Xin chào bác sĩ, gần đây tôi hay tự đo huyết áp tại nhà, chỉ số huyết áp không ổn định lúc tăng lên 150mmHg nhưng có lúc chỉ 140mmHg. Tôi sử dụng máy điện tử đo bắp tay. Vậy chỉ số huyết áp như vậy đã cần uống thuốc điều trị chưa? Xin cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Phúc Anh - 44 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)

Bác sĩ Nguyễn Anh Quân - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tư vấn: 

Trong số các bất ổn liên quan tới tim mạch, tăng huyết áp được xem là bệnh lý phổ biến nhất. Đây là tình trạng tăng áp lực của dòng máu trong tuần hoàn. Người có chỉ số huyết áp từ 140/90mmHg trở lên được xếp vào tăng huyết áp. 

Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 1960 miền Bắc nước ta chỉ có 1% số người trưởng thành (từ 25-64 tuổi) bị tăng huyết áp. Năm 2002, con số này tăng lên 16,9%, năm 2008 lên tới 25,1%. Như vậy, cứ 4 người trên 25 tuổi có 1 người tăng huyết áp, gặp cả ở người trẻ, phụ nữ mang thai. 

Hiện trên toàn thế giới có khoảng 1,4 tỷ người bị tăng huyết áp, khiến 9,4 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. 

Bệnh diễn biến âm thầm, khi bộc lộ triệu chứng, tình hình đã rất nguy hiểm. Khi huyết áp tăng đột biến 180-200mmHg có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Có trường hợp đột quỵ khi vào viện huyết áp lên tới hơn 200mmHg, bệnh nhân nhồi máu cơ tim đo huyết áp lên tới 179-180mmHg. 

Tăng huyết áp gây nhiều tổn thương cho tim (phì đại cơ tim, suy tim), thận mạn tính, tắc mạch máu não, xuất huyết não, xơ vữa động mạch gây phình động mạch, tắc mạch chi. 

Từ trước tới nay, ngành tim mạch đều khuyến cáo người dân hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình. Bạn có thể mua máy đo huyết áp cơ hoặc điện tử dùng tại nhà. Khi đo, bạn dùng máy ở bắp tay tốt hơn cổ tay. Các chỉ số có thể lệch nhau trong các lần đó nhưng bạn không nên quá lo lắng.

Đo huyết áp tại nhà giúp bạn không bị tăng huyết áp “áo choàng trắng” (lo ngại khi tiếp xúc với nhân viên y tế), phản ánh chính xác chỉ số. Những người có mức huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg được gọi là tăng huyết áp. Khi đó, họ cần được chăm sóc y tế. Mức báo động đỏ có khả năng dẫn đến đột quỵ rất cao là huyết áp tâm thu từ 180mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương trên 100mmHg.