hoạt động mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Thảo luận tại tọa đàm, các tổ chức tín dụng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng thẳng thắn với 3 vấn đề chính đó là các tín dụng dụng quan tâm tới việc giải thích từ ngữ trong dự thảo, thứ hai liên quan đến nền tảng số trung gian và cuối cùng là liên quan đến hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch.

Theo bà Phan Thị Ngọc Thuý - Giám đốc Pháp chế Ngân hàng MUFG cho biết, trong quá trình nghiên cứu về luật, ở phần định nghĩa người tiêu dùng bao gồm cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức. Ngân hàng có 2 nhóm khách hàng chính là cá nhân và tổ chức (mà tổ chức hầu hết sẽ là doanh nghiệp). Bà Thúy mong cơ quan soạn thảo giải thích rõ hơn về người tiêu dùng cá nhân và tổ chức.

Vấn đề thứ 2 là trong dự thảo Nghị định chỉ ra ngôn ngữ phải bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, ở cấp độ Luật thì cũng có thêm là các bên có thỏa thuận sử dụng một  tiếng dân tộc khác hoặc tiếng nước ngoài và trong trường hợp có sự khác biệt giữa 2 thứ ngôn ngữ, bản nào có có lợi hơn cho người tiêu dùng sẽ được ưu tiên áp dụng. Như vậy, nếu áp dụng như trong dự thảo sẽ rất khó thực thi.

Giải thích một số vấn đề liên quan tới từ ngữ trong dự thảo, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, đây là vấn đề nằm ngoài thẩm quyền vì trong văn bản luật không được giải thích thuật ngữ, từ ngữ. Bà cũng cho biết thêm, một số từ ngữ như “Người tiêu dùng” đã được thu hẹp phạm vi rất nhiều so với Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010. Tuy nhiên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức tín dụng.

Tại Luật sửa đổi lần này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định tại Luật năm 2010, Luật cũng bổ sung một số quy định mới để bảo đảm điều chỉnh toàn diện các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Ngay sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội thông qua, trên cơ sở đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Kế hoạch, Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét vào tháng 12/2023.

Nhóm PV