Đề thi Tiếng Anh (Mã đề 023):

Chiều nay 10/6, các thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 đã trải qua bài thi môn Tiếng Anh trong thời gian 60 phút.

Cô giáo Vũ Quỳnh Anh, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Đống Đa đánh giá, đề thi năm nay có tính phân hóa tốt. 

So với đề của các năm trước, phần ngữ pháp vẫn tập trung vào những cấu trúc quen thuộc, thường gặp nhưng kiến thức về từ vựng có phần "nhỉnh" hơn, đòi hỏi học sinh vận dụng kỹ năng đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh. 

Phần ngữ âm đề kiểm tra cách phát âm nguyên âm và đuôi “s”, tương tự như đề năm ngoái. 

Phần trọng âm có điểm khác biệt so với những đề thi các năm trước là nhận biết trọng âm của từ có 3 âm tiết. Đây cũng là dạng câu hỏi có tính phân loại học sinh. Tuy nhiên, học sinh khá giỏi cũng dễ dàng tìm ra đáp án dựa vào quy tắc trọng âm của các đuôi quen thuộc (ion, ic, ical). 

Chủ đề của các bài đọc liên quan đến cảnh đẹp, ngày lễ lớn của Việt Nam nên khá gần gũi với học sinh. Cô Quỳnh Anh dự đoán, phổ điểm năm nay sẽ phổ biến ở mức điểm 7-8. 

"Để đạt được mức điểm 9-10 học sinh phải vận dụng được tối đa về mặt kiến thức cũng như kỹ năng làm bài", cô Quỳnh Anh nói.

Cô Lê Thị Lý, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) đánh giá, nhìn chung đề thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay hay có tính phân loại học sinh tốt, lượng kiến thức tập trung trong chương trình SGK, không khó và cơ bản tạo cho học sinh tâm lý thoải mái khi làm bài. 

“Phần ngữ âm tập trung ở những quy tắc phát âm và nhấn trọng âm cơ bản mà các học sinh thường xuyên được luyện tập.

Phần từ vựng và ngữ pháp cũng tạo cho các em tâm lý thoải mái với các cấu trúc cơ bản, tuy nhiên, các em phải suy nghĩ và phân tích đề bài một cách cẩn thận. Phần này không có câu mang tính đánh đố và gây khó khăn cho học sinh.

Phần giao tiếp cũng là 2 câu hỏi đáp rất quen thuộc: dạng câu gợi ý và câu chúc mừng.

Phần từ cùng nghĩa và trái nghĩa cũng là những câu rất hay mà các học sinh cần tư duy và dịch nghĩa của câu để lựa chọn đáp án đúng.

Phần đọc với 2 bài ở hai chủ đề quen thuộc và dễ chịu là lễ hội và du lịch cũng không khó, nhưng có câu giúp phân loại học sinh ở khả năng đọc hiểu tốt. 

Phần viết, tôi đánh giá hay với các cấu trúc đa dạng và cũng có câu khó hơn một chút để chọn học sinh đạt điểm 10”, cô Lý phân tích. 

Với mức độ đề như thế này, theo cô Lý, mức điểm 9, 10 là không khó.

Cô Phí Thị Thơ, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) đánh giá, đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh năm nay khá dễ thở. Về cấu trúc, đề thi năm nay cũng tương tự như các năm gần đây.

“Đề thi có thể nói là vừa sức, trên 60% các câu hỏi thuộc mức độ nhận biết. Chỉ có khoảng 2-3 câu thuộc mức độ vận dụng để phân loại học sinh.

Các đơn vị kiến thức được hỏi trong đề thi nằm trong chương trình Tiếng Anh cấp THCS, chủ yếu là lớp 9.

Với đề thi này, thí sinh nắm chắc các kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp cơ bản có thể hoàn thành 70-80% bài thi, tuy nhiên muốn đạt điểm 9, 10 thì học sinh phải có vốn từ vựng và khả năng suy đoán tốt.

Nội dung kiến thức được hỏi trong đề thi có độ phủ rộng, không kiểm tra các phần kiến thức khó như cụm động từ, hay thành ngữ.

Bài đọc với chủ đề quen thuộc, từ vựng và câu hỏi khá dễ làm, tuy nhiên các câu hỏi phân loại lại chủ yếu nằm ở bài đọc, đề kiểm tra về vốn từ vựng và khả năng phán đoán của học sinh.

Bài viết cũng kiểm tra học sinh các cấu trúc, các phần ngữ pháp khá quen thuộc”, cô Thơ phân tích.

Theo cô Thơ, nhìn chung, với đề thi năm nay, học sinh có thể dễ dàng đạt được điểm 7-8. Điểm 10 năm nay cũng không quá khó để đạt được.

Em Nguyễn Mai Ngọc (Trường THCS Nam Trung Yên) nhận xét đề thi năm nay có vẻ khó hơn so với năm ngoái. Song em đánh giá vẫn là một đề thi khá dễ. Cấu trúc và các dạng câu hỏi như các năm trước. Bài thi 60 phút nhưng Ngọc chỉ làm trong vòng 20 phút. Nữ sinh dự kiến sẽ đạt mức điểm từ 9 trở lên.

Tại điểm thi Trường THPT Thăng Long, Trần Ngọc Diệp (học sinh Trường THCS Trần Phú) đánh giá dù đề khó hơn năm ngoái nhưng nhìn chung vẫn tương đối dễ. Câu dễ mất điểm liên quan đến từ vựng, ở phần đồng nghĩa, trái nghĩa.

Nguyễn Mai Anh, học sinh Trường THCS Thị trấn Văn Điển, đánh giá đề thi năm nay không đánh đố thí sinh. Có khoảng 4 câu, trong đó, liên quan đến câu trái nghĩa và sửa lỗi sai có thể gây khó cho thí sinh.

Từng làm thử đề các năm trước, Mai Anh cho rằng dù đề năm nay có phần khó hơn, song hầu hết thí sinh có thể đạt từ 9 điểm trở lên.

Em Nguyễn Hoàng Anh Thi (học lớp 9A1, Trường THCS Lương Thế Vinh) đánh giá đề thi vừa sức, độ khó ngang đề của năm ngoái. Đề thi không có câu hỏi đánh đố, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm tốt. Thi làm bài thi trong 45 phút, có 15 phút kiểm tra lại. Nữ sinh này làm hết tất cả các câu. Em tự tin dự đoán mức điểm từ 9.5 trở lên.

Đình chỉ thêm 3 thí sinh vì mang điện thoại vào phòng thi

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong buổi thi môn Ngoại ngữ (diễn ra chiều ngày 10/6) kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024, các điểm thi trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế thi. Toàn thành phố có 201 điểm thi với 4.477 phòng thi (không chuyên), ngoài ra còn có 402 phòng thi dự phòng.

Số cán bộ, giáo viên, nhân viên có mặt là 15.368/15.369 người, chiếm tỷ lệ 99,99% (1 cán bộ giám sát bị ốm đã được bố trí giáo viên dự phòng thay thế đảm bảo đúng quy chế thi). Không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.

Số lượt thí sinh dự thi là 115.042/115.651, đạt tỷ lệ 99,5%; vắng 609 thí sinh. Có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi do mang điện thoại vào phòng thi. Công tác tổ chức kỳ thi, kỷ cương trường thi được giữ vững, các thành viên tại các điểm thi đều thực hiện đúng quy chế thi.

Như vậy, kết thúc ngày thi thứ nhất (gồm buổi thi môn Ngữ văn và buổi thi môn Ngoại ngữ), đã có 5 thí sinh Hà Nội bị đình chỉ vì vi phạm quy chế thi.

Hoàng Thanh

Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi vào lớp 10 năm 2023 trên VietNamNet