Những cái ôm, đập tay cổ vũ con trong mưa của phụ huynh Hà Nội sáng nay:

9h35 phút, các thí sinh kết thúc bài thi môn Ngữ văn. Đề thi Ngữ văn năm nay gọi tên tác phẩm "Vợ nhặt". Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhận định đề thi không quá bất ngờ, cấu trúc phù hợp. Dự kiến phổ điểm trung bình từ 6-7 điểm.

Ngô Hoàng Chí, học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) hào hứng bước ra khỏi phòng thi. Em cho biết, đề Văn năm nay không khó, rất nhiều học sinh "trúng tủ".

"Vợ nhặt là một trong hai tác phẩm em ôn kỹ nhất, bên cạnh Vợ chồng A Phủ. Đây là hai bài xuất hiện lặp đi, lặp lại trong đề thi thử của trường em. Đề chỉ yêu cầu phân tích tác phẩm nên không gây khó cho thí sinh".

Với phần Nghị luận xã hội, hỏi về việc cân bằng cảm xúc, Chí đánh giá đây là nội dung gần gũi, học sinh dễ dàng bày tỏ quan điểm của bản thân. Đã trúng tuyển vào Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Chí chỉ đặt mục tiêu môn Văn trên ngưỡng trung bình. Vì thế, Hoàng Chí hài lòng với bài làm của mình vì đạt trên mức mong đợi.

Vừa bước ra khỏi điểm thi Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), Triều Dương được mẹ là chị Lê Thị Đông Hà chạy đến ôm hôn. Nam thí sinh cho biết, đề thi Ngữ Văn năm nay không quá khó với em, sát với chương trình đã học. 
“Ở phần nghị luận xã hội nói về sự cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, em đã áp dụng thực tiễn của mình đã trải qua để làm bài”, Dương nói.

Trong khi đó, chị Hà chia sẻ, dù kết quả thi có thế nào nhưng khi thấy con trai bước ra phòng thi rạng rỡ là niềm hạnh phúc của chị.

Triều Dương ôm mẹ khi vừa bước ra khỏi điểm thi. Ảnh: Hồ Giáp

Kết thúc bài thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) rạng rỡ, phấn khởi vì làm được bài. Nhiều phụ huynh ôm chầm lấy con để chúc mừng môn thi đầu tiên thuận lợi.

Nam sinh Quảng Ninh hạnh phúc bên mẹ sau môn thi đầu tiên. Ảnh: Phạm Công
Vỡ òa trong vòng tay gia đình. Ảnh: Phạm Công
Nữ sinh rạng rỡ sau 120 phút làm bài thi. Ảnh: Phạm Công

Trước đó, theo quy định, giờ làm bài môn Ngữ văn là 7h35 nhưng từ 6h, nhiều thí sinh và phụ huynh đã rời khỏi nhà để đến địa điểm thi, chuẩn bị cho buổi thi đầu tiên.

Tại Hà Nội, chị Nguyễn Thùy Giang (huyện Thanh Trì) cho biết mặc dù con gái đã trúng tuyển sớm vào Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi hôm nay chỉ có ý nghĩa để lấy bằng tốt nghiệp, nhưng chị vẫn khá lo lắng.

"Nói thật là mẹ còn lo hơn con. Con tôi thì từ hai ngày nay, khi nghe tin ban nhạc Blackpink sẽ đến Việt Nam biểu diễn vào cuối tháng 7, gần như không còn tập trung ôn tập mà quay ra tìm mọi nguồn có thể kiếm được vé xem biểu diễn. Tôi lâu nay vẫn nghĩ lực học của con thừa sức qua tốt nghiệp, nhưng sát ngày thi vẫn hơi bồn chồn sợ có chuyện đột xuất xảy ra, hay như các cụ vẫn nói là "học tài thi phận". 

Vì vậy, tôi "giành" nhiệm vụ đưa con đi thi với chồng, hai mẹ con đi sớm cho đỡ tắc đường, tôi cũng có thể lái xe cẩn thận mà không bị vội" - chị Giang chia sẻ.

Nhiều khu vực nội thành xuất hiện mưa rào vào sáng sớm. Một phụ huynh tranh thủ lướt báo tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: Tuấn Anh
Nhiều thí sinh được phụ huynh đưa đến các điểm thi từ rất sớm. Các em được người thân dặn dò kiểm tra lại giấy tờ, động viên trước giờ làm bài. Ảnh: Tuấn Anh
Thí sinh Vương Kim Anh (quận Ba Đình) được mẹ đưa đến điểm thi từ 6h30. “Năm nay, em đặt nguyện vọng 1 vào Đại học Quốc Gia Hà Nội. Trước giờ thi, em cảm thấy rất hồi hộp mặc dù đã ôn thi kỹ”, Kim Anh, chia sẻ. Ảnh: Tuấn Anh
Bịn rịn trước giờ thi. Ảnh: Tuấn Anh
Thí sinh Hà Nội trong buổi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Chị Ngọc Hà (quận Thanh Xuân) đưa con đi thi tại điểm Trường THPT Nhân Chính từ rất sớm trong suy nghĩ bộn bề. Chị chia sẻ lần thi tốt nghiệp THPT này của con trai thêm áp lực bởi con chưa “trúng tuyển sớm” như đa số các bạn trong lớp.

“Thấy các bạn của con thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng khi chỉ là điều kiện đủ để vào đại học, tôi lại càng lo cho con mình. Tôi cũng chỉ biết dặn con khi cơ hội mình bị thấp đi, con càng phải tập trung, cố gắng”. 

Dù trời mưa, song chị Hà quyết định sẽ ngồi đợi con ở khu vực chờ phía ngoài trường thi để đón con được sớm nhất sau buổi thi.

Trái ngược với chị Hà, đứng cạnh đó, anh Tuấn Mạnh, phụ huynh có con đã “trúng tuyển sớm” bằng phương thức xét tuyển học bạ vào ĐH Giao thông vận tải chia sẻ lần này, đưa con đi thi với tâm lý vô cùng thoải mái.

“Tôi nghĩ dù đề như thế nào, khả năng của con cũng có thể đạt được mức điểm không quá tệ, thỏa mãn điều kiện đủ để chính thức vào đại học”, anh Mạnh nói.

Tại TP.HCM, anh Lê Đức Duy (quận 10,) cũng là người chịu trách nhiệm đưa đón con trai đi thi cả 4 buổi. Anh Duy cho biết cách đây vài ngày, con anh nhận được kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Giao thông vận tải - phân hiệu TP.HCM, theo phương thức xét học bạ. Vì vậy, nam sinh đến trường thi trong tâm trạng khá thoải mái.

"Trong suốt thời gian qua, con cũng chịu khó ôn tập, nhưng thật sự với kết quả trúng tuyển đại học sớm, áp lực của lần thi này đã vơi đi rất nhiều đối với cả con và gia đình chúng tôi" - anh Duy vui vẻ chia sẻ.

Thí sinh TP.HCM tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Huế Nguyễn

Tại điểm thi THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1,TP.HCM). Ảnh: Huế Nguyễn
Các thí sinh đã có mặt từ rất sớm. Ảnh: Huế Nguyễn
Tự tin và thoải mái trước giờ thi. Ảnh: Huế Nguyễn
Thí sinh bắt đầu "vượt vũ môn" với cánh cửa đầu tiên là môn Ngữ Văn. Ảnh: Huế Nguyễn

Theo đề minh họa được Bộ GD-ĐT công bố, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần quen thuộc: Phần đọc hiểu (3 điểm). Đề thi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu và từ đó đặt ra câu hỏi với độ khó được phân hóa theo từng câu, yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề được đặt ra từ đoạn văn bên trên.

Phần làm văn (7 điểm) gồm 2 câu, câu 1 làm văn về nghị luận xã hội, câu 2 làm văn về nghị luận văn học. Môn Ngữ văn là môn duy nhất thí sinh làm bài theo hình thức tự luận tại kì thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, nhiều thí sinh khá lo lắng với đề thi của môn học này. Trước khi môn thi này diễn ra, câu hỏi "đề Ngữ Văn sẽ gọi tên tác phẩm nào?" cũng được các sĩ tử quan tâm đặc biệt.

Tối muộn ngày hôm qua (27/6), chỉ vài tiếng trước giờ thi, rất nhiều thí sinh vẫn rất sôi nổi tham gia bàn luận trên mạng xã hội về đề thi Ngữ văn.

Một trong những trang có nhiều thí sinh quan tâm nhất là "Kaito Kid". Trong 3 năm liên tục (2020 đến 2022), "Kaito Kid" đã "đoán trúng" tác phẩm sẽ ra trong đề thi gồm "Chiếc thuyền ngoài xa" - năm 2022, "Sóng" - năm 2021 và "Đất nước" - năm 2020.

Trước đó một tuần, "Kaito Kid" đăng dòng trạng thái được cho là sẽ tiếp tục "đoán đề" vào tối 27/6. Vì vậy, tối 27/6, rất đông thí sinh đã truy cập trang này. Tuy nhiên, không đưa ra một tên tác phẩm nào cụ thể, "Kaito Kid" chỉ post 2 bức ảnh để thí sinh ra sức... đồn đoán.

Tại một số hội, nhóm khác, học sinh cũng thi nhau đưa ra dự đoán. Hầu hết các tác phẩm trong chương trình lớp 11, 12 được các em "gọi tên", nhưng tần suất nhiều nhất là hai tác phẩm "Người lái đò sông Đà" và "Vợ chồng A Phủ"...

Tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, thời tiết dịu mát. Từ sớm, hàng nghìn thí sinh đã có mặt ở các điểm thi. Cảnh sát cũng được tăng cường ở các điểm thi cùng nhiều tuyến đường đảm bảo giao thông không bị ùn tắc, hỗ trợ thí sinh. 

Sự cổ vũ ấn tượng tại trường thi. Ảnh: Xuân Ngọc

Có mặt ở điểm thi trường THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang, Vy Anh kiểm tra lại giấy tờ trước khi bước vào phòng. Nữ sinh có nguyện vọng vào khối A trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Thời gian qua, Vy Anh tăng cường ôn thi ba môn chính ngay sau khi kết thúc học kỳ 2. “Em ôn luyện khá kỹ, nhưng vẫn cảm thấy hồi hộp”, Vy Anh nói.

Ảnh: Xuân Ngọc
Ảnh: Xuân Ngọc

Bên ngoài, nhiều phụ huynh lo lắng đứng chờ con bước vào phòng thi. “Cả đêm qua con không ngủ. Tôi khuyên mãi, cháu mới chịu lên giường ngủ sớm”, chị Phương Hà, 56 tuổi, cho biết. Sáng nay, chị cũng dậy sớm chuẩn bị thức ăn rồi đưa con tới điểm thi.

Thí sinh Trần Nhật Huy, học sinh trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang bị chấn thương, đi xe lăn, được cán bộ làm nhiệm vụ hỗ trợ vào phòng thi. Ảnh: Xuân Ngọc

Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, cho biết tỉnh có khoảng 14.480 thí sinh với 33 điểm thi, 618 phòng thi, 75 phòng chờ. Hơn 2.29 cán bộ, giáo viên, lực lượng an ninh… được tăng cường tham gia công tác coi thi. “Tôi chúc toàn thể thí sinh bình tĩnh, tự tin và làm bài thi tốt nhất”, ông Hải nói.

Hơn 13.000 thí sinh ở Đà Nẵng cũng bước vào môn thi đầu tiên. Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu) sau khi đưa con đến điểm thi, rất đông phụ huynh đứng trước cổng trường để đợi con.

Chị Võ Thị Nhàn  xin nghỉ việc trong các ngày diễn ra kỳ thi để hỗ trợ con. Vẻ lo lắng không giấu nổi trên gương mặt của phụ huynh này. Ảnh: Hồ Giáp

Nhiều phụ huynh cho biết họ đã xin nghỉ làm trong các ngày diễn ra kỳ thi để hỗ trợ tốt nhất cho con.

Chị Võ Thị Nhàn cho biết sáng nay, chị dậy sớm để nấu ăn, động viên con bình tĩnh để làm bài tốt. Đợt này chị cũng xin nghỉ phép 3 ngày để đồng hành cùng con trong kỳ thi.

“Hôm qua tôi lo lắng không ngủ được. Những ngày thi của con rất quan trọng, cháu cũng cần người bên cạnh để tinh thần tốt và thoải mái nhất nên tôi quyết định nghỉ làm vài ngày để đưa đón, chuẩn bị cho con trước khi vào phòng thi”, chị Nhàn chia sẻ.

Sáng nay, hơn 17.000 thí sinh tại Quảng Nam sẽ bắt đầu với bài thi môn văn của kỳ thi THPT quốc gia.

Thời tiết tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) nắng. Từ 6h, nhiều thí sinh đã có mặt tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cái ôm của mẹ tiếp thêm động lực cho Oanh Trúc trước khi vào phòng thi. Ảnh: Công Sáng

Phạm Oanh Trúc (lớp 12 chuyên tin, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết: “Em ôn thi nhiều ở tác phẩm, chú trọng thơ ở bài Đất nước. Đối với nghị luận xã hội, những ngày qua, bản thân em đã lên mạng, đọc báo nhiều để nắm các luận điểm chuẩn bị cho câu hỏi này".

6h50, tại điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, một thí sinh quên thẻ dự thi và chạy về nhà lấy. Ảnh: Công Sáng
Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam có mặt hỗ trợ, tiếp nước và động viên thí sinh trước giờ thi. Ảnh: Công Sáng

Năm nay, Quảng Nam có có 56 điểm thi với 865 phòng. Mỗi điểm thi bố trí 1 máy tính tại phòng trực và bảo đảm máy tính chỉ được nối mạng internet khi chuyển báo cáo nhanh cho hội đồng thi, phải ghi nhật ký sử dụng máy tính, có sự chứng kiến của Phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất.

Tại Hà Tĩnh, 17.000 thí sinh đã vào phòng thi với 35 điểm thi. Ban chỉ đạo kỳ thi cũng điều động hơn 2.700 cán bộ giáo viên, nhân viên, các lực lượng công an, y tế, bảo vệ… làm nhiệm vụ tại các điểm thi.

Thí sinh đến điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh). Ảnh: Thiện Lương
Chuẩn bị cho kỳ thi lớn nhất cả nước. Ảnh: Thiện Lương
Em Nguyễn Tấn Tài (SN 2005, huyện Kỳ Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu) bị tai nạn cách đây 20 ngày gãy xương đùi không thể đi lại. Đoàn thanh niên ở Hà Tĩnh hỗ trợ đưa thí sinh lên phòng thi tại tầng 2.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT chiều ngày 27/6, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, được bố trí thi tại 63 hội đồng thi với 2.272 địa điểm thi và 43.032 phòng.

Tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 1.012.398 em, chiếm tỷ lệ  98,86%. Như vậy, còn có 11.665 thí sinh chưa làm thủ tục dự thi, chiếm 1,14% so với số đăng ký.

Cũng như tâm trạng của hàng triệu phụ huynh khác, nhiều phụ huynh ở Thanh Hóa, Ninh Bình đưa con đi từ rất sớm. Thậm chí, không ít người ngồi hàng giờ đồng hồ với mong muốn mình là người con nhìn thấy đầu tiên khi ra khỏi phòng thi.

Vội vã đến điểm thi ở Ninh Bình. Ảnh: Lê Dương
Thí sinh tranh thủ ôn bài tại điểm Trường Chuyên Quốc học Huế. Ảnh: Quang Thành

Trong vài năm trở lại đây, phổ điểm môn Ngữ văn cũng không quá khác biệt.

Cụ thể, năm 2022, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của cả nước cho thấy: Có 981.407 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.51 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 194 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 113.888 (chiếm tỷ lệ 11.6%).

Năm 2021, có 978.027 thí sinh đợt 1 dự thi môn Văn và có trung bình bài thi là 6.47 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Trong số đó, chỉ có 3 bài thi đạt điểm 10 môn Ngữ văn.

Năm 2020, điểm trung bình bài thi Ngữ văn là 6,62 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Có 119 thí sinh đạt từ 1 điểm trở xuống, chiếm tỷ lệ 0,01%. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 (chiếm tỷ lệ 9%). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 như sau:

Nhóm phóng viên

Cả gia đình đưa trưởng thôn U50 đi thi tốt nghiệp

Cả gia đình đưa trưởng thôn U50 đi thi tốt nghiệp

"Gia đình tôi đã có mặt từ sáng sớm để đồng hành, cổ vũ anh ở điểm thi. Trước đây, anh rất ham học, học giỏi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải bỏ lỡ. Tuy lớn tuổi nhưng anh rất say mê học…”, em gái người trưởng thôn cho biết.