Ngày 31/8, theo thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), các bác sĩ đang điều trị cho một trường hợp ngưng tim, ngưng thở 3 lần vì tắc mạch máu nuôi tim.

Bệnh nhân là bà S.T.N.L. (57 tuổi, tạm trú ở TP Thủ Đức, TP.HCM). Theo bà L., khoảng 8h ngày 29/8, bà vào nhà vệ sinh rửa mặt và bất ngờ lên cơn đau ngực. Bà choáng váng, cảm thấy trước mắt tối đen và không ngồi dậy được.

Lúc này, trong nhà chỉ có cháu trai 3 tuổi. Phát hiện bà bị ngã trong nhà vệ sinh, bé khóc lớn và gọi bà. Người bà nghe thấy nhưng không trả lời được. Theo lời kể của bà L., cậu bé dùng điện thoại bấm gọi cho mẹ qua tài khoản mạng xã hội theo thói quen.

“Nó nói ngoại đang nằm, không tỉnh. Mẹ nó vội gọi cho đứa em gần nhà chạy sang đưa tôi vào viện”, bà L. nói.

Bà L. đang điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM). Ảnh: Minh Hoàng.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bà L. được tiến hành sơ cứu, làm các xét nghiệm, chụp chiếu. Ê-kíp trực phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch máu nuôi tim rất nặng, cần phải can thiệp khai thông mạch máu, đặt stent khẩn cấp. Vì vậy, bác sĩ chỉ định chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Theo bác sĩ Võ Tấn Được, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trong quá trình chuyển viện, bệnh nhân bất ngờ lên cơn ngưng tim, ngưng thở. Ê-kíp lập tức tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao, sốc điện ngay trên xe cấp cứu. Bệnh nhân có nhịp tim trở lại.

Tuy nhiên, khi vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bà L. tiếp tục ngưng tim thêm 2 lần chỉ trong vòng 2 giờ. Các bác sĩ đều xử trí hồi sức, sốc điện thành công.

Bệnh nhân được tiến hành can thiệp mạch máu nuôi tim bên phải, khai thông mạch máu và đặt stent. Sau đó, tình trạng huyết động ổn định, tri giác cải thiện, bệnh nhân tỉnh táo, bớt đau ngực và khó thở. Bà L. được chuyển về Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp tục điều trị. Đến sáng nay, bệnh nhân đã khỏe hơn, dự kiến còn theo dõi trong khoảng 10 ngày tới.  

Bác sĩ Được cho biết mạch máu nuôi tim bên phải giữ vai trò quan trọng. Khi tắc mạch này, nút thắt nhịp tim sẽ không có máu nuôi, dẫn đến việc tim ngừng đập. Hầu như tuần nào, Khoa Nội Tim mạch của Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng tiếp nhận vài ca tương tự.

Người bệnh thường có triệu chứng đau ngực kèm khó thở nặng. Nếu phát hiện và can thiệp muộn, bệnh nhân sẽ ngưng tim, ngưng thở dẫn đến tử vong; hoặc gặp biến chứng suy tim, rối loạn nhịp, thủng thành tim...

Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm các chức năng của cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường.