- Chương trình hòa nhạc quốc gia 'Điều còn mãi' 2023 do báo VietNamNet phối hợp với công ty Ibgroup Việt Nam tổ chức có Giám đốc âm nhạc là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người nổi tiếng khắt khe trong công việc, anh thấy điều này mang lại thay đổi tích cực gì?

Tôi cảm thấy rất yên tâm vì Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã cộng tác với anh Trần Mạnh Hùng ở nhiều chương trình. Không có gì tốt bằng làm việc với người trực tiếp phối khí, rất hiểu về dàn nhạc, hiểu sâu về sở trường của từng ca sĩ. Tôi tin là công việc sẽ diễn ra thuận lợi với một người có uy tín lại cầu toàn, chỉn chu mọi mặt như anh Hùng.

- Chỉ huy chương trình năm nay là nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - một người trẻ tài năng nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm với 'Điều còn mãi'. Theo anh, đâu là lợi thế và đâu là khó khăn đối với Đồng Quang Vinh?

Những năm trước, vị trí này do anh Lê Phi Phi đảm nhiệm. Năm nay sẽ là một lựa chọn mới mẻ, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh là người trẻ tài năng và đầy nhiệt huyết, cũng có kinh nghiệm làm nhiều chương trình quy mô lớn với Dàn nhạc. Đây là một sự thay đổi tích cực, mang đến làn gió mới, sự sáng tạo chứa đựng nhiều điều hấp dẫn.

- Anh có thể chia sẻ về một số gương mặt ca sĩ mới sẽ tham gia chương trình 'Điều còn mãi' 2023?

Trước đây, chúng ta thường chọn phương án an toàn: chọn ca sĩ nổi tiếng, chọn những ca khúc quen thuộc đã ghi dấu ấn trong lòng người nghe. Nhưng dần dần, tôi thấy hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều ca khúc mới có giai điệu và ca từ đẹp phù hợp với chương trình hòa nhạc Điều còn mãi, cũng như những ca sĩ trẻ được học hành bài bản. May mắn thay, thời điểm này cũng là giai đoạn “chín”, thể hiện sự sung sức và tài năng của một thế hệ nghệ sĩ trẻ như: nghệ sĩ saxophone An Trần, nhóm Oplus…

Ngay trong Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, khoảng 2 năm nay cũng có thêm nhiều thành viên trẻ được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài, các bạn trình diễn rất hay và luôn chịu khó trau dồi kỹ năng mỗi ngày.

- Là người đứng đầu một dàn nhạc lớn như Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, đâu là vấn đề anh bận tâm nhất với các nghệ sĩ: lương, tác phẩm mới hay điều gì khác?

Tôi luôn tâm niệm rằng, muốn nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn phải đảm bảo được cuộc sống cho người nghệ sĩ để họ yên tâm cống hiến. Các thành viên của dàn nhạc đều rất đam mê và tâm huyết với nghề, nên tôi với tư cách là người quản lý phải có trách nhiệm tìm thêm nhiều chương trình phù hợp để anh chị em tham gia. Lịch biểu diễn dày lên, các chương trình sự kiện tham gia đều thành công chắc chắn nghệ sĩ sẽ sống được bằng nghề.

- Nhạc cổ điển là lĩnh vực khó và kén người nghe bởi sự đòi hỏi cầu kỳ từ nhạc cụ, trang phục, không gian biểu diễn đến trình độ thưởng thức của khán giả. Việc ứng dụng công nghệ có giúp hòa nhạc đổi mới cách thể hiện nhằm phục vụ thị hiếu đa dạng của công chúng, thưa anh?

Theo tôi, công nghệ hỗ trợ nhiều nhất ở khâu quảng bá các chương trình trên nền tảng mạng xã hội hay một số phương tiện truyền thông hiện đại. Bởi khác với phim ảnh sẽ dùng kỹ xảo điện ảnh; các chương trình ca nhạc nghệ thuật sẽ có thêm hiệu ứng ánh sáng, âm thanh trên sân khấu, với dàn nhạc giao hưởng, các nghệ sĩ chỉ đơn thuần biểu diễn trực tiếp cho khán giả thưởng thức trong khán phòng hoặc ngoài trời. Sợi dây kết nối chủ yếu là những tác phẩm âm nhạc được thể hiện bằng tài năng thực lực của người nghệ sĩ. 

Bên cạnh đó, khi kết hợp giữa âm nhạc giao hưởng với các hình thức khác như kịch nghệ, trình chiếu tranh vẽ, DJ, nghệ thuật thị giác… cộng thêm sự hỗ trợ của công nghệ chắc chắn sẽ thu hút đông đảo người xem. 

- Nhiều hình thức nghệ thuật sân khấu thế giới đang được đạo diễn nước ngoài thực hiện tại Việt Nam như tác phẩm ‘Hoàng tử bé’ phiên bản giao hưởng kết hợp hội họa hay vở nhạc kịch ‘Chuyện người lính’ kết hợp giữa âm nhạc thính phòng, DJ và nghệ thuật thị giác. Đây có phải là hướng đi mới của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam?

Quan sát của tôi sau những buổi biểu diễn các chương trình nói trên là nhiều khán giả cảm thấy thích thú khi ngoài việc được nghe nhạc còn được thỏa mãn phần nhìn với các hiệu ứng thị giác. Đáng chú ý là các tác phẩm này đều thuộc dạng kinh điển, được nhiều người biết đến nên cũng dễ dàng tiếp cận với công chúng yêu nghệ thuật.

Tại Việt Nam, có tác giả Vũ Việt Anh đã thực hiện vở Dế mèn phiêu lưu ký theo hình thức nhạc kịch khá thành công. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghệ sĩ Việt tham gia lĩnh vực này. Điều đó cũng có lỗi một phần từ những người làm nghề như chúng tôi khi chưa đưa ra gợi ý hay đặt hàng cho các nhạc sĩ. 

- Với nghệ thuật hàn lâm để có được sự lan tỏa một cách bền vững, bên cạnh các buổi biểu diễn thì việc hướng tới chương trình giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, sân khấu cho công chúng là điều quan trọng. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

Một điều thiệt thòi với công chúng yêu nhạc Việt Nam là ở một số quốc gia, học sinh được làm quen với các nhạc cụ của dàn nhạc từ rất sớm nên giới trẻ có nhiều cơ hội để tìm hiểu, học nhạc hay thưởng thức âm nhạc. Trên thực tế, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã tổ chức một số chuyến lưu diễn ở các trường học nhưng chỉ ở phạm vi hẹp, chưa thể nhân rộng ra. 

Trong những chương trình biểu diễn ở nhiều nơi, chúng tôi luôn có các tiết mục giao lưu, mời khán giả lắng nghe bản nhạc mẫu sau đó lên sân khấu thử sức làm chỉ huy dàn nhạc để tăng sự tương tác giữa nghệ sĩ với người xem và cũng là dịp giúp công chúng hiểu hơn những công việc cụ thể của người làm nghệ thuật. Sự lựa chọn này hoàn toàn ngẫu nhiên và thật bất ngờ có không ít khán giả đã thể hiện được sự hiểu biết và khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt. Như vậy mới biết rằng trình độ của người nghe nhạc Việt Nam hiện nay cũng rất đáng nể (cười).

Tôi luôn mong muốn đưa các chương trình biểu diễn hòa nhạc đến gần hơn với công chúng ở nhiều tầng lớp, đặc biệt là những người chưa bao giờ được tiếp xúc với nhạc cổ điển.

Một ý tưởng chúng tôi cũng ấp ủ từ lâu rồi đó là đưa lên website, Fanpage của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam những clip do các nhạc công tự thực hiện, trong đó giới thiệu về từng loại nhạc cụ bao gồm tên gọi, cách chơi, biểu diễn những khúc nhạc ngắn để khán giả tiện theo dõi. Kế hoạch này sẽ được chúng tôi triển khai trong thời gian sớm nhất.

Bài: Linh Đan

Ảnh: Phạm Hải

Thiết kế: Cúc Nguyễn