Vấn đề đáng quan tâm đầu tiên là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động.

Trong đó, chú trọng đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng 4.0 cho công nhân. 

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội. 

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 5 năm qua khi Công đoàn tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng 25,34%. Đây là mức tăng lương tối thiểu cộng dồn của cả nhiệm kỳ vừa qua (bắt đầu từ tiền lương của năm 2019 đến nay), thể hiện nỗ lực của Công đoàn trong nâng cao đời sống người lao động thông qua thương lượng tiền lương.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đối thoại, thương lượng về tiền lương là một trong những nội dung đột phá của Công đoàn trong 5 năm qua. Có thể nói thương lượng tiền lương sẽ được tập trung cao nhất, vì đây là mối quan tâm đầu tiên của người lao động.

Để nâng cao hiệu quả trong việc thương lượng tiền lương cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay, Công đoàn sẽ tập trung nhiều giải pháp, trước hết là tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở về vấn đề tiền lương, kỹ năng đàm phán thương lượng.

Cùng với việc đề xuất tăng lương tối thiểu hằng năm, Công đoàn cũng tiếp tục quan tâm nghiên cứu sửa đổi cơ chế tiền lương tối thiểu vùng.

Ông Hiểu nêu thực tế, hiện nay nhiều địa phương vùng xa nhưng đã có điều kiện kinh tế phát triển, một số huyện, thị xã, TP có giá cả chi phí đắt đỏ nên cần phải nâng mức lương vùng cho phù hợp, đảm bảo cuộc sống của người lao động .

Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV “Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48h/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”, hướng tới bảo đảm sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40h/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48h/tuần).

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Trung Quốc khi thu nhập trung bình của người dân 2.500 USD thì họ đã giảm giờ làm xuống 40h/ tuần, trong khi hiện nay chúng ta đã cao hơn mức 2.500 USD nhưng vẫn chưa giảm giờ làm.

“Việc giảm giờ làm tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Đặc biệt việc giảm giờ làm giúp người lao động duy trì sức khoẻ tốt hơn để khi họ về hưu vẫn đảm bảo sống khoẻ, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội”, ông Hiểu nói.

Tại Đại hội 13, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị bổ sung 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh để kéo dài kỳ nghỉ từ ngày 2/9 đến hết ngày 5/9, tạo cơ hội cho công nhân, lao động được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện nay hầu hết các nước Đông Nam Á có số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm là 15 - 16 ngày nhưng nước ta chỉ có 11 ngày.

Việc bổ sung ngày nghỉ cần được xem xét, bởi trong giai đoạn hiện nay tổng ngày nghỉ của nước ta còn thấp hơn so với khu vực. Đồng thời, đây cũng là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

Ông Hiểu nhấn mạnh, tổ chức Công đoàn sẽ kiên trì kiến nghị nguyện vọng này đến khi Bộ luật Lao động sửa đổi trong lần gần nhất tiếp theo, thậm chí là trong những lần chỉnh sửa bổ sung quy định về các chế độ khác. Đây là việc làm thể hiện sự nhân văn của tổ chức Công đoàn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Trên thực tế không phải khi nào làm việc cật lực cũng cải thiện được thu nhập. Trong bối cảnh hiện nay, cần nâng cao trình độ tay nghề lao động, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp tốt hơn… không nên chuyển hết năng suất, kết quả lao động lên vai người lao động.

Một nội dung quan trọng khác được Tổng Liên đoàn Lao động kiến nghị đó là việc huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám, chữa bệnh nơi có đông công nhân.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của công chức, viên chức, công đoàn viên, người lao động là vấn đề nhà ở. Từ nhà ở sẽ kéo theo một loạt các vấn đề khác như điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn của công đoàn viên.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công đoàn viên là rất lớn. Qua khảo sát, Tổng Liên đoàn thấy rằng, đa số công đoàn viên còn phải thuê nhà, trong đó phần lớn gia đình trẻ. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung nên cần huy động mọi lực lượng xã hội tham gia làm nhà cho đối tượng này.

Qua lắng nghe tâm tư của công đoàn viên, Tổng Liên đoàn kiến nghị Đảng, Nhà nước cho phép Tổng Liên đoàn được tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Điều này cũng là thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn tới đời sống của công đoàn viên.

Ngoài ra, hiện nay công chức, viên chức rời khu vực công đang là vấn đề “nóng”. Qua tìm hiểu cho thấy, nhiều cán bộ công chức, viên chức rời khu vực công do đời sống khó khăn, thu nhập thấp. Trong khi đó, họ lại phải dành một khoản lớn thu nhập để thuê nhà. 

Vì thế, họ phải tìm công việc có thu nhập cao hơn để giải quyết vấn đề cuộc sống. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho công đoàn viên sẽ góp phần giảm tình trạng công chức, viên chức rời khu vực công, giúp họ yên tâm công tác. Đồng thời, nâng cao hiệu quả tham mưu, tăng cường liêm chính để phục vụ nhân dân.