Cầm cố đôi dép để “khởi nghiệp”

Ngồi bên bờ sông Sài Gòn, anh Ngô Đức Đối (SN 1980, Quận Bình Thạnh, TP.HCM) mở điện thoại kiểm tra tiến độ xây dựng ngôi nhà tình nghĩa ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Hàng loạt hình ảnh về ngôi nhà tường gạch, có diện tích rộng đã xây xong phần móng, tường… được gửi vào điện thoại của anh. Đây là một trong hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa mà anh Đối và nhóm từ thiện Tâm Đức đã xây dựng, trao tặng suốt 13 năm qua.

Là trưởng nhóm của một nhóm từ thiện có uy tín tại TP.HCM nhưng ít ai biết, anh Đối từng trải qua đoạn đời cơ cực. Sinh ra trong gia đình đông anh em nhưng thiếu đất sản xuất ở tỉnh Quảng Ngãi, Đối sớm theo anh chị vào tỉnh Đồng Nai làm rẫy thuê với tiền lương 600.000 đồng/tháng.

Sau khi đã tự lo được cho cuộc sống của mình, anh Đối dành hết tâm sức để hỗ trợ những người khó khăn. (Ảnh: Hà Nguyễn).

Sau 2 năm dành dụm, anh mua được đất canh tác. Tuy nhiên, sau khi đổ vốn vào làm nông nghiệp, anh thất bại rồi lại trắng tay. Không muốn tiếp tục làm rẫy thuê, Đối quyết định lên TP.HCM tìm việc làm.

Lần đầu đặt chân đến vùng đất mới, Đối choáng ngợp trước sự náo nhiệt, xô bồ của phố thị. Anh lang thang rồi xin vào làm việc tại một quán phở với hy vọng có được tiền lương cao.

Tuy vậy, Đối sớm thất vọng. Tiền lương ở đây không bằng một nửa số tiền anh được nhận từ công việc làm rẫy thuê. Sau 3 ngày làm việc, Đối xin nghỉ để đi bán vé số dạo.

Anh Đối kể: “Lúc đó, trong túi tôi chỉ có hơn 100.000 đồng. Sau khi đóng tiền thuê trọ, tôi không còn đủ tiền để lấy vé số đi bán.

Không còn cách nào khác, tôi năn nỉ chủ đại lý cho tôi cầm cố đôi dép nhựa đang mang để đổi lấy vé số. Thấy tôi thật thà, chủ đại lý vé số tin tưởng, đồng ý cho tôi cầm cố đôi dép để lấy 50 tờ vé số đi bán dạo”.

Sau khi thấy việc tặng quà cho người nghèo không có hiệu quả lâu dài, anh Đối và nhóm từ thiện Tâm Đức quyết định xây tặng nhà tình nghĩa. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Siêng năng, có khiếu buôn bán, anh Đối nhanh chóng tích góp được vốn để lãnh thêm nhiều vé số đi bán hơn. Đặc biệt, anh có duyên bán vé số trúng thưởng.

Chỉ sau ít tháng bán vé số dạo, nhiều khách hàng của anh trúng giải. Thậm chí có người trúng giải độc đắc. Thương Đối chịu khó, lại mang đến may mắn cho mình, những người trúng giải thường xuyên thưởng tiền cho anh.

Năm 2001, số tiền được khách trúng giải tặng đủ để anh mua một căn nhà tại quận Bình Thạnh. Tuy vậy, anh quyết định dùng số tiền này về Đồng Nai mua 6 lô đất để phát triển nông nghiệp, trồng cây ăn trái.

Anh Đối giao đất, vườn cho anh trai chăm sóc, quản lý để trở lại TP.HCM bán vé số dạo. Sau đó, anh bén duyên với nghề làm bánh flan, rau câu.

Anh Đối và nhóm từ thiện của mình cũng xây cầu bê tông cho người dân nghèo.  (Ảnh nhân vật cung cấp).

Sau nhiều thời gian mày mò, tích lũy kinh nghiệm, anh tìm ra bí quyết làm bánh flan có hương vị vượt trội so với các sản phẩm cùng loại. Ngoài đi bán dạo, anh còn bỏ mối bánh flan của mình cho nhiều nhà hàng, tiệc cưới, tiệc sinh nhật…

Bán bánh dạo gom tiền xây cầu, tặng nhà tình thương

Khi bánh flan của mình được khách hàng chấp nhận, anh Đối quyết định trích một phần lợi nhuận để làm từ thiện. Hàng năm, anh mua quà, tặng cho bà con nghèo, hỗ trợ những gia đình khó khăn, người già neo đơn.

Anh chia sẻ: “Ngày xưa tôi nghèo lắm. Những năm làm rẫy thuê, tôi phải ăn bắp thay cơm. Nhiều lúc, tôi thèm cơm trắng đến rơi nước mắt.

Những lúc như thế, tôi tự hứa với lòng mình rằng, nếu có một ngày tôi đủ ăn, chỉ cần đủ ăn thôi, tôi sẽ chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Bởi, nếu đợi đến lúc giàu mới đi làm từ thiện thì biết đợi đến bao giờ”.

Nhóm từ thiện Tâm Đức trong lần phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Phòng Tham mưu Công an TP.HCM trao tặng Nhà tình nghĩa cho hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại xã Đắk Ru, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông.  (Ảnh nhân vật cung cấp).

Sau một thời gian âm thầm hỗ trợ người nghèo, anh nhận ra rằng một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Muốn giúp được nhiều người hơn, anh cần có thêm nhiều cánh tay hỗ trợ.

Anh quyết định anh vận động bạn bè, người cùng tâm nguyện chung tay đóng góp, tổ chức nhiều chuyến thiện nguyện có quy mô đến những vùng sâu vùng xa, có kinh tế khó khăn.

Bằng cách này, công tác thiện nguyện của anh lớn mạnh, có sức lan tỏa rộng. Năm 2010, anh quyết định thành lập nhóm từ thiện Tâm Đức với nhiều thành viên là Đảng viên, doanh nhân, cán bộ Nhà nước đương chức hoặc đã về hưu…

Sau khi thành lập, anh Đối và các thành viên Tâm Đức quyết định thực hiện công tác thiện nguyện của mình theo hướng bài bản, bền vững. Thay vì tặng quà, nhóm chú trọng việc giúp người nghèo ổn định cuộc sống bằng cách xây cầu, tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương…

Anh Đối mong ước công tác thiện nguyện của mình và nhóm từ thiện Tâm Đức có thể giúp người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên để thoát nghèo. (Ảnh: Hà Nguyễn).

Anh nói: “Tặng quà chỉ giải quyết được cái khó khăn trong chốc lát chứ không mang tính lâu dài. Nếu xây cho người dân cây cầu, con đường… không chỉ giải quyết vấn đề đi lại mà còn giúp hàng hóa, nông sản của người dân lưu thông, luân chuyển dễ dàng hơn.

Bằng cách này, cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng xây tặng nhà cho các gia đình nghèo, có con nhỏ…

Mục đích của việc này là để giúp họ an cư. Bởi, có an cư mới lạc nghiệp. Nhóm cũng tặng con giống, tạo điều kiện cho những hộ nghèo phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo…”.

Với cách suy nghĩ và làm việc này, anh Đối cùng thành viên nhóm Tâm Đức liên tục kết hợp với chính quyền địa phương ở những nơi khó khăn khảo sát, đánh giá các trường hợp cần được giúp đỡ.

Sau khi có kết quả khảo sát, được sự cho phép của chính quyền địa phương, anh và nhóm Tâm Đức sẽ lên phương án hỗ trợ.

Dù có cuộc sống ổn định, ngày ngày anh Đối vẫn đẩy xe đi bán bánh dạo.  (Ảnh nhân vật cung cấp).

Sau 12 năm thực hiện, anh Đối và nhóm thiện nguyện của mình đã xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình thương, cầu bê tông kiên cố cho người dân nghèo tại các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Trà Vinh, Đồng Tháp….

Đến nay, dù có thu nhập ổn định từ hoạt động nông nghiệp và nghề làm bánh, ngày ngày anh Đối vẫn đẩy xe bánh flan đi bán dạo. Anh cũng từ chối những lời đề nghị mở cửa hàng, công ty kinh doanh bán flan để có thời gian, tâm trí lo cho các hoạt động thiện nguyện của mình.

Anh tâm sự: “Hiện nay, tôi có cuộc sống ổn định. Nhưng nếu không đi khảo sát hoàn cảnh khó khăn, cần được hỗ trợ ở các tỉnh, tôi vẫn đi bán bánh dạo mỗi ngày.

Tôi vui với công việc này. Nó không chỉ đem lại thu nhập để tôi có kinh phí đóng góp vào công việc thiện nguyện. Bán bánh dạo còn giúp tôi gặp gỡ nhiều người, lan tỏa được mong muốn xã hội cùng chung tay giúp người nghèo”.