Một bệnh nhân nam (64 tuổi), bị nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong 100% vừa được các y bác sĩ khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 can thiệp thành công bằng phương pháp ECMO "thức tỉnh”.

ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể, nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.

Trước đây, ECMO thường được sử dụng ở giai đoạn tương đối muộn, khi bệnh nhân đã rất nặng (phải dùng an thần, thở máy). Nhưng với ca bệnh này, các bác sĩ đã đi trước một bước, dùng ECMO “thức tỉnh” khi bệnh nhân còn tự thở để can thiệp tim mạch. 

Với phương pháp này, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong lúc can thiệp phẫu thuật, có thể nói chuyện cùng bác sĩ và thông báo với bác sĩ những thay đổi của cơ thể mình để kịp thời xử trí. ECMO đã giúp trái tim người này nghỉ ngơi, đảm bảo tưới máu cho các tạng, bác sĩ có thời gian điều trị các bệnh lý tim mạch.

Nhờ vậy, người bệnh 60 tuổi đã được cứu sống. Bên cạnh vai trò của các bác sĩ trong quá trình can thiệp cho bệnh nhân, không thể thiếu sự nỗ lực của các điều dưỡng. 

Với một bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, các điều dưỡng viên của khoa Hồi sức Tim mạch phải theo dõi sát đảm bảo huyết động, phát hiện các bất thường như tụt huyết áp, đông quả… Người bệnh cũng được đảm bảo công tác vô khuẩn tránh tai biến nhiễm khuẩn huyết, đảm bảo các chức năng khác như hô hấp, tiêu hoá… 

Sau khi được can thiệp bằng phương pháp ECMO "thức tỉnh", bệnh nhân thoát “cửa tử” nhưng vẫn còn cảm giác bàng hoàng, lo lắng. Ông lại được các điều dưỡng viên thường xuyên động viên để giảm bớt nỗi sợ khi trên người đầy dụng cụ xâm lấn. 

“Trong khoảng thời gian dài, điều dưỡng vừa phải thực hiện công tác vừa chăm sóc về y tế vừa chăm sóc tinh thần từ đó giúp người bệnh vượt qua áp lực tâm lý, nhanh chóng phục hồi”, Điều dưỡng Ngô Hoài Thu - Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ.

Có thể nói, công tác điều dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng và cần thiết, góp phần làm nên thành công trong chăm sóc và điều trị người bệnh. Đó là nội dung được khẳng định tại Hội thảo với chủ đề “Điều dưỡng hồi sức chuyên sâu với với người bệnh tim mạch”, ngày 25/10, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

PGS.TS Lê Văn Trường - Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo này, PGS.TS Lê Văn Trường - Viện trưởng Viện tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, công việc điều dưỡng nhiều áp lực. “Để chăm sóc bệnh nhân Hồi sức tim mạch, người điều dưỡng phải sử dụng kiến thức, kỹ năng ứng xử, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau bệnh tật và chăm sóc cả tinh thần cho họ trong suốt quá trình điều trị”. 

Cũng tại Hội thảo, nhận định về vai trò của công tác điều dưỡng, GS.TS Nguyễn Đức Trọng - Đại học Thăng Long, khẳng định: “Điều dưỡng là một mắt xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe, tác động lớn tới chất lượng điều trị, nhất là điều dưỡng tại các khoa có bệnh nhân nặng, cần chăm sóc toàn diện như Khoa Hồi sức”.

Theo thống kê của Hội Điều dưỡng Việt Nam, năm 2020 cả nước có hơn 140.000 điều dưỡng/hộ sinh, chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ thường xuyên và liên tục của ngành y tế.

Tỉ lệ điều dưỡng ở Việt Nam hiện tại là 11,4 điều dưỡng/10.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình trên thế giới. Để tiến tới tỉ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân, Việt Nam cần thêm gấp 2,3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có.

An Ngọc