Intel đã "âm thầm" cắt giảm việc làm từ trước
“Cơn bĩ cực” của Intel

Intel đã phải cắt giảm hơn 10.000 nhân viên nhưng như thế vẫn chưa đủ làm hài lòng các nhà đầu tư vốn đang nóng lòng đòi hỏi Intel thoát khỏi tình huống khó khăn hiện nay.

Xem xét, cân nhắc kỹ càng chiến lược kinh doanh, cuối cùng nhà sản xuất chip Intel quyết định cắt giảm 10.500 nhân viên vào giữa năm 2007, trong một nỗ lực tái cơ cấu toàn bộ tập đoàn, nhằm mục đích giảm bớt 2 tỷ USD chi phí hoạt động trong năm 2007 và 3 tỷ USD trong năm 2008.

Lời tuyên bố này được Tổng giám đốc điều hành (CEO) Paul Otellini đưa ra tại một cuộc họp với các nhà phân tích ở New York hồi tháng 4, với lời trình bày, biện hộ đầy đủ rằng một số bộ phận kinh doanh của Intel đang gặp khó khăn ra sao. Kể từ đó, Intel đã bán bớt một số “hàng”, bao gồm bộ phận chip không dây cho Marvell, chip Xscale cho Palm và Research In Motion, và các đơn vị viễn thông khác. Ngày 5/9 vừa qua, hãng tiến hành “chuyển nhượng” nhân viên sang Marvell và 1.000 nhà quản lý của Intel đã bị sa thải “thầm lặng” từ hồi đầu năm nay.

Chiến lược làm mới nhãn hiệu

Khi hoàn thành kế hoạch cắt giảm này, Intel sẽ chỉ còn lại khoảng 92.000 nhân viên vào năm 2008, giảm đáng kể từ hơn 102.000 nhân viên vào thời điểm cuối quý 2 năm 2006. CEO Otellini nói: “Trong hoàn cảnh khó khăn, những hành động này thực sự cần thiết để Intel trở thành một công ty hiệu quả và lanh lẹ hơn, không chỉ trong năm nay hay sang năm, mà cho cả những năm tiếp theo”.

Theo công ty phân tích kinh doanh Santa Clara (California) thì hầu hết những vị trí bị cắt giảm trong năm 2006 của Intel rơi vào những vị trí quản lý, marketing và CNTT. Sang năm 2007, kế hoạch cắt giảm sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đến công ty bởi mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng thiết bị. Quy trình sản xuất hiệu quả hơn sẽ tiết kiệm được cho Intel khoảng 1 tỷ USD. Công ty hy vọng sẽ tiếp tục tiết kiệm được 200 triệu USD nữa nhờ các chi phí gián đoạn.

Quyết định cải tổ lần này xuất hiện khi ông Paul Otellini yên vị trên chiếc ghế CEO của Intel chưa đầy 16 tháng. Thực ra, từ khi Otellini kế nhiệm cựu CEO và hiện là chủ tịch Craig Barrett, công ty đã có nhiều cuộc cải tổ lặng lẽ khác. Sự kiện chính đầu tiên thay đổi triều đại của Otellini chính là kế hoạch làm mới nhãn hiệu của dòng sản phẩm Intel: thương hiệu Pentium được công nhận rộng rãi đã được làm mới bằng những thương hiệu mới toanh như Core và Core Duo dành cho chip máy tính cá nhân.

Thách thức từ AMD

Nguồn gốc của những khó khăn mà Intel gặp phải đã được hãng nghiên cứu thị trường iSuppli công bố, trong đó nhấn mạnh Intel đang phải trải qua thời kỳ giảm sút mạnh ở doanh số bán dẫn từ hơn 8 tỷ USD chỉ còn hơn 7 tỷ USD. iSuppli cho rằng thị phần của Intel trên thị trường bán dẫn toàn cầu – không chỉ có bán dẫn mà cả chip nhớ và các loại chip khác – đều đang bị “cắn bớt” – xuống 11,4% từ 13,2%.

Nhà phân tích của iSuppli cho hay áp lực giá cả và các sản phẩm tồn kho chưa được tiêu thụ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Intel bị “thất sủng” hiện nay. Ông nói: “Các nhà sản xuất đang chờ đợi hàng chip mới ra lò và giảm hẳn đơn đặt hàng với hàng cũ của Intel”.

Kế hoạch cải tổ tập đoàn của Intel diễn ra đúng thời điểm thị trường chip hiệu Intel dùng trong máy tính cá nhân và máy chủ “gặp hạn” do phải đối phó với nhiều áp lực cạnh tranh. Đáng lo ngại nhất là mặt hàng chip dùng trong các máy chủ công ty. Trên thị trường này, đối thủ của hãng là Advanced Micro Devices (AMD) đã chen chân vào và đang dần lớn lên với dòng sản phẩm chip Opteron đang xói mòn dần vị trí dẫn đầu của Intel. Gần đây, Dell – một công ty mà từ lâu Intel vẫn xem là khách hàng lâu năm – đã dùng thử chip của AMD cho các sản phẩm máy chủ, đồng thời đánh tín hiệu sẽ dùng hàng AMD trong các máy tính PC khác của hãng.

Ngoài ra, những công ty như Hewlett-Packard, Sun Microsystems và IBM cũng mở rộng cam kết sẽ dùng chip AMD. Hiện nay, AMD đang xây dựng một nhà máy mới ở Đức để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cắt giảm 10.500 nhân viên vẫn chưa đủ

Về phần mình, kế hoạch cải tổ của Intel có thể sẽ khiến tiến độ xây dựng các nhà máy mới của hãng ở Arizona và Israel bị hoãn. Các nhà phân tích nhận xét hoạt động sản xuất của các nhà máy Intel sẽ bị chậm lại. Hãng phân tích Merrill Lynch cho rằng Intel cần xem xét bán bộ phận sản xuất thẻ nhớ flash kiểu NOR. Bởi vì nhớ flash NOR khác với nhớ flash kiểu NAND, loại chip bộ nhớ được dùng trong máy MP3 như nano iPod của Apple. Còn thẻ nhớ flash kiểu NOR chỉ được dùng chủ yếu trong các thiết bị nhớ đọc dùng để lưu các hướng dẫn sử dụng của các thiết bị như điện thoại không dây. Năm ngoái, AMD đã chuyển đổi bộ phận flash NOR của hãng và hiện nay nó là Spansion. Theo Merrill Lynch, ngừng kinh doanh flash NOR và cắt giảm bớt những bộ phận kinh doanh ít lãi sẽ giúp Intel trong “cơn bĩ cực”.

Báo cáo lợi nhuận của bộ phận nhớ flash và một số bộ phận khác của Intel đã lỗ 800 triệu USD trong Quý 2, trong khi hai dòng sản phẩm chính của hãng thu về 1,9 tỷ USD tiền lãi. Merrill Lynch cho rằng: “Nếu giả sử tách hẳn bộ phận flash NOR và một số bộ phận thua lỗ khác ra khỏi Intel, Intel sẽ có khoản lợi nhuận 1,37 USD trên mỗi cổ phần với khoản doanh thu 36 tỷ USD”.

Ngoài ra, hiện nay Intel còn tồn lại một lượng chip chưa được bán quá nhiều. Theo phân tích của iSuppli, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu hiện có khoảng 3,1 tỷ USD tiền chip chưa được bán, trong đó, hơn một nửa – khoảng 1,56 tỷ USD – là của chip Intel.

Thực tế, toàn giới CNTT đều xôn xao vì tin Intel sẽ “sa thải” hơn 10.000 nhân viên. Tuy nhiên, cú cắt giảm “đau thương và khó khăn” (theo lời ông Otellini) này vẫn chưa làm các nhà đầu tư hài lòng. Các chuyên gia công nghệ vẫn nghi ngờ về một chiến lược bứt phá rõ ràng của Intel nhằm giành lại thị trường từ tay AMD. Các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có một cắt giảm “mạnh tay” hơn và những thay đổi mạnh mẽ hơn với số hàng tồn kho của Intel và với dòng sản phẩm cốt lõi của hãng. Liệu trong những năm tới, Intel có còn đồng nghĩa với “bộ vi xử lý”, hay sẽ mang nghĩa mới, hay sẽ mờ nhạt dần trong một thị trường cạnh tranh gắt gao???

Hiện nay, trên thị trường CNTT Việt Nam, Intel vẫn là một thương hiệu độc quyền chiếm gần như toàn bộ thị trường bộ vi xử lý - thiết bị quan trọng nhất trong phần cứng máy tính. Hầu hết trên các báo giá máy tính thương hiệu Việt, có đầy đủ chi tiết nhà sản xuất, thương hiệu của các loại thiết bị như bo mạch chủ, RAM, ổ DVD, … nhưng riêng bộ vi xử lý là phải của Intel! Trong tương lai, người tiêu dùng Việt Nam và các loại máy tính sử dụng ở Việt Nam, sẽ có bộ vi xử lý “made by” gì đây? Intel có bị đánh bật khỏi thế độc quyền trên thị trường Việt Nam – một thị trường CNTT đang lớn từng ngày?

Huyền Thương

tổng hợp