“Mình cảm thấy bản thân mình trở nên năng động hơn thay vì mình cứ trói buộc mình ngồi một chỗ, mình có thể lựa chọn cái nơi nào mà mình cảm thấy thoải mái hơn để mình có thể làm việc. Và có lẽ một trong những cái điều mà mình cảm thấy rất tâm đắc khi mình lựa chọn cái workcation, là bản thân mình đã trở nên kỷ luật hơn rất nhiều”.

Cảm thấy bản thân năng động hơn, kỷ luật hơn là những chia sẻ của bạn Nguyễn Hải Đăng, 25 tuổi khi trải nghiệm xu hướng du lịch workcation (xu hướng du lịch kết hợp làm việc). Trong thời gian làm công việc tự do Đăng đã thay đổi không gian làm việc của mình bằng cách mang công việc đi du lịch. 

Du lịch và công việc vốn là hai khái niệm không liên quan đến nhau, liệu khi kết hợp với nhau sẽ tạo hiệu ứng như thế nào? 

-“Theo cá nhân mình thì thấy xu hướng này khá là thú vị khi mà chúng ta vừa có thể giải quyết công việc vừa có thể nghỉ ngơi. Hai cái này tưởng không liên quan nhưng lại liên quan không tưởng”

-“Thường khi du lịch thì mình chỉ nghỉ dưỡng thôi, vì đi du lịch là để nghỉ ngơi mà. Còn nếu kết hợp làm việc thì có vẻ không hiệu quả lắm. Và công việc của mình thì đòi hỏi phải có mặt ở công ty mới có thể được giải quyết”

-“Đây là lần đầu mình nghe đến xu hướng workcation này. Mình thấy nó khá là thú vị tuy nhiên thì mình cảm thấy phải là một người có tài chính tốt hoặc là có mức thu nhập ổn định mới có thể trải nghiệm xu thế này nhiều”

Du lịch kết hợp làm việc từ xa là xu hướng nở rộ sau đại dịch covid 19, được ưu ái bởi khách du lịch toàn cầu trong đó có Việt Nam. 

Theo Lý Thành Cơ, một travel blogger nổi tiếng (thuật ngữ chỉ người có niềm đam mê du lịch và chia sẻ trải nghiệm của mình với mọi người) đã định nghĩa về workcation như sau: workcation là cụm từ kết hợp từ work (làm việc) và cation trong vacation (kì nghỉ). Đây là khái niệm để chỉ cách làm việc từ xa kết hợp nghỉ dưỡng. Xu hướng này bắt nguồn từ Mỹ và các nước Châu Âu. Đến nay tận hưởng kì nghỉ kết hợp làm việc từ xa đã lan rộng sang các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Work cation chính là cơ hội để chúng ta vừa có thể nghỉ ngơi, tận hưởng không gian thư giãn ở một địa điểm du lịch khác và vừa có thể hoàn thành công việc của mình trên máy tính bảng hoặc laptop. Nói cách khác là bạn thay đổi không gian làm việc. Hoạt động hai trong một này là trải nghiệm thú vị dành cho các bạn trẻ muốn “đổi chỗ” chạy deadline!

Vậy vừa chơi vừa làm liệu có đảm bảo được hiệu quả công việc hay không? 

Bạn Nguyễn Thùy Trang, 28 tuổi với biệt danh Trang Chó là một travel blogger và freelance writer (viết lách tự do) đã kết hợp du lịch và làm việc 10 năm nay. Đối với Trang, vừa du lịch vừa kết hợp làm việc là hoàn toàn hợp lý: 

“Đối với mình thì mình cảm thấy nó khá là hiệu quả, do là hiệu suất công việc của mình trong một giờ làm việc thì nó rất là tốt. Mình luôn luôn có ghi chú lại là sẽ phải làm những công việc gì và sau đó thì mình sẽ kết hợp là đi du lịch vào ban ngày. Rồi là trong những cái lúc nghỉ trưa hay là những cái lúc mà tầm buổi tối thì sẽ là những lúc mà tập trung nhất để làm việc, đối với mình thì mình cảm thấy là nó khá là hiệu quả. Bởi vì là nó không quá ảnh hưởng đến việc du lịch của mình. Và thứ hai nữa là mình làm việc lâu năm rồi và có kinh nghiệm rồi thì cái việc mà hiệu suất công việc trên một giờ làm việc nó cao như vậy, nó sẽ giúp cho là bản thân mình sẽ đẩy nhanh tiến độ công việc và tính chuyên nghiệp nó cao hơn.”

Một kì workcation hiệu quả phụ thuộc vào cách bạn sắp xếp giữa thời gian nghỉ dưỡng và làm việc. Chúng ta phải đảm bảo được tiến độ công việc trước khi xách ba lô lên đường.

Liệu có phải bất cứ ai cũng có thể workcation và workcation thì cần nhiều tiền?

Những công việc không đòi hỏi bạn phải có mặt trực tiếp mà có thể thực hiện qua laptop, máy tính, điện thoại. Những công việc liên quan đến lĩnh vực tự do như kinh doanh, bán hàng online; sáng tạo nội dung trên mạng,... sẽ thích hợp hơn cả để bạn trải nghiệm xu thế du lịch workcation. 

Và việc bạn bỏ ra chi phí nhiều hay ít cho kì workcation phụ thuộc vào tài chính, nhu cầu cá nhân. Và không phải có nhiều tiền mới có thể đi du lịch, hiện nay có rất nhiều địa điểm nghỉ dưỡng giá bình dân để chúng ta lựa chọn. 

Muốn đi du lịch giá rẻ thì ta nên lên kế hoạch kĩ lưỡng, chi tiết giống như cách mà Nguyễn Thùy Trang đã áp dụng cho những chuyến đi của mình: 

“Khi mà mình mới bắt đầu đi du lịch, mình không phải là một người có quá nhiều tiền. Mình sẽ đi những cái nơi gần trước mà những cái nơi gần thì mình sẽ học cách săn vé máy bay. Mình săn trước ít nhất là 6 tháng để có được cái khuyến mãi từ những cái nhãn hàng. Các bạn nếu mà đi xa thì cái việc mà cần nhiều tiền là chuyện tất nhiên. Thế nhưng mà những cái chuyến đi gần hay là trong Đông Nam Á thì các bạn có thể hoàn hoàn toàn lo liệu được khi mà mình có được một cái kế hoạch thật là chi tiết. Đối với mình thì dùng cái kinh nghiệm, cũng như là những cái kiến thức, cũng như là sự chắt lọc tất cả những cái thông tin trên mạng rồi là săn vé máy bay, đặt phòng khách sạn trước. Rồi là săn những cái đợt khuyến mãi của các nhãn hàng lớn thì đấy mới là điều quan trọng. Nói chung là chúng ta cần phải có kinh nghiệm và kiến thức thì chúng ta mới đi rẻ được”.

Vậy nên làm gì để có kì workcation hiệu quả?

Kỉ luật bản thân là một trong những yếu tố quan trọng để có được một kì workcation hiệu quả. Làm việc theo xu thế workcation bạn sẽ không bị gò bó về mặt không gian nhưng cần sự tự giác cao.

Đối với Đăng thì đây là 3 yếu tố để đảm bảo kì workcation hiệu quả: “Trước hết thì mọi người phải tránh ôm nhiều quá nhiều công việc hoặc những cái công việc ấy tránh sự yêu cầu thường trực quá cao, mọi người không thể nào mà tận hưởng hoàn toàn kỳ nghỉ của mình khi mà điện thoại lúc nào cũng nổ thông báo, hoặc là lúc nào sếp cũng yêu cầu là họp hành. Thứ hai là chúng ta cần lựa chọn địa điểm phù hợp. Địa điểm phù hợp này thì tùy theo tính cách của bản thân, ví dụ như mình sẽ lựa chọn làm việc trong những cái môi trường nó yên tĩnh, không quá nhiều người. Mình sẽ chọn địa điểm nó thiên về nghỉ dưỡng nhiều hơn là những cái địa điểm thiên về vui chơi. Và thứ ba là mình nghĩ rất là quan trọng. Chắc là mọi người cũng biết đó là chúng ta cần có một cái kế hoạch cụ thể, không chỉ cái kế hoạch công việc mà cả về cái kế hoạch tài chính đấy để không bị ảnh hưởng trong cái thời gian mà vừa tận hưởng kỳ nghỉ lại đảm bảo được công việc của chúng ta.”

Còn đối với Nguyễn Thùy Trang cần có một To do list (danh sách những việc cần làm) để hoạch định thời gian một cách khoa học, cân bằng giữa việc chơi và làm để hạn chế những tình huống ngoài ý muốn:

“Cái việc sắp xếp công việc như vậy thì nó sẽ bớt đi những cái gọi là những cái biến số trong quá trình mà chúng ta làm workcation. Những cái việc mà mình nói là biến số ấy là khi mà khách hàng gọi gấp này, hay là có những cái gọi là drama xảy ra, hay là có những cái những cái vấn đề liên quan đến truyền thông chẳng hạn. Bởi vì là sáng tạo nội dung mà thì chúng ta bắt buộc là phải dành những cái khoảng thời gian trống trong ngày để chúng ta xử lý những công việc đấy. Thế thì luôn luôn có những cái khoảng trống đấy trong cái To do list của mình để có thể là hoạch định được thời gian một cách khoa học hơn.”

Workcation ngắn hạn hay dài hạn còn phụ thuộc vào túi tiền, vào tính chất công việc và nhu cầu của bạn. Và để bản thân có một kì work cation hiệu quả thì nó phụ thuộc vào khả năng lên kế hoạch và tính tự chủ cao. Vừa trải nghiệm vùng đất mới vừa có thể hoàn thành công việc được giao, đây cũng là một cách để chữa lành tâm hồn sau những ngày chỉ có vùi đầu vào công việc, khơi dậy những cảm hứng mới để làm việc chất lượng hơn, năng suất hơn. Xu hướng thú vị này sẽ đem lại những trải nghiệm đặc biệt đối với những bạn trẻ có thể lưu động công việc của mình. Vậy thì mang công việc đi du lịch, tại sao không?

Vân Anh