Con đường trở thành CIO xuất sắc nhất Đông Dương

Ảnh: Kim Long

CIO xuất sắc nhất Đông Dương Trương Hải Đường

Người ta bảo trong giới lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO), đàn ông chiếm đa số như một lẽ tự nhiên. Vậy thì chị thuộc phần còn lại hiếm hoi đó.

Có người nói ở các cơ quan nhà nước không có CIO thực sự. Song chị vừa mới được trao danh hiệu CIO xuất sắc nhất Đông Dương 2006 (gồm Việt Nam, Lào, Cambodia).

Bản thân chị Trương Hải Đường, Giám đốc Trung tâm Tin học – Thống kê, Tổng cục Thuế ngay từ đầu đã nói với Ban tổ chức trao giải thưởng CIO rằng chị không thực sự ở vị trí CIO.

“CIO của Tổng cục Thuế đang là một Phó Tổng cục trưởng. Tôi chỉ là Giám đốc Trung tâm tin học – Thống kê thực hiện các nhiệm vụ phát triển ứng dụng CNTT của ngành”, chị Hải Đường nói.

Cuối cùng, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tổ chức giải thưởng CIO xuất sắc Đông Dương, đưa chị vào danh sách bình chọn CIO. So với các bình chọn lần trước, theo IDG, CIO 2006 có điểm mới là dành cho các lãnh đạo CNTT không chỉ ứng dụng phần cứng, phần mềm mà có những đóng góp quan trọng giúp ban lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, quyết sách về ứng dụng CNTT.

Máy tính chỉ dùng đánh máy là lãng phí tiền đóng thuế của dân

Cách đây hơn chục năm, như nhiều người khác, chị Hải Đường mới biết sử dụng máy tính để đánh máy, và thực ra chính mình chẳng có khái niệm gì về tin học.

Năm 1991, chị được chuyển sang tổ đánh máy của Tổng cục Thuế. Cho đến tận giờ, chị nói, những ai phải chuyển sang CNTT đều không muốn.

“Phải đến 2-3 năm đầu làm công việc đánh máy”, chị kể. Cho đến khi chị được đề bạt chức Phó phòng, lần đầu tiên được đi dự họp giao ban lãnh đạo Tổng cục và vài lần sau đó bị Tổng cục trưởng phê bình “tổ tin học đánh máy không có kỹ năng” làm chị trăn trở nhiều.

“Cả đời mình và cán bộ của mình toàn trình độ đại học mà kỳ cạch làm việc đơn giản là lãng phí. Chúng tôi bắt đầu nhận thức được công cụ này có tác dụng rất lớn. Càng lãng phí tiền thuế của người dân nếu đầu tư máy tính chỉ để soạn thảo văn bản”, chị Hải Đường bộc bạch.

Để được “giải phóng” khỏi công việc đánh máy, có thời gian nhiều hơn dành cho nghiên cứu, khai thác tính ưu việt của CNTT, không có cách nào khác là đưa việc này trở lại cho các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ bằng cách tập huấn cho cán bộ trong Tổng cục sử dụng được các phần mềm văn phòng từ Lotus, BKAD...

Đấu tranh giữa cái cũ và cái mới

Như nhiều ngành khác, ứng dụng CNTT của ngành thuế vấp phải hai khó khăn cơ bản: nguồn nhân lực và tâm lý ngại đổi mới, níu kéo cái cũ.

Bài toán nguồn nhân lực có thể giải được thông qua đào tạo. Còn ứng dụng CNTT không chỉ sẽ làm dôi dư một số lao động thủ công mà xét dưới một góc độ nào đó còn tác động trực tiếp đến lợi ích của một số cán bộ, nhân viên.

Không phải vô cớ việc tiếp xúc giữa cán bộ thuế và người nộp thuế bị cho là “nhạy cảm”, càng hạn chế mối tiếp xúc này càng tốt; chính sách thuế càng minh bạch, cụ thể càng giảm tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Chẳng hạn, nếu một cán bộ quản lý thuế chịu “lờ” đi cho doanh nghiệp nợ thuế thêm một thời gian, cả hai bên sẽ cùng có “lợi”. Doanh nghiệp “đi đêm” với cán bộ thuế đểchiếm dụng vốn của nhà nước (ở đây là tiền thuế) một thời gian.

Song khi các quy trình nghiệp vụ thuế được đổi mới dần từng bước nhờ ứng dụng tiến bộ của CNTT, tình trạng “đi đêm”, nhũng nhiễu dần hết đất để hoành hành.

“Thời gian đầu thực sự khó. Có ứng dụng triển khai ở địa phương được mấy ngày sau hỏng rồi. Có ông giỏi xoá được dữ liệu, có ông không biết ỳ ra, viện cớ không bật được máy”, chị nói.

“Đúng vào thời điểm ấy, ngành Thuế chịu sức ép rất lớn triển khai hai luật thuế quan trọng là thuế Giá trị gia tăng và Thu nhập doanh nghiệp. Phía nghiệp vụ rất lo lắng nhưng có thể coi là thời cơ của ứng dụng CNTT. Các đề xuất ứng dụng CNTT hoàn toàn được lãnh đạo Tổng cục ủng hộ”.

“Trong quy trình nghiệp vụ, yếu tố công nghệ thể hiện rõ lên, từ nhập dữ liệu, khai thác dữ liệu, yêu cầu chia sẻ thông tin... Khi chắp bút văn bản, cán bộ CNTT được mời đóng góp, trao đổi ý kiến”.

Nhưng khi vai trò của CNTT được nâng lên cao hơn, những người làm CNTT lại vấp phải một rào cản tâm lý khác: Coi máy tính, CNTT là vô song, đồng thời nghĩ chuyên gia CNTT chẳng hiểu biết gì về chuyên môn.

“Khi xây dựng quy trình có khảo sát một số địa phương. Tuy nhiên, đưa vào thực tế khó tránh khỏi có cái vấp”.

“Các ý kiến dồn toàn bộ về tin học, cho rằng quy trình của máy tính, do tin học xây dựng nên có trách nhiệm phải trả lời”.

Nhìn xa trông rộng

Trong ứng dụng CNTT ngành thuế, chị Hải Đường công nhận có những thất bại. Song một thực tế không thể phủ nhận là ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung đi đầu cả nước về các chỉ số sẵn sàng CNTT (Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Hội Tin học Việt Nam thực hiện năm 2005).

Phát triển CNTT của ngành thuế hiện đang bước sang giai đoạn thứ 3, hiện đại hoá quy trình, nghiệp vụ. Giai đoạn đầu từ  năm 1991-1995 là mua sắm thiết bị, phần cứng. Giai đoạn 2 từ năm 2000-2005, giai đoạn tập trung tác động ngược lại các quy trình nghiệp vụ đơn lẻ, xây dựng các bài toán riêng lẻ thay thế động tác thủ công và có khả năng phù hợp với máy tính.

Giai đoạn từ 2006-2010, giai đoạn hội nhập và chuẩn bị triển khai hai luật thuế mới: Luật quản lý thuế và Luật thuế Thu nhập cá nhân. Chị Hải Đường cho biết, căn cứ vào tầm nhìn chiến lược cải cách chính sách, quy trình, bộ máy hoạt động của ngành để xây dựng chiến lược dài hạn về ứng dụng CNTT và kế hoạch thực hiện hàng năm bám sát yêu cầu nghiệp vụ. Đây là quyết sách quan trọng nhất.

Chị tự tin khẳng định, hàng chục năm về sau không có lý do gì có thể nói ứng dụng CNTT của ngành thuế đi chệch hướng. Bởi lẽ, Ỏngành thuế đã làm theo đúng bài bản chuẩn. Qua khảo sát kinh nghiệm nước ngoài soi lại thấy trình tự phát triển cũng gần như thế. Có những bước mình rút ngắn được.

Theo chị, để đảm trách vai trò CIO thành công cần nhiều yếu tố. Với CIO, quan trọng nhất là khả năng nhìn xa trông rộng, tự tin, sáng suốt khi ra quyết định. Hiểu biết nghiệp vụ, có khả năng giao tiếp tốt và năng lực quản lý về tổ chức, nhân sự cũng không kém phần quan trọng. Đồng thời, người đứng đầu tổ chức phải có ý chí, quyết tâm ứng dụng.

Từ năm 2000 trở lại đây, chị cùng Tổng cục Thuế nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu trong nước và nước ngoài dành cho ứng dụng CNTT như giải Sao Khuê 2003, Asocio ICT 2003... và mới nhất là giải CIO xuất sắc nhất Đông Dương năm 2006.

Chị đã cùng đồng nghiệp vượt qua nhiều khó khăn. Duy chỉ có điều mà chị cảm thấy khó vượt qua nhất là thu hút chuyên gia IT giỏi. Mới đây, chị tuyển được 6 người nhưng chỉ có một người đồng ý làm việc bởi lương thấp.

So với bên ngoài, lương nhân viên CNTT của chị chỉ bằng 1/2-1/3. Điều chị có thể làm được cho họ là tạo một môi trường làm việc để các cá nhân có cơ hội phát huy tính chủ động, sáng tạo và cơ chế thưởng sáng kiến. Nhưng như thế đủ chưa, chính chị không tin tưởng lắm.

Mĩ Anh