Được biết, ông vừa có chuyến công tác Nhật Bản để tìm hiểu thực tiễn phát triển của doanh nghiệp công nghệ Việt. Theo quan sát của ông, doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội để phát triển tại “xứ Hoa Anh Đào” hay không?

TS. Nguyễn Thanh Tuyên: Nhật Bản là một thị trường công nghệ thông tin khổng lồ với quy mô 455,7 tỷ USD năm 2023, dự kiến tăng lên 480 tỷ USD năm 2028.

Thế nhưng, theo thông tin từ Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA), Nhật Bản đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực công nghệ thông tin, trong đó có nhân lực phần mềm, vì dân số già hoá nhanh chóng, trong khi người Nhật trẻ không muốn học công nghệ thông tin mà chỉ thích học các ngành như tâm lý học, xã hội học.. 

Nhật Bản đang khát nhân lực công nghệ thông tin hơn bao giờ hết. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật ngày càng phụ thuộc và nguồn lao động nước ngoài để tồn tại.

Về môi trường chính sách, Chính phủ Nhật đang thực hiện các cải tiến chính sách mới để người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ có thể lưu trú ở Nhật lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho chương trình kỹ năng đặc định số 2. Người lao động nước ngoài sau khi tham gia chương trình thực tập kỹ năng hiện hành sẽ được nâng cao kỹ năng tay nghề, năng lực tiếng Nhật để có thể chuyển tiếp sang các bậc tiếp theo là chương trình lao động kỹ năng đặc định số 1 kéo dài 5 năm và mở rộng lên kỹ năng đặc định số 2 lâu dài.

Mặt khác, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang kỳ vọng Chính phủ sẽ có những động thái tiếp theo nhằm mở rộng cơ hội đón nguồn nhân lực "ngoại" vào làm việc trong rất nhiều lĩnh vực đang thiếu hụt lao động trầm trọng, trong đó có công nghệ thông tin.

Tuy vậy, kinh tế giảm tốc, đồng Yên yếu và mức lương thấp khiến ngay cả sinh viên mới tốt nghiệp cũng ngại ngần đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. 

Thống kê cho thấy mức lương bình quân tại Nhật không đổi suốt 30 năm. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), mức lương bình quân tại Nhật Bản chỉ tăng 3% trong khoảng thời gian từ 2001 - 2021, thấp hơn quá nhiều so với 40% ở Hàn Quốc, 29% của Mỹ trong cùng kỳ. 

Số liệu của Levels.fyi chỉ ra mức lương bình quân của một kỹ sư phần mềm tại Nhật năm 2022 thấp hơn đến 23% so với đồng nghiệp ở Singapore và 17% tại Seoul - Hàn Quốc.    

Nhật Bản đang là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam để lấp khoảng trống do lao động Trung Quốc để lại trong bối cảnh người Trung Quốc rút lui khỏi thị trường Nhật Bản để chuyển về thị trường nội địa. Mặc dù lao động Trung Quốc vẫn có thế mạnh trong việc cung cấp dịch vụ ở trình độ cao hơn, nhưng Việt Nam đang nổi lên trở thành đối tác cung cấp giải pháp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng tại thị trường Nhật.

Khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng Nhật của doanh nghiệp Việt đang ở mức độ nào, thưa ông?

Doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam tại Nhật Bản đã phát triển ở trình độ cao hơn so với khi mới bắt đầu tham gia thị trường, từ cung cấp nhân lực, giải các bài toán/lập trình theo đặt hàng, tới nay đã có khả năng tư vấn và cung cấp giải pháp trọn gói. 

Hơn thế nữa, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đang thực hiện được việc “đánh cá voi ở nước ngoài”, đưa sản phẩm trong nước bán ra ở thị trường nước thứ ba từ Nhật.

Tuy nhiên, để có được các dự án công nghệ thông tin lớn (dự án cá voi), doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái mạnh bao gồm các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài để phục vụ thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước của Việt Nam đang ngày càng có thế mạnh về công nghệ mới, sản phẩm mới, nhưng lại kém năng lực về sale (bán hàng), trong khi đó, các doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ngoài có đội sale mạnh hơn, có network (mạng lưới kết nối) rất mạnh với các công ty Nhật. Nếu hai bên kết hợp được điểm mạnh với nhau để khai thác thị trường Nhật thì rất tốt.

Thực tế đã có một số doanh nghiệp tại Nhật dự kiến hợp tác với các doanh nghiệp trong nước như Rikkei Soft và sắp tới là Viettel Security để nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Nhật cũng như thị trường toàn cầu.

Việc hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp như vậy thiết nghĩ nên giao cho các hội, hiệp hội như VINASA (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam) cùng các doanh nghiệp lớn triển khai, qua đó tạo thành lực lượng cộng hưởng đủ năng lực và vị thế thực hiện các dự án cá voi ở Nhật và trên thế giới.

Để có thể thành công trên đất Nhật, hẳn là doanh nghiệp công nghệ Việt cũng có những “bí quyết” riêng?

Có 9 chiến lược và kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật mà chúng tôi tổng kết được từ các buổi làm việc trong chuyến công tác vừa qua.

Đó là: Tiến từ tỉnh lẻ về các trung tâm đầu não đắt giá về chính trị, kinh tế ở thủ đô Tokyo để khẳng định uy tín và thương hiệu, rồi từ đó lan ra khắp nước Nhật; Chuyển từ “Offshore” sang “NearShore” và “BestShore”; Dùng người Nhật tiếp cận thị trường Nhật; Phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; Hỗ trợ chỗ ở cho nhân viên mới; Có hệ sinh thái thành viên, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin đa dạng, bao trùm; Đi ra thế giới từ Nhật Bản, dùng Nhật Bản làm bàn đạp để “đánh cá voi trên thế giới”; Tự nâng tầm để trở thành các chuyên gia công nghệ và nghiệp vụ chứ không chỉ làm code; Sử dụng lợi thế về sự ảnh hưởng hiện có tại các thị trường quốc tế làm “mồi câu” kinh doanh để vươn ra các thị trường mới… Các chiến lược như vậy còn được các doanh nghiệp Việt áp dụng ở một số thị trường khác như Singapore, Hoa Kỳ.

Đâu là những khó khăn, thách thức lớn mà các doanh nghiệp công nghệ Việt tại Nhật đang phải đối mặt và doanh nghiệp có đề xuất gì với các cơ quan nhà nước?

Công nghệ thông tin là ngành xuất khẩu có doanh thu lớn, giá trị lợi nhuận cận biên cao, là một lợi thế của Việt Nam.

Nếu so sánh với một ngành đang được nhà nước hỗ trợ nhiều trong những năm qua là sản xuất lương thực thì xuất khẩu gạo của Việt Nam mỗi năm chưa bao giờ vượt mốc 3,5 tỷ USD, lợi nhuận cận biên rất nhỏ, trong khi xuất khẩu phần mềm năm 2021 đã đạt trên 5 tỷ USD, điều quan trọng hơn nữa là giá trị lợi nhuận cận biên của xuất khẩu phần mềm cao hơn nhiều lần so với xuất khẩu gạo. Tuy vậy, mỗi năm nhà nước chỉ dành một khoản kinh phí rất nhỏ hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện việc xúc tiến thương mại (khoảng 2,5 tỷ đồng/năm) thông qua Chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương. 

Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Bộ Công Thương để cân đối, dành nhiều kinh phí xứng đáng, đủ tầm cho hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin. 

Riêng đối với thị trường Nhật Bản, cần hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm, giải pháp của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam trong nhiều lĩnh vực mới như chăm sóc sức khoẻ, ví dụ giải pháp theo dõi và chăm sóc sức khỏe từ xa, là lĩnh vực có nhu cầu cao đáp ứng số lượng người cao tuổi lớn ở Nhật. 

Một vấn đề cần quan tâm nữa là nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đối với doanh nghiệp công nghệ, yếu tố quan trọng là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ sư công nghệ thông tin. Nhân lực làm tại Nhật cần phải biết tiếng Nhật. FPT Japan đã tự đào tạo từ lâu nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, dù đã tuyển thêm từ các trường khác nhưng cũng vẫn chưa đủ. Tương tự, Rikkei Soft đã thành lập Rikkei Academy để đào tạo nhưng vẫn mang tính tự phát từ nhu cầu của doanh nghiệp.

Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp với các trường đại học, thông qua đó, doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng giáo trình, cử chuyên gia đến các trường tham gia giảng dạy, hoặc sinh viên có thể thực tập ngay tại doanh nghiệp từ năm thứ hai. Làm được việc này thì sẽ là bước tiến lớn, rút ngắn thời gian đào tạo, phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, mang lại giá trị lớn cho xã hội. 

Cùng với đó, doanh nghiệp đề xuất Bộ Thông tin Truyền thông có sự hỗ trợ, làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để xét duyệt nhanh chóng và ưu tiên đối với trường hợp người được cử đi công tác Nhật ngắn hạn với mục đích mở rộng kinh doanh, xây dựng mối quan hệ, thúc đẩy đầu tư, trao đổi.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu Chính phủ Việt Nam có ý kiến đề xuất với Chính phủ Nhật Bản, dành nguồn vốn ODA vào chương trình phát triển nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin cho Việt Nam, qua đó tạo thêm động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của cả Việt Nam và Nhật Bản.

Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, các chuyến công tác của lãnh đạo bộ/ngành liên quan sẽ tạo rất nhiều hiệu ứng tích cực, giúp doanh nghiệp Việt Nam củng cố hình ảnh và tạo sự tin tưởng với khách hàng và các đối tác lớn. Vì thế, rất mong sẽ có thêm nhiều chuyến công tác của lãnh đạo cơ quan nhà nước Việt Nam tới Nhật Bản, thu hút sự quan tâm của đối tác Nhật trong việc hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt.

Cuối cùng, các doanh nghiệp đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ truyền thông nâng cao nhận thức về việc Việt Nam đang đứng trước một thị trường rất lớn đang “khát” công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Việt Nam đang và sẽ có nhiều cơ hội xâm nhập thị trường Nhật Bản và từ Nhật Bản vươn ra thế giới. 

Nếu làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức rằng “Nhật Bản là nơi người Việt có cơ hội tốt để phát triển”, thì doanh nghiệp sẽ rút ngắn được rất nhiều chi phí, thời gian để gia nhập thị trường thế giới, gia tăng thị phần.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Bình Minh

Ảnh: Hoàng Hà

Thiết kế: Nguyễn Cúc