Năm 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn MK (MK Group) sẽ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (1999 – 2024). 

Suốt thời gian dài qua, nhắc tới MK, nhiều người chỉ nghĩ tới một doanh nghiệp chuyên sản xuất thẻ, từ thẻ nhựa tới thẻ thông minh. Thậm chí đã có hẳn slogan: “Nói đến thẻ - nói đến MK”. 

Tuy nhiên, “ngay từ đầu, chúng tôi không lựa chọn vị trí “một đơn vị sản xuất theo đơn đặt hàng” mà muốn làm chủ “cuộc chơi”, và cách duy nhất để làm chủ “cuộc chơi” là phải làm chủ công nghệ. Chính điều này đã thôi thúc tôi cùng các cộng sự tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu”, ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MK mở đầu câu chuyện.

Đội ngũ MK đã chủ động nghiên cứu, phát triển và xây dựng các giải pháp công nghệ dựa trên sản phẩm ban đầu là thẻ thông minh. 

“Ngay những năm 2009 – 2011, chúng tôi cho ra đời hệ điều hành chip riêng của MK, giải pháp phát hành thẻ, giải pháp xác thực bảo mật cùng với nhiều giải pháp trọng yếu khác. Sở hữu hệ điều hành chip riêng được ví như việc nắm trong tay “trái tim” của các hoạt động thanh toán, định danh, xác thực bảo mật và giám sát an ninh an toàn. Đây là nền tảng của hàng loạt ứng dụng trên thẻ thông minh thời điểm đó cũng như các thiết bị xác thực bảo mật e-ID, sinh trắc học và hệ thống AI camera hiện giờ của chúng tôi”, ông Khang kể. 

MK có một “lối đi riêng” khá đặc biệt để tăng lợi thế cạnh tranh, đó là mua cổ phần của hàng loạt công ty công nghệ trong nước. MK đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của thị trường để mua và sở hữu các công nghệ lõi bằng phương thức chuyển giao công nghệ, rồi tiếp tục phát triển công nghệ mới dựa trên công nghệ lõi đó.

Chủ tịch Nguyễn Trọng Khang cho biết: “Việt Nam có nhiều “mảnh ghép” chưa được ghép lại với nhau. Không phải riêng MK mà các doanh nghiệp Việt đều có chung mong muốn cùng nhau “ghép” thành một “bức tranh” công nghệ Việt hoàn chỉnh; cùng nhau tương hỗ để tăng lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội cùng nhau phát triển bền vững”. 

Một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên hành trình phát triển của MK chính là tham gia dự án sản xuất thẻ căn cước công dân gắn chip. 

“Bộ Công an huy động lực lượng hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ để đi lấy dấu vân tay, lấy thông tin của nhân dân, từ tháng 1 đến tháng 7/2022 đã cấp được 50 triệu căn cước công dân gắn chip. Khi tôi chia sẻ chuyện này, nhiều anh em cùng nghề ở nước ngoài nói rằng đây là một kỷ lục, chưa nước nào có thể triển khai được. Đồng hành cùng dự án, có ngày MK sản xuất tới 430.000 thẻ. Bình thường mỗi anh em ở nhà máy chỉ làm 8 giờ mỗi ngày, nhưng giai đoạn đó phải làm 12 giờ/ngày, liên tục suốt một thời gian dài. Thậm chí khi xảy ra đại dịch Covid-19, chúng tôi từng phải chia lực lượng sản xuất thành 2 nhóm, mỗi nhóm 250 người, ở nhà máy 2 tuần liền không về nhà. Nhờ làm chủ công nghệ lõi, không phải phụ thuộc chuyên gia nước ngoài, cộng thêm đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nghệ giàu kinh nghiệm cả về phần cứng và phần mềm, MK vượt qua nhiều khó khăn, đến giờ đã cung ứng được 85 triệu thẻ căn cước công dân. Chúng tôi đã cung cấp cho người dân Việt Nam những chiếc thẻ căn cước công dân gắn chip nằm trong Top 5 sản phẩm thẻ e-ID tốt nhất thế giới”, ông Khang không giấu vẻ tự hào khi nhớ lại kỷ niệm khó quên.

Vừa qua, MK còn tham gia triển khai dự án hộ chiếu điện tử trên nền tảng thẻ căn cước công dân gắn chip, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). 

“Chúng tôi kết nối với ICAO, tích hợp những vấn đề về an ninh bảo mật, trao đổi khóa với ICAO… Đó là những việc chưa làm bao giờ nhưng mình dám làm và đã làm được”, ông Khang kể tiếp.

Theo đánh giá của giới công nghệ, MK sở hữu khá nhiều ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ trong nước và quốc tế: Làm chủ công nghệ lõi; Làm chủ chuỗi giá trị với mạng lưới các đối tác toàn cầu; Mô hình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; Có những cộng sự gắn bó lâu năm, am hiểu thị trường quốc tế và trong nước.

“Những điều này giúp chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển để cung cấp cho thị trường những sản phẩm, giải pháp với năng lực sản xuất lớn, theo xu hướng và quy chuẩn thế giới. Chúng tôi có thể tùy chỉnh linh hoạt sản phẩm cho phù hợp với thực tế trong nước và cũng xuất khẩu cả sản phẩm công nghệ cao “Make in Vietnam” ra thị trường quốc tế”, Chủ tịch MK phân tích.

“Khi MK còn là startup, tôi đã nghĩ đến viễn cảnh MK sẽ là công ty toàn cầu. Chúng tôi luôn tin rằng những gì mà “Tây” (các công ty nước ngoài) làm được thì Việt Nam cũng có thể làm được. Lãnh đạo của Tập đoàn MK và các công ty thành viên hầu hết được học tập và trui rèn từ môi trường đại học, viện nghiên cứu lớn tại nước ngoài (Mỹ, Đức, New Zealand, Pháp, Anh, Nhật, Nam Phi...) và các trường đại học hàng đầu cả nước trong các lĩnh vực công nghệ cao và kinh doanh quốc tế. Người MK không hề e sợ các công ty hàng đầu của thế giới”, ông Khang tiếp tục câu chuyện. 

MK Group là công ty Việt Nam duy nhất dám đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thẻ thông minh vào những giai đoạn mới thành lập. Đây có thể coi là một quyết định vừa mạo hiểm vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong ngành. Sau này, nhiều công ty khác cũng đầu tư mở nhà máy sản xuất thẻ nhưng đều không thành công.

Một nhà máy sản xuất thẻ muốn hoạt động hiệu quả thì phải đạt quy mô lớn và ổn định về doanh số, số lượng thẻ đặt hàng. MK đáp ứng được điều kiện này nên giá thành sản xuất luôn cạnh tranh được với các đối thủ, kể cả đối thủ “ngoại”.

MK Group cũng là công ty thẻ thông minh duy nhất tại Việt Nam dám đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để làm chủ công nghệ liên quan đến thẻ thông minh. Ngoại trừ con chip thẻ phải nhập khẩu, đội ngũ kỹ sư MK đã tự nghiên cứu, phát triển cho mình nhiều công nghệ và thiết bị “Make-in-MK” bao gồm: Hệ điều hành chip, giải pháp công nghệ bảo mật cho thẻ, giải pháp phát hành thẻ thông minh, hệ thống thiết bị kiểm tra thẻ (card inspection system), máy in thẻ, đầu đọc thẻ…

Đưa sản phẩm công nghệ cao “Make in Vietnam” ra thị trường quốc tế được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của MK. Và doanh nghiệp Việt này đã làm được. MK được một loạt tổ chức thẻ quốc tế như VISA, MasterCard, JCB, UPI, GSMA… cấp chứng chỉ sản xuất thẻ tài chính mang thương hiệu của họ và chứng chỉ sản xuất thẻ SIM.

“Chúng tôi đã thành công khi ghi tên Việt Nam vào bản đồ Thẻ thế giới. Hàng năm, tổ chức Nilson Report vẫn đánh giá và xếp hạng MK trong Top 30 các nhà sản xuất thẻ lớn nhất toàn cầu”, Chủ tịch MK thông tin. 

Đầu năm 2019, MK Group đón nhận tin vui khi sản phẩm thẻ SIM “Make in Vietnam” vượt qua những bài kiểm tra vô cùng ngặt nghèo của thị trường Nhật Bản. MK Smart trở thành nhà sản xuất thẻ SIM đầu tiên của Việt Nam cung cấp sản phẩm cho thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Bước đột phá này mở ra triển vọng nâng cao hàm lượng “chất xám” của người Việt trong các sản phẩm dùng chip cao cấp xuất khẩu sang Nhật và thế giới. 

Cùng với đó, MK còn chuyển giao công nghệ sản xuất thẻ thông minh cho đối tác Brazil, xây nhà máy thẻ ở Ethiopia.

Ngoài sản phẩm thẻ thông minh, thẻ e-ID, hộ chiếu điện tử…, MK còn cung cấp cho thị trường quốc tế một số sản phẩm mới như: Giải pháp xác minh định danh sử dụng thẻ căn cước công cân gắn chip (MK e-ID), hệ thống AI Camera cho giám sát và xử phạt giao thông, hệ thống camera gắn người, hệ thống camera hành trình với những tính năng xử lý tại biên…. Ngoài thị trường trong nước, những sản phẩm giải pháp này còn hướng tới thị trường quốc tế - chủ yếu là những nước đang phát triển và chậm phát triển.

“Bí quyết” vươn tới thành công của MK là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình theo nguyên tắc “First World Technology for the Third World”. “First World Technology” có nghĩa “công nghệ hàng đầu thế giới”, trong đó hàm ý công nghệ do MK phát triển phải tương đương chuẩn của Mỹ, sản phẩm phải có chất lượng tương đương chuẩn của Nhật Bản. Còn “For the Third World” có nghĩa là giá thành có thể đáp ứng khả năng chi trả của hầu hết các nước thuộc “thế giới thứ ba”.

MK đã trở thành một case-study (trường hợp điển hình) để các thế hệ trẻ thấy rằng người Việt và doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm được những việc rất lớn vươn tầm thế giới.

Không chỉ đưa sản phẩm, dịch vụ của MK ra thị trường quốc tế, gần đây, MK còn khiến nhiều người bất ngờ khi công bố mua một số công ty công nghệ lõi của nước ngoài.

“Chúng tôi sở hữu các tài sản trí tuệ của các công ty “ngoại”, mang về Việt Nam và cũng sẽ phục vụ cho các thị trường quốc tế có sự hiện diện của MK. Một số công nghệ lõi ưu tiên của chúng tôi gồm: an toàn an ninh thông tin, hệ thống AI Camera, công nghệ chế tạo động cơ cho ngành hàng không…”, ông Khang chia sẻ. 

Việc đầu tư ra nước ngoài của các công ty Việt như MK còn không ít thách thức như cần có sự am hiểu lĩnh vực mình đang hoạt động ở một thị trường mới, các sản phẩm cạnh tranh, thông tin về vendors (nhà cung cấp), quy trình đầu tư nước ngoài và tính sẵn sàng của các đối tác...

“Đặc biệt, cần phải làm thế nào để “biến cái của Tây thành cái của Ta”. Chúng ta mua được, có được rồi thì sẽ tối ưu thế nào để có thể nâng tầm, có thể tùy biến phù hợp nhu cầu của mỗi thị trường với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khác nhau, với xu hướng công nghệ thay đổi từng ngày...”, ông Khang lưu ý. 

Những ngày gần đây, Chủ tịch Nguyễn Trọng Khang đang đọc cuốn sách về Elon Musk, một nhân vật nổi tiếng về sự “khác người”, luôn muốn tìm “lối đi riêng” của mình với những ý tưởng từng bị coi là bất khả thi như ô tô Tesla, SapceX…

Bản thân ông Khang cùng từng không ít lần bị nói “viển vông”, “chẳng giống ai”, “toàn chọn những cái khó, chẳng ai làm”. 

Quay lại thời điểm năm 1999, với tấm bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh), rất nhiều người đi làm cho các tổ chức nước ngoài, kiếm bộn tiền, nhưng ông Khang lại chọn cách tự gây dựng công ty riêng dù biết rằng sẽ rất vất vả. Lúc đó, chẳng ai nghĩ sẽ có ngày MK trở thành “doanh nghiệp trăm triệu USD”, mỗi năm xuất khẩu ra nước ngoài hàng chục triệu USD.

Mới đây, MK vừa tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới liên quan tới công nghiệp quốc phòng. “Với loại công nghệ này, nếu tự mày mò thì rất khó. Muốn đi nhanh thì phải đón đầu bằng nhiều cách khác nhau. Cần phải có trí tuệ của Việt Nam, đồng thời kết hợp cả trí tuệ quốc tế. Việc quyết định mua công ty sở hữu công nghệ này được chúng tôi đưa ra rất nhanh, bởi nếu không chớp thời cơ thì sẽ mất ngay, vì những công nghệ lõi như vậy, rất nhiều nước đang cần”, ông Khang nêu quan điểm cá nhân.

Định hướng trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lãnh đạo MK đang nung nấu ý định tạo ra một nhà máy sản xuất AI (trí tuệ nhân tạo), sản xuất thuật toán; huy động nguồn lực từ cả trong nước và nước ngoài để có được công nghệ lõi do người Việt Nam xây dựng, có thể làm chủ công nghệ và thị trường quốc tế.

“Tiềm năng của thị trường quốc tế rất lớn. Chúng tôi rất muốn doanh nghiệp mình có thể tham gia chuỗi cung ứng công nghệ lõi toàn cầu, không những đóng góp cho sự phát triển đất nước mình mà còn có thể giúp cho rất nhiều quốc gia nước khác nữa. Trong suốt 25 năm gây dựng và phát triển MK Group, tôi luôn kiên định với triết lý “Built to last” (xây dựng doanh nghiệp để trường tồn) chứ không phải là “Built to sell” (xây dựng doanh nghiệp để bán lại). Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu “Tự cường sản xuất – Tự chủ công nghệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” bằng “Tinh thần Việt Nam - Ý chí Việt Nam - Niềm tin Việt Nam”, người đứng đầu MK khép lại câu chuyện đầu năm với VietNamNet.

Bài: Bình Minh

Ảnh: Lê Anh Dũng

Thiết kế: Nguyễn Cúc