Sáng 27/10, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 với sự tham gia của hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức liên tục từ năm 2021, thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu về khoa học giáo dục và khoa học sư phạm. 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Chúng ta có thể thấy những năm gần đây, hầu như tháng nào cũng có những tranh luận về các vấn đề liên quan đến giáo dục. Từ những câu chuyện của giáo dục đại học như tự chủ đại học, hội đồng trường, kiểm định chất lượng, tuyển sinh... đến những vấn đề của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, như chương trình và sách giáo khoa, vị trí của môn Lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc dạy các môn tích hợp, phương pháp đánh giá kết quả học tập ở các bậc học...".

Theo GS.TS Thanh, những tranh luận, tranh cãi rất quyết liệt, thậm chí tạo thành xung đột trên mạng xã hội và trong nhiều gia đình. Những tranh luận này thường không đi đến sự thống nhất vì nhiều người tham gia chỉ đưa ra những đánh giá, nhận định dựa vào trải nghiệm cá nhân về giáo dục hơn là dựa vào tư duy khoa học giáo dục và các thành tựu của nó. 

"Những ý kiến lập luận như: “Thời tôi/con tôi học nó không thế” khá phổ biến, đến mức nhiều người nói vui: “Ai cũng có thể bình luận về giáo dục giống như bình luận về bóng đá” vì ai cũng từng xem, hoặc từng đá. Môn thể thao này có vẻ dễ hiểu, không như bóng bàn.

Nhưng để có được những kết luận đúng, khoa học, những thảo luận này cần có tính thẩm quyền chuyên môn – một khái niệm rất quan trọng trong truyền thông khoa học, hay nói cách khác phải được dựa trên những thảo luận khoa học nghiêm túc.

Việc phản biện chính sách với tư cách người dân chịu tác động cần phải tách bạch với phản biện của người có thẩm quyền và năng lực chuyên môn”, GS.TS Thanh nói. 

W-nguyen-quy-thanh-1.jpg
GS. TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Hùng

Do đó, theo ông Thanh, diễn đàn này với mong muốn tạo ra một nền tảng cho những tranh luận khoa học nghiêm túc của những người có năng lực và thẩm quyền chuyên môn. 

“Chúng tôi xác định hình thức của hội thảo này là “diễn đàn” vì mong muốn nó trở thành một nơi cho những thảo luận mở, tôn trọng các quan điểm khác biệt về vấn đề của giáo dục trên nền tảng của tư duy khoa học, đặc biệt là tư duy thực chứng và tư duy logic”. 

Tại hội thảo, nhiều báo cáo đề cập đến những vấn đề rất căn bản, cập nhật trong khoa học giáo dục và ứng dụng trong đào tạo giáo viên. Đặc biệt, 4 báo cáo mới ở hai phiên toàn thể đề cập đến những vấn đề như bản chất con người và vai trò của giáo dục, các xu thế mới trong đo lường kết quả giáo dục, đào tạo giáo viên trong ASEAN và khoa học thần kinh trong trị liệu các rối loạn học tập.

Trong số này, có báo cáo của TS. Phạm Ngọc Duy từ ĐH Massachett Armhest, cập nhật những tiến bộ mới nhất trong tâm trắc học nhằm hướng đến việc xây dựng một hệ thống đánh giá cân bằng đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Báo cáo cập nhật một số thành tựu mới trong tâm trắc học và ứng dụng trong những đánh giá giáo dục là sự tiếp nối chủ đề bản chất con người và phát triển nhân cách. “Nếu như nhân cách được hiểu như là sản phẩm của giáo dục theo nghĩa rộng, tâm trắc chính là khoa học về phương pháp đo nhân cách. Đánh giá giáo dục đúng, xác thực, đảm bảo độ tin cậy phụ thuộc rất nhiều vào những thành tựu của tâm trắc học, hay nói rộng hơn là khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục".

Cũng theo Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, nhiều tranh cãi về kỳ thi THPT xuất phát từ chỗ thiếu lý luận, ngôn ngữ, sự hiểu biết chung về đo lường và đánh giá trong giáo dục. Việc xây dựng một hệ thống đánh giá cân bằng hiệu quả có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

"Nhưng đây là một nhiệm vụ thách thức. Báo cáo đề xuất khái niệm hệ thống đánh giá cân bằng như một khung lý luận để giải quyết năm thách thức về đo lường trong giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Thanh chia sẻ thêm.

Ngoài 4 báo cáo tại phiên toàn thể, các báo cáo được trình bày tại 5 tiểu ban của hội thảo tập trung vào các chủ đề chính. Đó là: Lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ chính sách đến thực tiễn; Khoa học sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; Các xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức; Công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0: Từ nghiên cứu đến ứng dụng trong giáo dục.