Lời tòa soạn

Trong dịp trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10 vừa qua, có nhiều nghệ sĩ được vinh danh khi tuổi đời còn rất trẻ; cũng có những nghệ sĩ nhận được danh hiệu này ở cái tuổi xưa nay hiếm. Có thể, với nhiều khán giả đại chúng, họ chưa phải là nghệ sĩ được ‘nhớ mặt gọi tên’ nhưng hàng ngày hàng giờ, họ vẫn đang miệt mài cống hiến vì nhân dân. VietNamNet xin giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ như thế.

Trong căn hộ đi thuê vỏn vẹn gần 20m2 tại khu tập thể Vĩnh Hồ (Hà Nội), NSND Tuyết Thanh sống an yên ở tuổi 83. Có thể khán giả không nhận ra ‘ngôi sao nhạc đỏ’ một thời khi gặp ngoài đường, song bước vào căn hộ nhỏ xinh, những bức ảnh - ký ức về một thời hoạt động nghệ thuật sôi nổi hẳn sẽ nể phục với những gì bà đã cống hiến cho âm nhạc.

Bà xúc động khi nhắc lại thời điểm cách đây vài tháng được phong tặng NSND. 35 năm kể từ khi được phong tặng NSƯT, bà không còn nghĩ tới việc mình có danh hiệu gì, bởi giọng hát Tuyết Thanh sống mãi trong lòng mọi người như vậy đã là hạnh phúc.   

“Chẳng hiểu sao với vóc người bé tẹo, chỉ hơn 40kg, toàn ăn ngô, khoai, sắn mà tôi hát khoẻ đến thế”, NSND Tuyết Thanh mở đầu câu chuyện với phóng viên, khi nhớ lại thời thanh xuân sôi nổi, đi hát phục vụ chiến sĩ khắp mặt trận.

Sinh ra và lớn lên ở Hàng Đường (Hà Nội), từ nhỏ Tuyết Thanh đã đam mê ca hát. Dù gia đình không ai theo nghệ thuật, song mới 11 tuổi, Tuyết Thanh có mặt trong đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia đội hợp xướng của nhạc sĩ Mạc Hy nổi tiếng thời bấy giờ. Ở trường Trưng Vương, Tuyết Thanh cũng là “sơn ca” được thầy cô và bạn bè yêu quý.

Giống nhiều gia đình lúc đó, Tuyết Thanh bị bố mẹ phản đối khi có ý định thi âm nhạc vì cho rằng đây là nghề “xướng ca vô loài”. Cô bé Tuyết Thanh yêu ca hát chẳng biết làm gì ngoài vâng lời và nhận công việc đánh máy tại Văn phòng Chính phủ theo định hướng của gia đình. 

Tâm hồn mộng mơ, chỉ nghe nhạc thôi là đã nhún nhảy, công việc hành chính gò bó không thể níu chân Tuyết Thanh. Một năm sau, Tuyết Thanh từ bỏ nghề đánh máy, thi tuyển vào Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Ca múa Trung ương. Đỗ cả hai nơi, Tuyết Thanh quyết định đầu quân vào Đài Tiếng nói Việt Nam.

Biết tin con gái đỗ, cha cô giận tới mức bỏ nhà lên Lạng Sơn một tuần liền. Dù hiểu rằng chặng đường nghệ thuật của mình sẽ rất gian nan song Tuyết Thanh không từ bỏ niềm đam mê, chỉ biết nhủ lòng sẽ thật cố gắng để gia đình và bản thân không hối hận.

Với chất giọng soprano trong sáng, sang trọng hiếm có, từ hát trong dàn đồng ca, Tuyết Thanh mau chóng trở thành giọng ca chính (solist) của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan truyền thông chủ lực của đất nước thời đó. 

Tuyết Thanh cùng các nghệ sĩ của Đài, với tư cách là nghệ sĩ-chiến sĩ, đã vào chiến trường nhiều lần để biểu diễn phục vụ bộ đội ngay trên chiến hào. Đây là những năm nữ ca sĩ hoạt động hừng hực với sức trẻ không biết mệt mỏi. 

NSND Tuyết Thanh đã khóc khi nhớ lại quãng thời gian hát cho bộ đội: “Có những người mình hát đến cuối hầm quay trở lại họ đã hy sinh. Diễn viên ngày xưa hòa mình với quần chúng, gặt lúa, gánh lúa, đập lúa cùng dân. Tình cảm quân dân gắn bó, thân thiết lắm". 

Nữ nghệ sĩ kể, trên đường đi hát cho chiến sĩ, đường bộ bị giặc Mỹ bắn phá ác liệt, cả đoàn phải đeo ba lô đi dọc theo đường sắt. Một tuần liền đi bộ, tổng số 167km, thiếu cơm phải ăn dứa trừ bữa. Đi bộ nhiều đến nỗi khi về tới Hà Nội, chân bà sưng to, không xỏ nổi vào dép Thái Lan. 

“Đói thế, khổ thế, nhưng các nghệ sĩ vẫn cất cao tiếng hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào”, bà kể.

Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật, hai niềm tự hào lớn nhất của Tuyết Thanh là khi có bài mới, các nhạc sĩ thường giao cho bà hát đầu tiên và hát cho Bác Hồ nghe.

Nữ NSND kể, một buổi trưa, khi đang cùng đồng nghiệp trú trong hầm, bỗng nghe thấy tiếng reo hò rộn rã của nhân dân. Bật nắp hầm nhảy lên, các nghệ sĩ chứng kiến một cảnh tượng hào hùng, đó là chiếc máy bay Mỹ bốc cháy như một quả cầu lửa. Mọi người vui sướng vừa nhảy vừa ôm nhau khóc vì xúc động.

Nhạc sĩ Vũ Thanh khi ấy cũng có mặt, lập tức đặt bút viết Bài ca Hà Nội. Bài hát vừa hoàn thành, được đưa luôn vào phòng thu. Tuyết Thanh vinh dự là người hát đầu tiên. Hai tiếng sau, bản thu âm hoàn thành, phát sóng ngay.

Bà nhớ lại kỷ niệm khi hát bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác. 

"Buổi sáng hôm đó, chúng tôi đang làm việc tại phòng thu, theo dõi các tin tức trên loa ở đài phát, cứ một tiếng lại có tin chiến thắng, nhưng không nghĩ ngày chiến thắng gần thế. 11h30 ngày 30/4/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin giải phóng hoàn toàn miền Nam, lúc đó có bài hát của anh Phạm Tuyên đưa đến, chúng tôi ôm nhau, nhảy lên, mừng lắm và khóc. Tôi được giao lĩnh xướng bài này cùng với anh Đặng Hùng, hát không hay đâu, nhưng sự hồ hởi toát ra ở trong lòng. Chỉ có diễn viên ở đài mới có niềm hạnh phúc đó", bà kể.

NSND Tuyết Thanh bảo, vui nhất là nhiều lần được hát cho Bác Hồ nghe. Ca khúc bà thường xuyên hát cho Người nghe là Tiếng hò trên đất Nghệ An của nhạc sĩ Tân Huyền. Thể hiện xuất sắc tới độ, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định tăng bậc lương cho Tuyết Thanh.

Nghệ sĩ kể, mỗi lần hát cho Bác Hồ nghe hay được tặng kẹo nhưng không dám ăn, cất làm kỷ niệm. Nhưng để lâu quá kẹo chảy nước, đành phải ăn còn giấy bọc thì rửa sạch, lau khô rồi cất. Bà gìn giữ như báu vật, nhưng mấy lần chuyển nhà, nhiều thứ bị xáo trộn nên không thể giữ tới bây giờ.

Dành trọn cuộc đời cống hiến cho âm nhạc, ở tuổi 83, NSND Tuyết Thanh chỉ tiếc một điều là “đã không nghĩ cho mình”. Hiện tại, khi con gái duy nhất định cư tại Pháp, bà thuê căn hộ nhỏ gần nhà các cháu giả dụ có vấn đề gì về sức khoẻ còn có người chạy qua chạy lại.

Nghệ sĩ kể, cho tới giờ vẫn chưa biết lý do tại sao chồng nằng nặc đòi chia tay khi con gái mới 4 tuổi. Thành mẹ đơn thân ở tuổi 31, quãng thời gian sau dù nhiều người muốn gắn bó nhưng bà đều từ chối. 

“Tính tự ái nghệ sĩ, ông ấy đòi chia tay nhiều lần tôi đồng ý, không hỏi lý do. Ngày đó tôi đi diễn nhiều, có ngày tới 5-6 suất. Đi diễn đến 1-2h đêm mới về, sáng mai lại đi sớm nên ít có thời gian để buồn. Tôi chỉ thực sự cảm thấy buồn và tiếc đã không nghĩ cho bản thân nhiều khi con gái lấy chồng định cư tại Pháp, thực sự thấm thía sự cô đơn và hụt hẫng”, nữ nghệ sĩ trải lòng.

Dù đã sang Pháp ở với con gái, nhưng không thể ở tới 1 tháng vì “phải có âm nhạc mới sống được”. Về lại Việt Nam, bà cất nỗi buồn vào trong, miệt mài dạy nhạc cho học sinh.

Lúc đầu, bà còn cộng tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nhưng do căn bệnh tiền đình nên không thể tiếp tục. Hàng ngày, bà dạy nhạc 2 ca tại nhà. Nghệ sĩ tâm sự, âm nhạc đã cứu rỗi bà suốt nhiều năm qua.

NSND Tuyết Thanh vẫn thường xuyên nghe nhiều thể loại âm nhạc từ các nghệ sĩ nước ngoài như Celine Dion, Mariah Carey đến những ca sĩ trẻ Việt Nam mới nổi. Bà bảo, cập nhật đời sống là thói quen lâu nay, phải nghe để biết gu âm nhạc của khán giả thay đổi thế nào.

NSND Tuyết Thanh hát 'Bài ca Hà Nội':

Thiết kế: Minh Hoà
Ảnh: Chí Hiếu, NVCC