- "Tuy không phải là người làm trong ngành GTVT, lại càng không phải là bà con họ hàng Bộ trưởng Thăng nhưng tôi thấy rất mừng là Bộ GTVT đã biết tiếp thu, xuống thang từ đường sắt “cao tốc” thành đường sắt “tốc độ cao”.

Cách đây gần 2 năm, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam với tốc độ 300-400Km/giờ với kinh phí khoảng 55 tỷ USD (nghĩa là bằng 1/2 GDP của cả nước).

Nhiều nhà khoa học đã phân tích là đất nước còn bao nhiêu việc cần chi tiêu, không thể chấp nhận bỏ ra một nửa GDP để làm đường sắt, vả lại cần đến tốc độ cao như thế để làm gì? Trong khi đó, thời gian của dân Việt Nam đâu có thiếu, nếp sống của người Việt Nam còn mang nặng tính tuỳ tiện, tai nạn lớn là cái cầm chắc.

{keywords}
Nên tu bổ đường sắt cũ để duy trì tốc độ 80-90km/h. Còn nếu muốn đi nhanh, người dân đã có máy bay (Ảnh minh họa)

Cần nhanh thì đã có máy bay: Hà Nội – Vinh. Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Huế, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội TP - Hồ Chí Minh ... cho nên, thật may mắn là phương án đó đã không được Quốc hội chấp nhận.

Tuy không phải là người làm trong ngành Giao thông Vận tải, lại càng không phải là bà con họ hàng Bộ trưởng Đinh La Thăng nhưng tôi thấy rất mừng là Bộ GTVT đã biết tiếp thu, xuống thang từ đường sắt “cao tốc” thành đường sắt “tốc độ cao”.

Tôi thấy phương án của Bộ GTVT là hợp lý và có thể chấp nhận được và đề xuất của ông Trần Đình Bá là rất tốn kém không khả thi vì những lý do sau đây:

1. Phương án của Bộ GTVT hợp lý ở chỗ:

- Tận dụng đường sắt cũ, duy trì tốc độ 80-90km/giờ cho tàu khách, 50-60km /giờ cho tàu hàng (theo tôi chỉ cần 75km/giờ cho tàu khách, 50km/giờ cho tàu hàng, vì càng tăng tốc độ càng nguy hiểm và gây nhiều tốn kém). Như vậy là chỉ cần bỏ ra ít tiền thôi để tu bổ là ta vẫn có cái dùng ngay.

- Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435m tốc độ 160km đến dưới 200km/giờ Đường mới này sẽ được làm dần dần tuỳ theo khả năng kinh tế của đất nước.

Trong khi chưa có đường sắt khổ rộng thì củng cố để tạm dùng đường cũ. Khi có đường mới rồi thì đường cũ vẫn dùng nhưng chủ yếu là để chở hàng, hoặc cho bà con làm tàu chợ vì khối lượng hàng hoá bắc nam là vô cùng to lớn, chuyên chở bằng côngtennơ đường dài rất nguy hiểm gây nhiều tai nạn như ta đã từng thấy.

Như vậy là vận tải đường sắt Bắc Nam luôn được duy trì không bị gián đoạn, ách tắc.

Việc làm đường sắt mới rộng, củng cố duy trì đường sắt cũ nó cũng giống như đường bộ, ta vừa có đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và vẫn duy trì đường số 5 cũ, cũng giống như ta vừa có đường số 1 lại vừa có đường Hồ Chí Minh. Tất cả đều được huy động để sử dụng.

2. Đề xuất của ông Trần Đình Bá khó khả thi và vô cùng tốn kém ở chỗ:

Nếu mở rộng đường sắt cũ từ 1m lên 1.435m đưa tốc độ từ 50-60km/giờ như hiện nay lên 150-200km/giờ thì phải làm các việc sau đây:

- Nền đường cũ không đảm bảo, phải làm nền mới.

- Phải thay lại toàn bộ tà vẹt và đường ray.

- Phải bỏ hết đầu tầu toa xe cũ.

- Phải sửa, mở rộng thậm chí phải làm mới một số cầu đường sắt hiện có.

- Phải mở rộng đường cua vì với tốc độ cao, các đường cua hiện nay không đảm bảo.

- Phải giải phóng mặt bằng 2 bên đường, vì đã mở rộng đường sắt thì không thể chấp nhận nhà ở 2 bên bám sát đường tàu.

- Vận chuyển bị gián đoạn.

- Với tốc độ cao như vậy mà nhà dân san sát như hiện nay thì tai nạn sẽ là rất khủng khiếp.

À, mà tôi không rõ, ông Bá nói mỗi năm 12.000 người chết, 30.000 người bị thương vì đường sắt, không hiểu ông Bá lấy số liệu ở đâu, ông Bá lại còn nói đã chi 2 tỷ USD cho việc tu bổ đường sắt hàng năm, tôi muốn Bộ Giao thông Vận tải cho biết số liệu này có chính xác không?

Ông Bá nói dự án cải tạo đường sắt cũ Bắc Nam là “bảo vệ đường sắt đồ cổ”, tân trang đồ cổ, rằng nó vô cùng tốn kém, không khác nào mua ụ nổi, Vinaline, Vinashine... kể ra nói như vậy cũng hơi quá đáng. 

Nhưng dù sao thì tôi cũng rất hoan nghênh tinh thần đóng góp xây dựng của ông Bá. Người có tâm với đất nước như thế cũng là rất quý.

Độc giả Xuân Hải