{keywords}
{keywords}

Con số 13 “rủi” với ai chứ với bác sĩ người Ý Roberto De Castro – “ông tiên” của Qũy Thiện Nhân thì đó lại là con số may mắn và hạnh phúc.

Lần thứ 13 ông đánh đường sang Việt Nam trên hành trình thiện nguyện trong suốt 7 năm qua, vì những em bé không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục (BPSD) cũng chính là lần ông cùng nhóm cộng sự đông nhất từ trước tới nay thực hiện được nhiều ca mổ nhất, gồm cả những ca phức tạp nhất. Và riêng lần này còn có thêm một điểm đặc biệt: Ông vừa mới cưới vợ ở tuổi... 69.

{keywords}

Thật ra thì trước đây ông có từng “kiêng kị” con số 13 không?

- Nếu có một con số kiêng kị với người Ý chúng tôi thì lại là con số 17 chứ không phải 13.

Nhưng kể cả thế thì tôi cũng vẫn có một cách tính khác để tránh được cho mình tâm lý bất an.

Ấy là trong 7 năm qua, thường ra mỗi năm sẽ có 2 lần Qũy Thiện Nhân đến với những người bạn kém may mắn của mình, nhưng có một năm, vì những lý do khách quan mà chúng tôi đành nhóm lại làm gọn trong một lần, nên lẽ ra lần này phải đánh số 14 mới phải! (cười).

Tôi thậm chí còn hài lòng với con số 13 này hơn cả vì đây là lần mà đội của tôi có được một đội hình đông đảo và “thiện chiến” nhất, lần đầu tiên lên tới 6 bác sỹ từ Ý; trong đó lần đầu tiên có được một bác sỹ tâm lý chuyên về trẻ em, đặc biệt là những đứa trẻ có vấn đề về giới tính.

Theo như tôi được biết, lực lượng bác sỹ tâm lý ở VN còn quá mỏng, nhất là các BS tâm lý chuyên về các bệnh nhi đặc biệt này.

Trong khi đó, với những tổn thương này nhiều khi cần tới không chỉ một mà nhiều ca mổ; không chỉ một lần mà còn có thể phải chờ đợi, kéo dài trong nhiều năm, bám theo từng cột mốc trưởng thành của đứa trẻ, và không phải lúc nào kết quả cuối cùng cũng được như kỳ vọng và dễ bề tiên lượng.

Nên việc chuẩn bị tốt tinh thần cho bệnh nhi cũng như người nhà của các em trên hành trình cần đến sự kiên trì này, vai trò và sự hiện diện của bác sỹ tâm lý rất quan trọng.

 

Nếu không phải là những khiếm khuyết mà ông vẫn thường gặp ở những bệnh nhân của mình thì theo ông, khiếm khuyết nào ở con người là đáng lo ngại nhất? Ông có tin vào sự hoàn hảo không?

- Tôi cho rằng đây là một câu hỏi khá khó để trả lời một cách thấu đáo vì ở mỗi quốc gia hay một nền văn hóa khác nhau sẽ có những cách nhìn nhận khác nhau về cái gọi là sự hoàn hảo hay khiếm khuyết ở một con người.

Mỗi một cá thể, để được cho là hoàn hảo hay chưa hoàn hảo, hài hòa hay chưa hài hòa trong đời sống cộng đồng, đôi khi cần được đặt trong những tình huống và hoàn cảnh cụ thể.

Thường thì ở vào tuổi tôi, người ta sẽ không đi tìm sự hoàn hảo, nhưng lại luôn muốn hướng đến sự tích cực khi nghĩ về con người.

Tin vào con người cũng là một cách giúp cho cuộc sống của mình có thêm được một nguồn năng lượng tốt.

{keywords}


Như đã nói, trong mọi ý nghĩ về con người, tôi luôn cố gắng hướng đến những lý giải tích cực. Khi một ai đó chưa sống vì người khác, hay chưa làm được một việc gì đó có ích cho xã hội, thì tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, cơ hội đó chưa đến với họ.

Từ trên hành trình “cổ tích sinh ra từ lòng người” cùng Qũy Thiện Nhân, ông có thể nói gì về sự vô cảm – bị cho là căn bệnh khá phổ biến của thời hiện đại?

Chẳng hạn như những gì mà tôi đã và đang làm trong suốt 7 năm qua cùng những cộng sự của mình, thì đấy cũng là xuất phát từ duyên may tôi đã gặp được bé Thiện Nhân và mẹ Mai Anh.

Nếu không có cuộc gặp ý nghĩa đó, tôi không chắc mình có thể có cơ hội được mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống này, ở một đất nước mà trước đó với tôi là hoàn toàn xa lạ. Tôi luôn coi đó là một “đặc quyền hạnh phúc” của mình. 

Cuộc sống là một chuỗi tình cờ, vì vậy hãy khoan vội đánh giá ai khi họ chưa có được cơ hội sống tốt và trải nghiệm mọi sắc thái khác nhau của đời sống. Hãy kiên trì với người khác, hơn là nóng vội!

Để dạy trẻ về lòng yêu thương, theo ông, chúng ta cần cung cấp cho trẻ những “vitamin” nào?

- Cuộc sống càng đầy đủ, hầu hết các bố mẹ càng có xu hướng muốn lo lắng cho các con một điều kiện sống đầy đủ hơn, trang bị cho các con những kỹ năng sống hiện đại và đôi khi họ đánh đồng nó với khái niệm “chất lượng sống”. Liệu bạn có chắc rằng, điều bạn cố gắng mang lại cho đứa trẻ đã chính là những gì đứa trẻ ấy cần, và thực sự phù hợp với chúng?

Càng tiếp xúc với trẻ em, tôi càng nhận thấy rằng điều các con mong muốn đôi khi chỉ đơn giản là bố mẹ hãy dành thời gian cho trẻ, hãy ngồi xuống trò chuyện với các con nhiều hơn, sâu hơn, ân cần hơn và vui vẻ hơn để mỗi một ngày trôi qua là một ngày các con được bồi bổ thêm những nguồn năng lượng tích cực.

Đó thực sự là những dưỡng chất thiết yếu hơn cả không chỉ cho tuổi thơ mà còn cho suốt cả cuộc đời của các con về sau.

{keywords}

Vì sao giữa rất nhiều môn thể thao, ông lại chọn môn chạy marathon? Ông có coi cuộc đời cũng là một đường chạy?

- Ở một khía cạnh nào đấy thì cuộc đời quả đúng là một cuộc chạy đường dài, luôn cần đến sự rèn luyện thường xuyên để có được sức bật, sức bền đáng kể.

Ngoài sự cơ động và tiện lợi thì tôi phải lòng môn chạy marathon còn vì nó giúp mang tới cho tôi một nguồn năng lượng tích cực, giúp tôi có được độ bền và độ linh hoạt cao để có thể thích ứng một cách tốt nhất với đặc thù nghề nghiệp của tôi (có khi phải thực hiện một ca mổ kéo dài từ 12-20h, không ăn, không nghỉ).

Ngoài ra, marathon cũng giúp tôi kết nối được với nhiều người bạn gặp được trên đường chạy hơn, mở rộng nhân sinh quan và thế giới quan của tôi hơn, chứ không chỉ bó hẹp trong bốn bức tường của phòng mổ, dưới những ngọn đèn...

Được biết, bản thân ông cũng vừa có một “bác sỹ tâm lý” riêng cho mình, bằng một đám cưới cổ tích ở tuổi 69?

Ồ, có thể nói như vậy! 8 năm trước, tôi đã may mắn gặp được cô ấy, một năm trước khi biết đến bé Thiện Nhân và thực hiện những cuộc thăm khám đầu tiên.

Lúc đó thật ra chúng tôi mới chỉ là bạn bè và có một điểm chung đáng kể là cô ấy cũng có một mối quan tâm đặc biệt đến Thiện Nhân và câu chuyện xúc động về hành trình tìm kiếm cơ hội cho con của mẹ Mai Anh.

Từ sau ca mổ đầu tiên đối với bé Thiện Nhân vào năm 2011, cô ấy cũng đã từng 2 lần cùng tôi sang Việt Nam để chung tay giúp đỡ những bệnh nhi có chung tổn thương, cũng là người đã luôn sát cánh động viên tôi khi phải đứng trước một khối lượng công việc quá lớn và quá áp lực.

Về sau này, cũng chính cô ấy đã trở thành admin của trang “Thiện Nhân và những người bạn” để tích cực gây quỹ cho chương trình...

Dù công việc kinh doanh rất bận bịu nhưng cô ấy luôn dành thời gian đáng kể cho việc đồng hành cùng Qũy Thiện Nhân.

Cô ấy thực sự là một mắt xích ý nghĩa trên hành trình kết nối Thiện Nhân và những người bạn, cũng như riêng với cuộc đời tôi.

Vì vậy mà phần nào đó, chúng tôi cùng coi Thiện Nhân như là cái gạch nối đã có công... “se duyên” cho hai chúng tôi.

{keywords}

Ở Việt Nam, thường thì người ta sẽ rất ngại khi làm một đám cưới ở vào độ tuổi ông. Ông có nghĩ: Tình yêu, thì không bao giờ là muộn cả?

- Đúng vậy, tình yêu thì sẽ chẳng bao giờ là muộn cả. Tất nhiên là ở mỗi thời điểm, chúng ta có thể sẽ cảm nhận tình yêu theo những định nghĩa và tâm thế khác nhau.

Chẳng hạn như trước đây, có thể có lúc chúng ta ưa dùng những “phép đếm” hơn, nhưng càng về sau, chúng ta sẽ càng chú trọng và biết nâng niu hơn những gì không thể đong đếm được, tình yêu lúc đó sẽ thiên về “chất” hơn, đến gần với bản chất thật sự của tình yêu hơn.

Ở vào tuổi này, thì sẽ khó mà đoán được chúng ta sẽ sống được bên nhau bao lâu nhưng lại có thể nhìn thấy rất rõ cái cột mốc ý nghĩa của nó mà không cần có thêm một cam kết bằng lời nào cả, rằng chúng ta sẽ nắm tay nhau cho tận đến hơi thở cuối cùng.

Xin cảm ơn ông!

Thư Quỳnh (Thực hiện)

Thiết kế: Diễm Anh