Lời tòa soạn

Các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu luôn là điểm “nóng” nhất ở bệnh viện bởi đây là nơi chăm sóc những bệnh nhân đang trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Tuy nhiên, đây lại thuộc nhóm các chuyên ngành khó thu hút được nhiều sinh viên lựa chọn tiếp tục chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa.

Vì vậy, các bệnh viện và các trung tâm cấp cứu luôn thiếu bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu. Vấn đề này cũng đã được thể hiện rất rõ trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 ở tất cả các địa phương.  

VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Thiếu nhân viên y tế ở nơi thập tử nhất sinh trong bệnh viện để phản ánh tình trạng này.

Kỳ 1: Áp lực ở 'thành trì cuối cùng' giành giật sự sống cho bệnh nhân: Bài viết ghi lại thực tế công việc của các bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang cố gắng giành giật sự sống cho rất nhiều bệnh nhân.

Kỳ 2: Tôi quyết định nghỉ việc sau 10 năm làm bác sĩ hồi sức cấp cứu: Đó là chia sẻ của bác sĩ P.H.T (34 tuổi, đang công tác tại TP.HCM) về công việc của một bác sĩ cấp cứu trong 10 năm qua.

"Điệp khúc" thiếu ở khắp nơi

Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp, Sơn La, là bệnh viện miền núi nằm sát biên giới với nước Lào. Từ nhiều năm nay, bệnh viện này luôn trong tình trạng không thể tuyển được nhân sự mới. Bác sĩ Đoàn Vũ Hưng, Giám đốc bệnh viện, chia sẻ: “Chúng tôi không thể tuyển được bác sĩ nào dù có cơ chế cho tuyển thêm người”. Nói về bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ Hưng tâm sự cả bệnh viện huyện với 8 xã nhưng chỉ có một bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu. 

Nhiều năm nay, các lãnh đạo bệnh viện đều giải bài toán tìm thêm bác sĩ nhưng không ai về huyện này. Bác sĩ Hưng cho biết các bác sĩ ở địa phương khác không về huyện, con em trong huyện cũng không có ai đi học ngành y. Vì vậy, bệnh viện luôn thiếu nhân sự. Dù biết hồi sức cấp cứu vô cùng quan trọng nhưng bệnh viện thiếu nhân sự nên chuyên ngành này cũng chỉ được một người. 

Theo bác sĩ Hưng, bệnh viện muốn cử bác sĩ đi học thêm chuyên khoa này cũng khó vì "bác sĩ làm việc còn chưa đủ lấy đâu ra bác sĩ đi học". Vì vậy, ê-kíp bác sĩ cấp cứu của bệnh viện phân phải chia nhau ra để làm việc. Các bác sĩ đa khoa đều tham gia vào cấp cứu cho người bệnh. Bởi vậy, nếu bị “bắt bẻ” có chuyện môn hồi sức cấp cứu hay không thì rất khó cho họ.

Các bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc theo một nhóm và hỗ trợ nhau để chăm sóc một bệnh nhân. Ảnh: Phương Thúy. 

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Sơn La, bác sĩ chuyên khoa Vi Hồng Kỳ - Giám đốc của bệnh viện - cũng cho biết thời điểm vài năm trước bệnh viện cũng thiếu bác sĩ chuyên môn hồi sức cấp cứu. Mộc Châu là khu du lịch, cửa ngõ của nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc nên ban lãnh đạo bệnh viện đã cử các bác sĩ đi học chuyên khoa hồi sức - cấp cứu. Hiện tại, bệnh viện có một bác sĩ chuyên khoa I Hồi sức cấp cứu, cuối năm sẽ có thêm 1 bác sĩ về làm việc. Khi đó, lĩnh vực hồi sức cấp cứu sẽ giảm áp lực hơn cho các chuyên khoa khác.

Để tăng cường năng lực cấp cứu cho nhân viên y tế, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cũng chủ động mời các chuyên gia về lĩnh vực này ở tuyến trung ương về giảng dạy, cầm tay chỉ việc cho các y bác sĩ.

Nhân viên y tế chăm sóc hồi sức cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Thanh Tuyền.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đại Phong, Giám đốc bệnh viện, cho biết hiện nay khu vực hồi sức cấp cứu của bệnh viện đang thiếu một vài vị trí làm việc. Theo bác sĩ Phong, hiện việc tuyển người làm được chuyên môn này cũng khó khăn hơn vì cơ chế làm việc, tiền lương của khối công lập khó thu hút được lao động trong lĩnh vực này.

Ngoài bác sĩ, điều dưỡng ở khối hồi sức cấp cứu cũng thiếu, khó tuyển người. Ngay kể cả tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc - nhưng tình trạng thiếu điều dưỡng cho chuyên ngành này cũng vẫn chưa giải quyết được.

Điều dưỡng Lê Thị Hoàng Dịu, làm việc tại đây hơn 20 năm, nói: "Không tuyển được ai vào thay thế cả. Những người đã làm ở đây quen tay, quen việc nhưng mệt mỏi vì công việc áp lực". 

Mỗi điều dưỡng chăm sóc một bệnh nhân 24/24. Ảnh Phương Thúy. 

Chị Dịu cho biết nhiều cử nhân điều dưỡng tới làm việc nhưng lại “quay xe". Người nào lâu được thì được một tháng là bỏ việc không hồi âm. Có những sinh viên vừa ra trường đến làm được 2-3 ngày, trung tâm liên lạc lại cũng không được.

Là điều dưỡng “cứng”, chị nhiều lần xuống tuyến dưới để đào tạo cho điều dưỡng khối hồi sức cấp cứu. "Thực tế là ở đâu cũng thiếu bác sĩ, thiếu luôn điều dưỡng. Một điều dưỡng hồi sức cấp cứu để tự đứng chăm sóc một bệnh nhân cần 2-3 năm làm việc, được cầm tay chỉ việc. Vì vất vả, thu nhập cũng không cao nên nhiều sinh viên cử nhân điều dưỡng không mặn mà", chị nói.

Nguyên nhân?

Giáo sư Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức Chống độc Việt Nam, cho biết hiện nay nhiều khu vực thiếu bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu.

Theo vị chuyên gia này, tổng số bác sĩ có chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu ghi nhận khoảng 700 người. Nhiều huyện thậm chí tỉnh “trắng” bác sĩ  lĩnh vực này. Điển hình là trong đại dịch Covid-19, vì thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu nên nhiều chuyên khoa lẻ như mắt, sản, da liễu cũng phải tham gia vào công việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình chia sẻ về hệ thống lọc máu cấp cứu cho bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Thúy

Vị chuyên gia này cũng cho biết bản thân ông sau nhiều năm tiếp xúc với sinh viên y khoa và thi chuyên khoa I hay bác sĩ nội trú, sinh viên thường “né” lĩnh vực này. Theo ông, một số nguyên nhân khiến nhân viên y tế ở chuyên ngành này luôn thiếu.

Thứ nhất, áp lực lớn: Đây là khu vực “nóng” nhất của các bệnh viện với nhiều ca nặng, mặt bệnh đa dạng. Bác sĩ hồi sức cấp cứu phải học hỏi rất nhiều từ bệnh chuyển hóa tới tim mạch, hô hấp. Họ phải có kiến thức rất rộng lớn cho đủ mặt bệnh khác nhau. Bác sĩ hồi sức tích cực ở bệnh viện nào cũng vất vả, trách nhiệm nặng nề. Nếu ở Mỹ hay các nước phát triển khác, một điều dưỡng chỉ phục vụ một bệnh nhân trong vòng 8 giờ nhưng ở nước ta thì không. Ngoài công việc chuyên môn, họ còn phải "chạy đi chạy lại" làm các thủ tục thanh toán, lĩnh vật tư, lấy dịch lọc… cho người bệnh. Áp lực lớn khiến nhiều người đang làm muốn nghỉ, người mới không muốn vào.

Thứ hai, thu nhập thấp: Áp lực cứu sống những người bệnh nặng thậm chí chỉ còn 1% cơ hội sống, nhiều rủi ro tai nạn nghề nghiệp, thu nhập thấp nên khó thu hút bác sĩ trẻ. Do đó, một bác sĩ tốt nghiệp đa khoa thường sẽ chọn đi học thêm chuyên ngành thẩm mỹ hoặc lĩnh vực dễ làm, thu nhập cao.

Thứ ba, không thể làm thêm: Theo quy định, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu không thể làm thêm ở các phòng khám tư hay mở phòng mạch tại nhà. Do đó, Giáo sư Bình cho biết cơ quan quản lý y tế nên thêm vào chứng chỉ của họ là: Nội khoa - Hồi sức cấp cứu.

Hội Hồi sức - Chống độc Việt Nam đã gửi nhiều văn bản lên Bộ Y tế để can thiệp gỡ khó khăn cho nhân viên y tế ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không có hồi âm. Nếu thêm chữ “Nội khoa”vào chứng chỉ hành nghề, họ sẽ được phép làm thêm. Nếu công việc áp lực, vất vả, thu nhập thấp lại không thể đi làm thêm sẽ khó giữ chân bác sĩ và tuyển thêm người mới.

Thứ tư, xu hướng "chuyên ngành hot": Giáo sư Bình cũng cho biết hiện nay, nhiều sinh viên trẻ chọn các chuyên ngành da liễu, răng hàm mặt, thẩm mỹ. Đây là lĩnh vực được coi là “dễ thở” với bác sĩ. Họ có cơ hội tăng thu nhập, cơ hội việc làm lớn hơn. 

Ông cũng nhiều lần chứng kiến danh sách bác sĩ học chuyên khoa I hoặc bác sĩ nội trú chuyên ngành da liễu hay thẩm mỹ "dài dằng dặc" còn bác sĩ hồi sức tích cực xuống gần cuối. 

"Tâm lý ngại khó, khổ là điều dễ hiểu nhưng nếu không có cơ chế cho nhân viên y tế trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, tình trạng thiếu sẽ còn kéo dài", vị chuyên gia này khẳng định.