Sáng 21/10, thừa quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Bộ trưởng Công an cho biết, thực tế cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích, biển số đẹp và sẵn sàng trả giá cao.

Do vậy, việc đấu giá biển số đẹp vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an.

Bộ Công an đề nghị chọn một loại là biển số ô tô phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen) để đưa ra đấu giá. Đây phải là những biển chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.

Đại tướng Tô Lâm cho biết, quyền của người trúng đấu giá là được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với ô tô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu.

“Người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe”, Bộ trưởng Công an nói.

Với người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe sẽ không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

“Thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban này nhất trí thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe trên phạm vi toàn quốc. Việc này vừa để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả địa phương; đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá.

Theo ông Lê Tấn Tới, nếu người thường trú tại địa phương nào chỉ được tham gia đấu giá tại địa phương đó sẽ hạn chế số lượng người tham gia đấu giá, không đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và không khai thác triệt để nguồn thu cho ngân sách.

Về mức giá khởi điểm, ông Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 (Hà Nội, TP HCM) và vùng 2 (các địa phương còn lại) không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa các vùng. 

Do vậy, Ủy ban Quốc phòng An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí với quy định về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng biển số ô tô trúng đấu giá vừa là tài sản cá nhân vừa là công cụ quản lý Nhà nước. Vì thế, cần phải hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá vì lý do quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Theo cơ quan thẩm tra, việc này còn nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ô tô được cấp thông qua đấu giá nếu chủ trương này không được tiếp tục thực hiện sau khi hết thời hạn thí điểm.