Nhiều câu chuyện thú vị liên quan tới doanh nghiệp Việt trên hành trình chinh phục thị trường quốc tế đã được bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) chia sẻ với độc giả VietNamNet.

Nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp, bà đánh giá thế nào về ưu và nhược điểm của doanh nghiệp Việt?

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động kinh doanh trên thị trường nước ngoài, VINASA còn đưa sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin Việt Nam tham gia các giải thưởng quốc tế. 

Bản thân VINASA cũng tham gia hội đồng đánh giá của nhiều giải thưởng quốc tế. Cá nhân tôi thấy các sản phẩm, giải pháp của Việt Nam không hề thua kém một tí nào so với các sản phẩm mức khá tốt của khu vực, thậm chí một số còn có phần nhỉnh hơn. Tất nhiên, một số nước có sản phẩm đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức thì họ nổi trội hẳn. Ví dụ Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… đã áp dụng vào thực tế các dòng sản phẩm liên quan tới kính 3D, thiết bị đeo cá nhân, vốn dĩ mình chỉ xem trên phim khoa học viễn tưởng... 

Điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi tham gia các giải thưởng quốc tế là ngoại ngữ chưa tốt và chưa biết cách trình bày. Ở các nước, doanh nghiệp thuyết trình sản phẩm tham gia giải thưởng thì cách tiếp cận, đặt vấn đề, trình bày phải khác với khi đem sản phẩm đi bán hàng. Còn doanh nghiệp nhà mình, nhiều bên cứ một bài bán hàng cho khách đem đi trình bày cho hội đồng giám khảo giải thưởng, có rất nhiều thứ không phù hợp.

Với doanh nghiệp quốc tế, phần thuyết trình cho giải thưởng giống như trình diễn. Họ đưa ra cả kịch bản, clip, thay vì 1 người trình bày thì có thể 2 người hỏi đáp, sau đó dẫn dắt vào câu chuyện. Họ đem sản phẩm demo, dùng trang phục bắt mắt… để gây ấn tượng cho giám khảo.

Trong khi doanh nghiệp nhà mình vẫn chưa để ý tới chuyện này. Lại còn trả lời quá thật (cười). Giám khảo hỏi “Kênh bán của các anh là gì” thì trả lời “Chủ tịch của chúng tôi đi bán hàng, ông ấy nói một lời là bán được luôn”.

Chính vì không biết cách nên doanh nghiệp Việt chưa ghi được điểm cao trong các giải thưởng quốc tế. Cách đây hai năm, tôi vô cùng tiếc cho một doanh nghiệp Việt. Giải pháp của doanh nghiệp này được diểm cao nhất trong vòng chấm đầu tiên, nhưng đến phần thuyết trình thì thất bại. Các giám khảo khác đều nói quá đáng tiếc.

Đó là nhìn nhận ở khía cạnh các giải thưởng quốc tế. Còn về khía cạnh năng lực tham gia giải các “bài toán” trên thế giới thì sao?

Doanh nghiệp, đối tác nước ngoài có những bài toán rất khác, không giống ở Việt Nam. Nhiều “bài toán” khá độc lạ, nhưng đã được doanh nghiệp Việt “giải” rất tốt.

Chẳng hạn, có doanh nghiệp Việt đã triển khai đơn đặt hàng cho đối tác Nhật là dự án làm bot để giao dịch trên các sàn chứng khoán, forex. Chẳng những làm cho đối tác, doanh nghiệp này còn tự bỏ ra 50.000 USD cài bot đó để chơi, và họ thắng, kiếm được tiền từ chính sản phẩm của mình. 

Cũng ở bên Nhật, do tính cách người Nhật rụt rè, hướng nội, nên nhu cầu tìm người yêu ảo khá cao. Họ sẵn sàng bỏ tiền để mua người yêu ảo, tự tạo nên người yêu trong mộng với tóc tai, mắt mũi, hình thể, quần áo… theo ý muốn. Điều này mình nghĩ chỉ có ở trong phim Hollywood, nhưng doanh nghiệp Việt mình đã làm được cho Nhật rồi. Sản phẩm sau khi ra thị trường rất “đắt” khách.

Theo bà, đâu là những cơ hội mới đối với doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế?

Việt Nam có cơ hội cực kỳ lớn với thị trường quốc tế. Vấn đề là mình có đủ nguồn lực hay không. Các doanh nghiệp có sẵn sàng cho sự hợp tác hay không. Mình phải chuẩn bị  tốt nguồn lực, quan trọng nhất là con người và sự đầu tư về công nghệ.

Thực trạng chung trên toàn cầu là sự thiếu hụt trầm trọng người làm công nghệ thông tin. Ở các nước phát triển, mọi người ngại học công nghệ thông tin vì thấy rất khó, đòi hỏi tư duy logic, Toán học rất nhiều… Xu hướng của họ là thích học về tài chính, bất động sản… và những lĩnh vực khác nhẹ nhàng hơn.

Trong khi đó, toàn cầu bùng nổ xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số lượng giải pháp ứng dụng rất nhiều, kéo theo nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh. Trong nước không có thì phải thuê ngoài. Đây là cơ hội cho các kỹ sư công nghệ, doanh nghiệp Việt.

Mặt khác, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều “ông lớn” đã và đang tìm cơ hội ở các quốc gia khác. Đây là lý do diễn ra làn sóng nhiều “ông lớn” đầu tư vào Việt Nam thời gian qua.

Vài năm trước, các nước Tây Âu đặt hàng các đối tác tại các nước Đông Âu đặc biệt là  Ukraina rất nhiều. Chiến tranh Nga – Ukraine đã gây ảnh hưởng không nhỏ, khiến các quốc gia ở Tây Âu phải tìm đối tác khác. Doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ là “ứng cử viên” có nhiều lợi thế làm đối tác cho các đối tác tại Châu Âu, đặc biệt là Tây Âu. 

Trước đây, thị trường truyền thống lớn nhất của doanh nghiệp Việt là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Nhưng bây giờ, nhu cầu tìm kiểm đối tác phát triển phần mềm và dịch vụ tại khu vực Đông Nam Á và châu Á đang tăng mạnh. Một số thị trường tăng trưởng rất nhanh như Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore…

Ngoài ra, theo trao đổi gần đây với doanh nghiệp hội viên, VINASA nhìn thấy có xu hướng mới để đưa sản phẩm, ứng dụng, giải pháp, nền tảng công nghệ thông tin Việt Nam ra quốc tế, đó là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp đi làm dịch vụ ở nước ngoài với các doanh nghiệp chuyên làm sản phẩm trong nước. Một vài doanh nghiệp chuyên làm thị trường quốc tế cho biết, khi đi nói chuyện với khách hàng thì thấy họ có nhu cầu về nhiều loại sản phẩm, ứng dụng, nhưng mình không có sẵn giải pháp đáp ứng nhu cầu đó, nên rất muốn có giải pháp phù hợp có thể đồng hành ra nước ngoài bán cho khách hàng hiện hữu. Tất nhiên sẽ mất một thời gian để mày mò về cách làm và phương thức hợp tác, song tôi nghĩ đây sẽ là một cách thức rất hiệu quả để đem sản phẩm Việt Nam ra quốc tế.

Chúng ta đã nói nhiều đến lợi ích đối với doanh nghiệp khi hợp tác quốc tế. Thế còn VINASA thì có thu được lợi ích gì không, thưa bà?

Đến giờ vẫn có nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao VINASA phải tham gia làm hội viên của các tổ chức quốc tế khi chi phí hội phí và phí tham gia các hoạt động hàng năm không nhỏ”.

Câu trả lời rất đơn giản: “Vì mình học hỏi được các hiệp hội khác về cách họ làm, phối kết hợp với họ để mở rộng thêm thị trường và cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp hội viên cũng như các doanh nghiệp trong ngành”.

Chẳng hạn, Hiệp hội Quốc gia các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ Ấn Độ (NASSCOM) có trụ sở ở vài bang trên đất Ấn Độ, rất mạnh về vận động chính sách và kết nối hợp tác cho doanh nghiệp.

Ở Myanmar, tuy ngành công nghệ thông tin không phát triển mạnh bằng ở Việt Nam, nhưng chính phủ dành cho hiệp hội công nghệ thông tin một số quyền rất lớn. Ví dụ, hiệp hội có một phiếu bầu đồng ý hay không đồng ý cho các công ty viễn thông muốn vào cung cấp dịch vụ tại thị trường Myanmar. Chính phủ còn tạo điều kiện cho hiệp hội phát triển bằng cách không cho tiền nhưng cho đất, sau đó hiệp hội vận động tài trợ, xây tòa nhà rất lớn rồi cho thuê một phần để có thể phát triển hoạt động với dòng tiền khá ổn định.

Ở nhiều quốc gia, chính phủ sử dụng các hiệp hội như những “cánh tay nối dài” thực hiện các chủ trương, định hướng, chính sách, chương trình hành động. Còn ở Việt Nam, vai trò của hiệp hội vẫn còn khá hạn chế. Nếu các cơ quan Nhà nước biết cách sử dụng các “cánh tay” là các hiệp hội ngành nghề, đầu tư “tiền mồi” thì sẽ tối ưu được nguồn lực xã hội trong các hoạt động, đồng thời đem lại nhiều giá trị hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế.

Một kinh nghiệm tại Đài Loan (Trung Quốc), Hiệp hội Máy tính Đài Bắc (TCA) có hơn 400 người, hàng năm đều được Chính phủ, các bộ liên quan tới thương mại giao tổ chức rất nhiều sự kiện. Tháng 3 vừa rồi họ tổ chức sự kiện về thành phố thông minh có tên gọi “Smart City Summit and Expo” rất thành công, thu hút sự tham gia của khoảng hơn 30 thị trưởng quốc tế, và rất nhiều lãnh đạo bộ/các cơ quan phụ trách về thành phố thông minh của các nước, cùng với đại biểu, doanh nghiệp đến từ khoảng 70 quốc gia và nền kinh tế trên toàn cầu. Một trong những “bí quyết” của họ là chi một ít chi phí mồi, tài trợ ¾ đêm khách sạn, khách mời phải tự chi 1 đêm khách sạn và vé máy bay cũng như chi phí đi lại. Computex cũng được tổ chức như vậy. Các đại biểu đều phải bỏ chi phí nhiều hơn cho việc tham gia sự kiện, nhưng nhờ có chút đầu tư đó, họ đã thu hút được rất đông doanh nghiệp, lãnh đạo từ khắp nơi đến Đài Loan, mở ra rất nhiều hoạt động kinh doanh mới cho các doanh nghiệp tại đây. 

Chúng tôi cũng rất mong muốn có thể áp dụng “bí quyết” này cho các sự kiện do VINASA tổ chức nhằm thu hút doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam, qua đó có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt trên hành trình hội nhập. 

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị với VietNamNet!