LTS: Tháng 11 luôn là tháng đặc biệt đối với ngành giáo dục. Những lời chúc mừng và những bó hoa tươi thắm từ khắp nơi gửi về tri ân các thầy cô. Tháng 11 năm nay là một dịp đặc biệt hơn- tròn 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022). 

Năm 2022 cũng đặc biệt hơn nữa khi trường học mới được mở cửa trở lại sau 2 năm chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19.

Nhìn lại một chặng đường dài của ngành giáo dục, nhiều vấn đề nóng mới đây đã được các nhà quản lý trong ngành chia sẻ. Xã hội thì luôn kỳ vọng lớn, các thầy cô thì đang nỗ lực đổi mới chính mình để đáp ứng những yêu cầu mới.

Vậy, trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ triển khai những bước đi nào để có thể nâng cao chất lượng và thực hiện thành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diên ?

Báo VietNamNet có buổi trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) Nguyễn Kim Sơn xung quanh vấn đề này.

Trân trọng mời bạn đọc theo dõi tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục vừa có dịp kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam với nhiều hoạt động đặc biệt. Ông có đánh giá như thế nào về những hoạt động đặc biệt đó?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thực sự, đây là một năm đặc biệt. Ngành giáo dục và đào tạo vừa trải qua một quãng thời gian khá dài chịu tác động của đại dịch Covid-19. Chỉ mới từ giữa năm 2022 này, trường học mới được mở cửa trở lại và hoạt động bình thường. Từ việc ứng phó với đại dịch, mới thấy nhiều vấn đề phát sinh, cho thấy rõ những việc cần làm, những nhu cầu cần quan tâm, đầu tư cho giáo dục.

Trong những ngày vừa qua, cả nước sôi nổi các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022). Cũng khá lâu, ngành giáo dục mới có một dịp mà các địa phương, cơ quan, trường học tập trung nhiều hoạt động kỷ niệm như vậy. Cả xã hội đã bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ đối với đội ngũ các nhà giáo.

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động kỷ niệm theo hướng thiết thực, bổ ích để động viên đội ngũ nhà giáo, khơi dậy tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp và lưu ý xã hội quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ nhà giáo.

Trong các diễn đàn vừa rồi, tôi cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với lãnh đạo các địa phương đã quan tâm đến các cơ sở giáo dục.

Về phía Trung ương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến ngành giáo dục. Chủ tịch nước có các cuộc gặp gỡ đối với các cựu giáo chức, các nhà giáo tiêu biểu, Thủ tướng đã thăm hỏi, gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu. Chủ tịch Quốc hội cũng có cuộc gặp với các ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, các cán bộ có liên quan đến ngành giáo dục.

Sự quan tâm đó của các lãnh đạo là nguồn động viên tinh thần lớn lao khiến đội ngũ nhà giáo chúng tôi thêm phấn khởi, nhiệt huyết với nghề.

Nhà báo Phạm Huyền: Những ngày vừa qua, Bộ trưởng có nhiều chia sẻ về các vấn đề của ngành giáo dục, có cả niềm vui và có cả những trăn trở. Vậy thông điệp nào là thông điệp Bộ trưởng muốn nhấn mạnh nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong những ngày vừa qua, chúng tôi đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định, quan điểm. Nhưng trong đó, chúng tôi quan tâm và nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, nhà giáo là nguồn lực quan trọng nhất của ngành, là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.

Chất lượng và số lượng đội ngũ nhà giáo, đó là khâu đột phá để thực hiện đột phá chiến lược tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi thấy rằng, muốn đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục và đào tạo, muốn có điều kiện thực hiện đổi mới trong giáo dục phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, muốn thực hiện được những đổi mới trong giáo dục đại học, phát triển nghiên cứu khoa học, đưa hoạt động đào tạo ở bậc đại học sát với thực tiễn, đáp ứng với yêu cầu nhân lực chất lượng cao của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 thì lực lượng nhà giáo cần phải đổi mới rất nhiều.

Từ giáo viên mầm non cho đến giảng viên đại học, đứng trước nhu cầu mới thì cần phải đổi mới. Có thể xem, đổi mới của nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành công hay không của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhận thức được tầm quan trọng như vậy, chúng tôi xác định trong các chiến lược và giải pháp đổi mới giáo dục, chúng tôi tập trung nhấn mạnh yếu tố đội ngũ nhà giáo.

Nhà báo Phạm Huyền: Là nhân tố hết sức quan trọng và luôn được Bộ trưởng nhấn mạnh, vậy  trong thời gian tới, ông có quan điểm và định hướng như thế nào để phát triển đội ngũ nhà giáo?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Phát triển đội ngũ nhà giáo thì vấn đề trước hết là phải đủ về số lượng giáo viên cho các môn học hiện nay và phục vụ triển khai các môn học mới, những yêu cầu mới. Thứ hai là phải đảm bảo chất lượng của đội ngũ nhà giáo đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu cao hơn trong đổi mới giáo dục.

Về số lượng, vừa qua, nhiều thông tin đã được xã hội trao đổi như thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi, một số trường học, một số môn học; hiện tượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Vậy thì để đảm bảo số lượng giáo viên thì việc cần quan tâm lớn hiện nay là làm thế nào để giáo viên không nghỉ việc, chuyển việc, gắn bó mật thiết với nghề, quan tâm với nghề và tìm thấy niềm vui với nghề?

Có nhiều giải pháp đặt ra, trong đó có việc quan trọng là quan tâm tới đời sống giáo viên như lương, thu nhập, điều kiện làm việc, điều kiện dạy và học, sinh hoạt.. Đây là vấn đề quan trọng.

Vừa rồi, có một thông tin vui là Quốc hội, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh tăng lương cơ sở từ giữa năm 2023 tới. Lực lượng giáo viên chiếm tới 70%  công chức, viên chức nên khi tăng lương cơ sở, cũng chính là sự quan tâm của Nhà nước đối với đời sống giáo viên.

Dĩ nhiên, việc tăng lương cơ sở chỉ đóng góp phần nào cho việc tăng thu nhập cho giáo viên, nhưng đó là sự quan tâm, động viên rất quan trọng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang xem xét việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với nhà giáo. Mức độ điều chỉnh là bao nhiêu thì còn đang phải cân nhắc, phụ thuộc vào nguồn lực tài chính nhưng việc điều chỉnh cũng sẽ diễn ra vào giữa năm 2023 tới.

Ngoài ra, các yếu tố như môi trường làm việc, quan hệ trong nhà trường, quản lý trong trường học, văn hóa học đường, không khí dân chủ, công khai, minh bạch… là nhân tố quan trọng cần lưu ý cải thiện để các nhà giáo cảm thấy yên tâm, hứng thú, hạnh phúc với nghề nghiệp của mình.

Vừa rồi, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm đến ngành giáo dục, dành chỉ tiêu rất quan trọng trong biên chế lực lượng nhà giáo. Trong bối cảnh cần tinh giản biên chế trên cả nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã dành 65.000 chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục. Đó là sự quan tâm ưu ái quantrọng.

Chúng tôi dự kiến trong năm 2022-2023, sẽ tổ chức tuyển dụng để sử dụng hiệu quả nhất chỉ tiêu biên chế này. Đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp có nhu cầu giáo dục các bậc học tăng lên.

Bên cạnh đó, cần phải dành một lượng chỉ tiêu giáo viên để tuyển cho các môn học mới, bắt buộc như tin học, ngoại ngữ, hay mỹ thuật, nghệ thuật…

Cùng đó, công cuộc chuyển đổi số trong ngành giáo dục cũng cần được triển khai một cách mạnh mẽ. Chuyển đổi số vừa hỗ trợ cho giáo viên, cho hoạt động giảng dạy, cho người học, cho quản lý. Đó là công việc chúng tôi rất quan tâm.

Như vậy, nhìn tổng thể, có rất nhiều việc cần phải làm để phát triển đội ngũ nhà giáo. Chúng tôi đang rà soát các cơ chế, chính sách, quy định, giảm yếu tố ngoài chuyên môn để các nhà giáo yên tâm làm việc tốt nhất.

Đồng thời, ngay năm nay, chúng tôi cũng đang bắt tay xây dựng một bộ luật là Luật Nhà giáo. Đây là công việc lớn, có một bộ luật qua đó tạo căn cứ, tiền đề để phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bền vững và lâu dài hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Bên cạnh yếu tố nhà giáo, còn những yếu tố nào ảnh hưởng tới chất lượng của giáo dục và sự thành công của đổi mới giáo dục- đào tạo, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhân tố nhà giáo là yếu tố có tính chất căn bản, cốt lõi, nền tảng, có thể nói các thầy cô là động lực trong trường học. Nhưng để tạo ra chất lượng của giáo dục, tạo ra sự đổi mới của giáo dục thì chỉ có 1 yếu tố cốt lõi đó là chưa đủ. Nhà giáo cần có điều kiện làm việc, để phát huy vai trò của mình.

Trong đó, một yếu tố quan trọng khác là tài chính.

Ngân sách chi cho giáo dục của đất nước được xác định chiếm 20% nguồn chi. Nhưng ở các địa phương, mỗi nơi được thực hiện một cách khác nhau. Vì vậy, cần triển khai vấn đề này một cách đồng bộ, đầy đủ thì mới đảm bảo điều kiện tài chính cho giáo dục.

Đặc biệt, với giáo dục đại học, các trường đang bước vào thời kỳ tự chủ, nhưng không có nghĩa là chúng ta để cho các trường phải tự túc hoàn toàn. Vẫn cần Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho hệ thống các trường đại học đó.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, yếu tố nhà giáo là yếu tố quan trọng nhưng các điều kiện về tài chính, về đầu tư cho giáo dục cũng quan trọng không kém. Bên cạnh đó còn là yếu tố về cơ sở vật chất,  yếu tố phương diện chuyên môn… Những yếu tố này là các điều kiện rất quan trọng trong sự thành công của đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại. Phải khẳng định rằng, trong tất cả các điều kiện vừa là nền tảng, vừa là tiền đề thì yếu tố đội ngũ nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của giáo dục. Do đó, đầu tư cho đội ngũ nhà giáo chính là yếu tố nền tảng của nền tảng.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm thực hiện:

Tổ chức sản xuất: Phạm Huyền

Quay phim và hậu kỳ: Bạt Tuấn- Đức Yên- Huy Phúc

Ảnh: Thạch Thảo

Đồ họa: Minh Hòa