{keywords}
{keywords}
{keywords}

Một giờ đêm, nhiệt độ xuống còn 4-5 độ, Sa Pa chìm trong sương mù và giá buốt của ngày giữa đông, đứng cách nhau 1 mét không nhìn thấy mặt nhau.

Ai ở thời phổ thông cũng đã được đọc truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long có nhân vật anh thanh niên làm nghề “đo gió đo mưa” ở trạm khí tượng thủy văn Sa Pa. Đọc truyện, mỗi người cũng thầm cảm phục tấm gương vĩ đại của anh thanh niên đại diện cho những con người đã biết vượt qua bao khó khăn vất vả, hy sinh cả hạnh phúc của bản thân hăng say lao động và cống hiến vì đất nước.

Trong ngôi nhà xây cũ kỹ, cách biệt với thị trấn du lịch Sa Pa ồn ào, náo nhiệt là Trạm Khí tượng Sa Pa. Ánh đèn vàng hắt ra từ trạm khí tượng - là ngôi nhà xây nhỏ bé, cũ kỹ chênh vênh trên ngọn đồi, một bóng một người phụ nữ lúi húi ghi ghi chép chép số liệu, rồi lách tách gõ bàn phím. 

Chị Tô Thị Hội (sinh năm 1984, quê Yên Bái), Trạm trưởng Trạm Khí tượng Sa Pa tâm sự tuy ngày nay Sa Pa không còn "lặng lẽ, vất vả và cô đơn" như nhà văn kể trong truyện nhưng cuộc sống trên trạm vẫn cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trạm nằm ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai), ở độ cao 1.584m so với mực nước biển, vì yêu cầu vị trí nằm ở nơi thoáng, ít cây cối và không bị che chắn nên khu vực đặt trạm thưa thớt nhà dân. Trạm thành lập năm 1959, chị Hội gắn bó với nơi đây từ năm 2006.

 

{keywords}

Chị bộc bạch dưới thị trấn ồn ào náo nhiệt kia, mỗi ngày đón cả nghìn người thăm quan du lịch, khách sạn cao tầng lung linh ánh điện về đêm, nhưng rất ít người biết, những quan trắc viên như chị. 

Các trạm khí tượng ở Sa Pa được xem là “con mắt” dự báo sớm nhất vì những đợt không khí lạnh, gió mùa, tuyết rơi ở đây cảm nhận được đầu tiên. Chính vì vậy, việc báo số liệu về trung tâm phải luôn được thực hiện chính xác, kịp thời. 

Do trạm chỉ có 3 quan trắc viên, thay phiên nhau đi ca nên trực đêm là điều quá quen thuộc. Công việc hàng ngày của chị Hội và các quan trắc viên là ghi chép số liệu bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, rồi quan trắc tầm nhìn ngang, các hiện tượng khí tượng, nhiệt độ mặt đất, bốc hơi…

Tất cả những con số này được các quan trắc viên ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác tuyệt đối, sau đó sẽ chuyển về Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai, rồi đến Đài Khí tượng thủy văn Việt Bắc (TP Việt Trì, Phú Thọ), và chuyển tiếp về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Hà Nội), để các chuyên gia phân tích thành bản tin dự báo thời tiết hàng ngày.

 

{keywords}

Theo quy định của ngành khí tượng, một ngày các trạm phải thực hiện đủ 4 kỳ quan trắc vào các khung giờ: 1h, 7h, 13h và 19h. Mỗi kỳ được gọi là 1 “ốp”. Ca trực của quan trắc viên kéo dài trọn 24 giờ - từ 7h sáng đến 7h sáng hôm sau, với 4 lần đi “ốp”, kể cả lễ tết hay thứ bảy, chủ nhật.

Trước lúc vào “ốp”, quan trắc viên phải kiểm tra máy móc, thiết bị, sổ sách và phương tiện thông tin. Đến đúng khung giờ, quan trắc viên sẽ kiểm tra thiết bị trong vườn khí tượng và ghi chép các số liệu rồi thảo mã, phát báo chuyển dữ liệu về trung tâm.

{keywords}

Chị Hội cho biết, thời gian đầu mới về trạm, chị sợ, vì chỉ có một mình trên trạm vào các ca trực, lo rằng “có làm sao chắc cũng chả ai biết”.

Ban ngày, nắng mưa, bão tuyết thế nào cũng có thể khắc phục, nhưng “ốp” 1h sáng là thử thách lớn, nhất là khi nhiệt độ xuống quá sâu hoặc băng tuyết xuất hiện, những người làm nghề quan trắc như chị Hội bắt buộc phải thức trắng đêm, xem giờ nào xuất hiện, giờ nào kết thúc băng tuyết, đo các điểm xem độ dày của tuyết, công việc gấp 2-3 lần ngày thường.

Chị Hội lấy chồng cùng quê Yên Bái, khi vừa cưới được một tuần thì chị nhận tin đỗ công chức và được phân công về Trạm Khí tượng Sa Pa.

Trước đây, nhà công vụ cũ của trạm nằm ở gần khu vực nhà thờ cổ, cách nơi làm việc khoảng 2 km. Đường lên trạm ngày đó chưa được khang trang, bê tông như giờ. Chị nhớ lại hồi đầu, chưa có phương tiện đi lại, đường lên trạm độ ấy khổ vô cùng, một mình đi bộ trong đêm lên chỗ làm việc, chị vừa đi vừa khóc, hoặc hát, hét dọc đường để át đi nỗi sợ hãi.

 

{keywords}

“Có hôm không phải ca trực, đang ngủ giật mình tỉnh giấc không biết tới ốp của mình hay chưa, luôn ám ảnh nỗi sợ bị muộn ốp, tay tìm vội chiếc đèn pin như ngày trực ca ra vườn khí tượng”, chị kể.

Những ngày lễ, tết là thời gian được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, thì các chị vẫn đang cần mẫn, chăm chỉ, miệt mài với công việc “đếm gió, đo mưa”.

Năm đầu tiên công tác, chị đón giao thừa tại trạm. Tiếng chuông chuyển giao năm cũ sang năm mới dưới nhà thờ thị trấn vang vọng lên làm người vợ trẻ rơi nước mắt trong nỗi nhớ cồn cào về gia đình và người chồng mới cưới. Chị cố phải quen với nỗi cô đơn…

Hơn chục năm nay, chồng và các con chị đã chuyển từ Yên Bái lên Lào Cai để gia đình được sống gần nhau. Những đêm mịt mùng của chị ở trạm đã bớt hiu quạnh hơn.

 

{keywords}

Còn chị Đào Thị Thanh Nga (sinh năm 1979, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu khí hậu nhiệt đới núi cao Sa Pa) đã có 17 năm công tác ở Trạm Khí tượng Sa Pa. Kể về cái "nợ" với nghề chị tâm sự, từ khi còn rất nhỏ chị đã nằm trên lưng, theo chân mẹ mỗi lần đi “ốp”, trực canh ở Trạm Khí tượng - Thủy văn Âu Lâu. Cứ năm này qua năm khác, mẹ chị đo đạc,ghi chép số liệu còn con chị tung tăng chơi đùa bên vườn khí tượng. Rồi đến cả bố, chị gái và anh rể chị đều làm nghề quan trắc và kỹ thuật khí tượng ở các trạm khu vực miền Bắc. 

Những con quay đo gió, những quả cầu nhật quang cứ thế trở thành một phần trong cả tuổi thơ chị, để rồi lớn lên cô gái Yên Bái thi vào ngành khí tượng thủy văn tiếp tục theo nghiệp gia đình và tình nguyện về công tác tại Trạm khí tượng Sa Pa. Chị lập gia đình, sinh con, sinh sống coi đây như là quê hương thứ.

Công việc dự báo đơn điệu, nặng nhọc lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao, chị Nga cho biết ngày này qua ngày khác, chỉ đối diện với những con số vô hồn nên dễ buồn chán, nản lòng lắm. Do vậy, để gắn bó được với nghề này lâu dài, những cán bộ khí tượng đặc biệt là chị em phải rất yêu nghề. Khó khăn chị không ngại vì quá quen từ khi còn nhỏ nhưng chồng chị rất thương chị.

 

{keywords}
Vợ chồng anh Đặng Ngọc Luân và chị Đào Thị Thanh Nga

Anh Đặng Ngọc Luân (chồng chị Nga) nhớ lại, có hôm vợ vào ca, thấy mưa giông sấm sét ầm ầm, anh chạy vội lên trạm xem tình hình. Thấy im hơi lặng tiếng, anh đã thắt lòng lo vợ bất an. Ra vườn khí tượng anh mới thở phào thấy vợ vẫn hí húi ghi chép.

Với nghề quan trắc khí tượng, quy định về giờ đi “ốp” là bắt buộc, tất cả các quan trắc viên phải tuân thủ một cách chính xác. Máy móc đã mặc định các khung giờ, mọi người đi “ốp” và báo cáo số liệu không được nhanh hay chậm một phút. Bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó giám đốc Đài Khí tượng khu vực Việt Bắc có nhiều năm làm quan trắc viên. Ông chia sẻ, công việc của các quan trắc viên gặp nhiều khó khăn do các trạm khí tượng thủy văn thường đặt trên các khu vực núi sao, sông sâu, xa khu dân cư.

{keywords}

Quan trắc viên được ví như chiến sĩ làm công tác đo đạc để có được những số liệu chính xác nhất, giúp đưa ra những bản tin thời tiết, cảnh báo thiên tai đến người dân…Những bản tin dự báo khí tượng thủy văn mà ngành đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sống động nhất, chứng tỏ đội ngũ quan trắc viên luôn biết cách vượt lên mọi trở ngại gian khó trong cuộc sống và công tác, thực hiện các hoạt động dự báo, thông tin khí tượng thủy văn, quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai ngày một cách chính xác và hiệu quả.

Mỗi bản tin chỉ dài chưa đầy một trang giấy A4, nhưng trách nhiệm của người làm ra chúng thì vô cùng lớn lao. Chị Hội vui vẻ cười nói: "Mỗi lần theo dõi mà thấy bản tin thời tiết trên đài, tivi có xuất hiện những con số, thông tin trạm Sa Pa gửi về, chúng tôi hạnh phúc lắm. Những thông số quan trắc được, góp phần vào các bản tin dự báo, cảnh báo để mọi người sẽ biết được thời tiết như thế nào, có thể tránh những thiệt hại, lên kế hoạch cho phù hợp".

 

{keywords}

 

Với lòng yêu nghề, các chị thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức về công nghệ và phương pháp; phạm vi và hạng mục dự báo. Do đó, chất lượng, hiệu quả công việc được nâng cao, thời gian dự báo tăng lên và dự báo sớm, góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, phục vụ công tác sản xuất và đời sống của nhân dân.

Qua “ốp” 1h sáng, trong trạm khí tượng, chậu than đốt lên để xua bớt phần giá lạnh vẫn đỏ lửa. Quan trắc viên yêu nghề “khám bệnh ông trời” chuẩn bị cho “ốp’ mới. Phía dưới chân núi, thị trấn Sa Pa vẫn rực rỡ ánh đèn.

Thái An - Thành Nam