Phát triển CNTT-TT ở Thanh – Nghệ – Tĩnh:

Bài toán nhân lực CNTT

Năng lực đào tạo nhân lực chuyên môn CNTT ở cả ba tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh hiện nay tương đối hạn chế, có lẽ vì thế có đến 2 trong 5 nội dung hợp tác phát triển CNTT -TT giữa ba tỉnh này trong thời gian tới có liên quan đến nguồn nhân lực.

Quy mô nhỏ

Trung tâm đào tạo lập trình viên Nghệ An – Aptech chính thức hoạt động từ giữa năm 2004. Đây là trung tâm đào tạo CNTT chuyên sâu phi chính quy duy nhất ở Nghệ An, ngoài một vài cơ sở đào tạo CNTT chính quy như Trường ĐH Vinh. Nghệ An là tỉnh lớn với hơn 3 triệu dân, nhưng số lượng học viên theo học tại trung tâm đào tạo này đến nay vẫn rất khiêm tốn.

Ông Đậu Đức Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo lập trình viên Nghệ An – Aptech cho biết, trung tâm này hiện có khoảng hơn 200 học viên theo học hai chuyên ngành chính là lập trình viên (2 năm) và quản trị mạng (4 tháng), trong đó năm 2005 có hơn 120 học viên. Trong khi đó, cũng trong năm 2005, các trung tâm Aptech trên cả nước có gần 22 ngàn học viên đang theo học. Theo ông Hải, nếu tính trung bình theo tỷ lệ dân số, số học viên Aptech của Nghệ An nhỏ hơn cả nước hơn 9 lần (Nghệ An chiếm khoảng 4% dân số cả nước). “Aptech là mô hình đào tạo rất thành công tại Việt Nam. Vì thế, con số này ở góc độ nào đó phản ánh được thực trạng nhân lực CNTT ở Nghệ An so với cả nước”, ông Hải nói.

Rõ ràng, không thể nhìn nhận thực trạng nhân lực CNTT của cả địa phương chỉ qua một trung tâm đào tạo phi chính quy như Nghệ An – Aptech. Tuy nhiên, những số liệu thống kê về hiện trạng nhân lực CNTT do các Sở BCVT của ba tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh cung cấp cho thấy nhận định trên của ông Hải tương đối xác đáng.

Theo thống kê của Sở BCVT Thanh Hóa, tỉnh này hiện nay mới có hai cơ sở đào tạo chuyên môn sâu về CNTT là Trường ĐH Hồng Đức và Trung tâm đào tạo lập trình viên Aptech – Thanh Hóa cung cấp số lượng nhân lực CNTT rất nhỏ. ĐH Hồng Đức mới đào tạo 3 khoá với khoảng 50 sinh viên CNTT.

Năng lực đào tạo nhân lực CNTT ở trình độ cử nhân ở Hà Tĩnh cũng rất hạn hẹp. Trường ĐH Hà Tĩnh đang đào tạo gần 60 chục cử nhân CNTT. Các trường cao đẳng và dạy nghề có đào tạo CNTT trên địa bàn tỉnh cũng chỉ cung cấp trên dưới 100 sinh viên trình độ cao đẳng và trung cấp CNTT mỗi năm.

Còn ở Nghệ An, theo số liệu của Sở BCVT Nghệ An, các cơ sở đào tạo ở tỉnh này hiện có 3000 sinh viên theo học, trong đó riêng Trường ĐH Vinh mỗi năm cho ra trường khoảng 500 kỹ sư và cử nhân về CNTT. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Trung Hoà, Trưởng khoa CNTT của Trường ĐH Vinh, trong số những người đang theo học CNTT tại các cơ sở đào tạo của Nghệ An có khá nhiều sinh viên từ các tỉnh khác.

Cách nào để thúc đẩy?

Số lượng ít, nhưng theo một số chuyên gia, trên thực tế, sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn CNTT ở các địa phương này không quá bức bách do lĩnh vực CNTT-TT hiện đang ở mức phát triển và ứng dụng thấp. Thị trường CNTT-TT chủ yếu tập trung vào khối các cơ quan công quyền, còn trong doanh nghiệp và nhân dân vẫn nhỏ lẻ. Công nghiệp CNTT ở các địa phương này chưa đòi hỏi nhiều nguồn nhân lực CNTT chuyên môn sâu, vì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu hoạt động kinh doanh phần cứng, tỷ lệ doanh nghiệp phần mềm thấp.

Ông Hồ Quang Thành, Giám đốc Sở BCVT Nghệ An cho biết, tỉnh này hiện có khoảng 70 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, trong đó chỉ khoảng 10% doanh nghiệp tham gia sản xuất và gia công phần mềm. Còn ở Hà Tĩnh, theo ông Hà Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, “tỉnh này hầu như chưa có doanh nghiệp phần mềm mà chỉ chuyển giao một số phần mềm đóng gói”.

Ở vai trò là tổ chức đào tạo, ông Đậu Đức Hải thừa nhận: “Không giống với các địa phương khác và tình hình nhân lực CNTT chung cả nước, nhu cầu nhân lực chuyên môn CNTT ở Nghệ An cũng như ở các tỉnh lân cận rất nhỏ, bởi thiếu nhu cầu từ thị trường”.  

Tuy nhiên, theo đánh giá tổng kết 5 năm (2001-2005) thực hiện Chỉ thị 58 của Nghệ An – Thanh Hóa và Hà Tĩnh, thiếu nhân lực CNTT là một trong những yếu tố đã cản trở hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT tại ba địa phương này. Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới, phát triển và ứng dụng CNTT-TT được các địa phương này coi là mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì thế, cùng với triển vọng phát triển CNTT-TT, nhu cầu nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực này cũng được dự báo sẽ trở nên bức bách hơn.

Ông Đỗ Thanh, Giám đốc Sở BCVT Thanh Hóa cho biết, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI đã nhấn mạnh trong giai đoạn tới (2006-2010), “tỉnh này coi CNTT-TT là một trong những ngành kinh tế dịch vụ có nhiều tiềm năng”. Bên cạnh đó, Thanh Hoá đã đưa ra mục tiêu và giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển trong thời gian tới.

Không phải ngẫu nhiên mà có tới 2 trong 5 nội dung hợp tác phát triển CNTT-TT chính giữa ba tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh ký kết tại Hội thảo “Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam” tập trung vào nguồn nhân lực CNTT. Theo biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển CNTT-TT ký kết giữa lãnh đạo ba tỉnh, các tỉnh này xác định “phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và ứng dụng CNTT-TT.”

Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo CNTT  tỉnh Nghệ An cho biết, trong kế hoạch hợp tác CNTT-TT, hợp tác phát triển các nguồn nhân lực CNTT sẽ là một ưu tiên chính giữa ba tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh. Trong thời gian tới, ba tỉnh sẽ tìm cách phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo tin học cho cán bộ công chức, cán bộ quản trị mạng và quản lý. Bên cạnh đó, Thanh Hóa - Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ phối hợp tổ chức chung các cuộc thi tin học cho học sinh và cán bộ công chức để cổ vũ phong trào học tập tin học.

Minh Tiến

Đại học Vinh – Nơi đào tạo CNTT hùng hậu nhất vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh

TS. Nguyễn Trung Hòa, Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Vinh: “Khoa CNTT, Trường ĐH Vinh thành lập năm 1998, đến nay đã có 3 mã ngành đào tạo đại học chính quy: cử nhân sư phạm tin học, cử nhân khoa học máy tính và kỹ sư  CNTT (3 mã ngành đào tạo phi chính quy tương tự). Ngoài ra, ĐH Vinh liên kết với ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo cử nhân cao đẳng tin học. Khoá đầu tiên của khoa CNTT có hơn 220 sinh viên. Hiện nay, khoa có hơn 2400 sinh viên từ nhiều tỉnh lân cận đang học. Điều này chứng tỏ nhu cầu nhân lực CNTT trong vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh tăng trưởng khá nhanh.

Khoa CNTT hiện có 35 cán bộ giảng dạy, trong đó có 3 tiến sĩ, 5 giảng viên chính và 16 thạc sĩ. Khoa hiện có 9 phòng máy với hơn 200 máy tính, và có kinh phí đầu tư nâng cấp thiết bị tin học hàng năm trên 500 triệu đồng. Hàng năm, nhiều sinh viên của khoa đã tham gia các cuộc thi tin học quốc gia và đã đạt được nhiều giải thưởng”.