Môn Lịch sử: điểm trung bình nhiều nhất ở mức 6,5-7,5

Đây là nhận định của thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa). Theo thầy Hiển, đề thi bắt đầu phân hóa từ câu 30, phân hóa cao từ câu 33 đến câu 40.

“Mức độ phân hóa của đề thi khá rõ ràng từ câu 33, những câu vận dụng cao vào các nội dung yêu cầu phân tích, so sánh, đánh giá, nhận định về các vấn đề lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1919 đến 1975. Trong đó, có những câu liên hệ các vấn đề lịch sử với tình hình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 

So với đề minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố trước đây, đề chính thức không có thay đổi về cấu trúc thi, các câu mức độ nhận biết và thông hiểu rất cơ bản, tuy nhiên đã có sự phân hóa cao hơn so với đề thi chính thức năm 2022. Đề chính thức năm 2023 đảm bảo phân hóa thí sinh tốt hơn”.

Với đề thi này, thầy Hiển dự đoán phổ điểm trung bình nhiều nhất ở mức 6,5-7,5, sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm trên 9,5 đến 10.

Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Thạch Thảo

Còn theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cấu trúc đề thi môn Lịch sử có sự tương đồng với đề minh hoạ của Bộ GD-ĐT đã ra trước đó. Nhìn chung, nội dung kiến thức đề thi chủ yếu nằm trong chương trình Lịch sử lớp 12 (90%) và lớp 11 (10%).

"Độ khó chủ yếu nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu, các câu ở mức độ vận dụng buộc thí sinh phải nắm khái quát toàn bộ chương trình Lịch sử nhưng vẫn không quá khó để tìm được đáp án" - thầy Du nhận định.

Tuy nhiên, thầy Du dự đoán phổ điểm sẽ ở đỉnh từ 4-5,5. Dù vậy, điểm liệt sẽ rất hiếm hoi.

Học tốt các kĩ năng Địa lý, kiến thức lí thuyết cơ bản sẽ trên 7 điểm

Nhận xét về đề thi môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam - giáo viên Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng đề thi chính thức bám sát ma trận của đề thi minh họa năm 2023, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý lớp 12, phù hợp với nội dung được điều chỉnh thực hiện trong năm học 2022-2023.

"Các câu hỏi được sắp xếp hợp lí theo mức độ tăng dần về độ khó nên thí sinh dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lý, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực giải quyết vấn đề, tránh được tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo. Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao" - thầy Nam phân tích.

Theo thầy Nam, nhìn chung, đề thi môn Địa lý năm 2023 không quá khó với thí sinh có lực học từ khá trở lên. Đề có sự phân hóa cao, để xét tốt nghiệp học sinh chỉ cần học tốt các kĩ năng Địa lý và kiến thức lý thuyết cơ bản là có thể làm được trên 7 điểm.

Với thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt từ câu 71 trở đi, đây là các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và thường xuyên.

Thí sinh TP.HCM tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Nguyễn Huế

Tham dự kỳ thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT, thí sinh Trần Quang Dũng, học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, cho biết chọn tổ hợp Khoa học Xã hội dù đây không phải là những môn được học tập trung nhiều trên trường. Dũng đánh giá các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội không quá phức tạp.

"Với học sinh không chuyên như em có thể đạt mức độ điểm trên 5 vì đề thi khá cơ bản, không phải ghi nhớ nhiều, chủ yếu là các câu hỏi nhận thức. Cụ thể như môn Giáo dục công dân, chủ yếu là vận dụng tình huống.

Những câu hỏi lý thuyết cũng khá đơn giản và có thể đoán được Môn Địa có tới một nửa sử dụng Atlat để trả lời, do đó cũng không đánh đố thí sinh. Trong khi đó, môn Lịch sử có nội dung chủ yếu trong sách giáo khoa lớp 12, cũng là phần em tập trung ôn nên cũng có thể hoàn thành tốt" - Dũng nói.

Trước đó, năm 2022, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý của cả nước cho thấy: Có 657,423 thí sinh tham gia thi bài thi Địa lý, trong đó điểm trung bình là 6.68 điểm, điểm trung vị là 6.75 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 38 (chiếm tỷ lệ 0.01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 47,986 (chiếm tỷ lệ 7.3%).

Nắm chắc kiến thức SGK có thể đạt 7-8 điểm môn Giáo dục công dân

Thầy Tạ Minh Tâm, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP.HCM nhìn nhận đề thi môn Giáo dục công dân dễ thở với học sinh. Toàn đề thi chỉ có 2 câu hỏi cuối hơi "khó chịu" vì thông tin quá nhiều. Điều này khiến thí sinh rất dễ bị nhầm lẫn. Nhìn chung, hầu hết các câu hỏi lý thuyết đều nằm trong sách giáo khoa lớp 12.

Cô Hữu Thị Hạnh, giáo viên Giáo dục công dân, Trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội), thì đánh giá đề thi chính thức môn Giáo dục công dân cấu trúc giống đề minh họa, kiến thức đa số lớp 12 và 10% lớp 11.  

Theo cô Hạnh, với học sinh thi tốt nghiệp, nắm chắc kiến thức SGK có thể có 7-8 điểm.

"Để đạt điểm cao hơn, thí sinh cần kỹ năng thực tế. Đề thi có 4 câu hỏi khó, trong đó tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, kết hợp nhiều kiến thức có mức độ gây nhiễu cao. 4 câu hỏi này, học sinh nắm chắc lý thuyết, phân tích tình huống, phải đặt bút nháp mới có câu trả lời và không dễ như 30 câu đầu nhìn là có đáp án".

Theo cô Hạnh, phổ điểm môn Giáo dục công dân sẽ nằm ở mức 7-8,5 điểm. 

Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi THPT 2023 trên VietNamNet