Tại Khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), các bác sĩ đang điều trị ca bệnh mắc sán lá gan lớn do thói quen ăn uống thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một trong số đó là nữ bệnh nhân P.T.D (27 tuổi, Lạng Sơn). Trước thời điểm nhập viện, chị D. đi khám sức khỏe theo chế độ của công ty. Bác sĩ chẩn đoán chị có tổn thương ở gan nghi do ký sinh trùng. Bệnh nhân được chuyển xuống Hà Nội kiểm tra lại. Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, các bác sĩ chẩn đoán cô mắc sán lá gan lớn. 

Theo D., cô có thói quen thích ăn rau sống. Hai loại rau cô yêu thích là diếp cá và xà lách. Khi làm rau sống, D. thường xuyên rửa sạch rau rồi ngâm với nước muối. Cô bất ngờ vì mình đã rửa rau rất sạch nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng.

Bệnh nhân D. đang điều trị tại bệnh viện. 

Cùng điều trị với D. là ông N.V.V (67 tuổi, Lạng Sơn) cũng được chẩn đoán sán lá gan lớn. Ông cho biết mình thường xuyên đau thượng vị, mệt mỏi, ăn uống không ngong nên đi bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ phát hiện có tổn thương bất thường ở lá lách nghi ngờ ký sinh trùng làm tổ.

Tại đây, ông V. được làm nhiều xét nghiệm cùng với phim chụp. Bác sĩ chẩn đoán ông V. bị nhiễm ký sinh trùng sán lá gan lớn. Tuy nhiên, ký sinh trùng này lạc chỗ lên lá lách thay vì làm tổ ở gan như nhiều người khác. Người đàn ông này cho biết mình thường xuyên ăn rau sống do gia đình tự trồng bên suối, được tưới bằng nước suối chảy qua nhà.

Từ khi biết mình mắc bệnh do thói quen ăn rau sống, gia đình ông V. đã bỏ không ăn rau sống. Ông cũng chia sẻ với bạn bè, hàng xóm của mình mức độ nguy hiểm khi ăn rau có thể nhiễm ký sinh trùng.

Theo bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ấu trùng sán lá gan lớn thường ký sinh ở các vật chủ như một số loài ốc, các loài rau thủy sinh như rau cần, rau muống nước, rau cải xoong, rau ngổ… Các bệnh nhân đến khám và điều trị đa phần có thói quen ăn loài rau này chưa chín hoặc ăn sống. Tuy nhiên, một số người cũng nhiễm ký sinh trùng do ăn các loài rau sống trên cạn như xà lách, rau thơm…

Bác sĩ Phương giải thích 3 nguyên nhân rau trên cạn cũng nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn:

- Rau trồng gần nguồn nước nhiễm ký sinh trùng, ấu trùng sán lá gan cư trú lên các loài rau này. 

- Người dân lấy nguồn nước không an toàn tưới lên rau vô tình nhiễm phải ký sinh trùng này.

- Người bán rau bày bán các loại rau sống cùng nhau. Quá trình tiếp xúc cũng khiến các loại rau cạn nhiễm ký sinh trùng từ rau thủy sinh.

Sán lá gan gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như mệt mỏi, chán ăn, một số trường hợp bị nhầm với u gan. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây áp-xe gan. Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập sán có thể đi chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp.

Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo các địa phương cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe tới cộng đồng để người dân không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã. Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phương Thúy - Huy Linh - Bích Thủy - Minh Hưng