Kỳ 1: Cả làng kéo nhau đi bán hàng rong tạo ra món ăn nổi tiếng toàn cầu
Kỳ 2: Cú sốc của phở và chuỗi ngày kinh hoàng của các ông chủ ở Hà Nội
Kỳ 3: Nhờ bí mật trong bát phở, chàng trai thành Nam tán đổ cô gái Hà Nội
Kỳ 4: Ba lần 'bán' phở ở nơi siêu đặc biệt của ông chủ nổi tiếng Hà thành

Không bán công thức phở

Gần 7 thập kỷ làm và bán phở Nam Định, cụ Cồ Việt Hùng (90 tuổi - nghệ nhân vàng sáng tác phở làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) chỉ mong món ăn này ngày càng phát triển, được cả thế giới yêu thích.

Phở bò Nam Định là món ăn nổi tiếng, được nhiều thực khách yêu thích

Với cụ, phở bò Nam Định không chỉ gắn bó từ những ngày thơ ấu, mà còn giúp bao nhiêu người dân làng Vân Cù có kế sinh nhai, trở nên giàu có. 

"Tôi theo bố đi bán phở gánh ở Hà Nội từ năm 1946. Nhờ bán phở, bố tôi sau này kiếm được tiền về quê mua 2 miếng đất. 

Xã hội phát triển, nhiều con cháu làng Vân Cù đi bán phở ở tỉnh ngoài cũng trở nên giàu có. Các cháu mua được nhà lầu xe hơi ở thành phố, rồi trở về quê hương xây sửa nhà cửa khang trang cho bố mẹ", cụ Hùng bộc bạch. 

Cụ Cồ Việt Hùng hiện là người cao tuổi nhất dòng họ Cồ ở làng Vân Cù

Những năm gần đây, mỗi lần từ Hà Nội về thăm quê, nhìn ngôi làng ngày càng sạch đẹp, nhiều nhà cao tầng mọc lên, xe ô tô đi đầy đường, cụ Hùng thấy mừng và càng biết ơn cha ông đã trao truyền cho con cháu một nghề mưu sinh.

Ở tuổi 90 - hiện là người đàn ông cao tuổi nhất của dòng họ Cồ ở làng Vân Cù, cụ Hùng vẫn canh cánh một điều, phải làm gì đó để bảo vệ thương hiệu phở Nam Định. 

"Tôi vẫn nói với thế hệ trẻ của làng là phải làm gì đó, phải đăng ký thương hiệu phở để bảo vệ món ăn truyền thống này. Nhiều hôm tôi đi dạo, thấy trên phố có rất nhiều quán đề tên Phở Cồ. Một lần, tôi vào hỏi chủ quán là con cháu nhà ai? Người này nói: Cháu ở gần làng Vân Cù nên để tên như vậy cho dễ bán hàng"", cụ Hùng cười nhắc lại. 

Theo cụ Hùng, không phải bây giờ cụ mới lo lắng về việc bảo vệ thương hiệu phở Nam Định. 

Cách đây hơn chục năm, một khách sạn lớn ở Hà Nội mời cụ đến dạy nấu phở cho các đầu bếp của họ. Tuy nhiên, cụ Hùng kiên quyết từ chối dù khách sạn trả giá rất cao.

Giải thích về quyết định này, cụ Hùng tâm sự, không muốn một ngày nào đó, công thức nấu phở của quê mình lại trở thành thương hiệu mang tên người khác, quốc gia khác.

Đưa phở thành di sản 

Cũng giống như cụ Cồ Việt Hùng, nghệ nhân Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định là một người đắm đuối với phở. 

Câu hỏi luôn khiến chị đau đáu là làm thế nào để hương vị phở Nam Định, phở Việt Nam bay xa, ra thị trường quốc tế.

Chị Lê Thị Thiết có hơn 15 năm gắn bó với việc gìn giữ, phát triển thương hiệu phở Nam Định. Ảnh: An Thành Đạt

Theo chị Thiết, để gìn giữ, phát huy được giá trị lâu đời của phở Nam Định, cần có sự kết hợp chung tay của những người con quê hương làng phở và sự hỗ trợ của các ban ngành.

“Từ trước tới nay có nhiều người ở nước ngoài tự kinh doanh phở. Nhưng chưa có ai bảo vệ thương hiệu phở và chưa có sự định chuẩn phở cho từng vùng miền. 

Hiện nay, chúng tôi đã định chuẩn được cho phở Nam Định, có định hướng phát triển phở thành sản phẩm thu hút du khách”, chị Thiết chia sẻ.

Du khách tới Nam Định sẽ được trải nghiệm tour ẩm thực trong đó có phở, đến làng nghề trải nghiệm và lắng nghe các câu chuyện về phở. 

Hàng trăm người dân làng Vân Cù đang kinh doanh phở trên dải đất hình chữ S.

“Tôi mong muốn sẽ đóng gói phở xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng là gói phở do người làng nghề tự làm, gói ghém tâm tình trong gói phở truyền thống để xuất khẩu chứ không phải giống những loại ăn liền hiện nay”, chị Thiết nói. 

 

Ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định. Ảnh: An Thành Đạt

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết: “Nói đến phở, ai cũng biết. Thế nhưng chưa có ghi nhận chính thống mang tính pháp lý nào của Nhà nước về món ăn này”.

Nam Định có rất nhiều món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị nhiều người. Trong đó, có 3 món được tôn vinh quảng bá trong số 100 món ăn Việt Nam, đó là phở bò Nam Định, kẹo Sìu Châu và bún đũa.

Năm 2021, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định ra đời. Đây là tổ chức xã hội cùng cơ quan chuyên môn sưu tầm, nghiên cứu đề xuất với chính quyền các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ẩm thực, nhất là các món ăn đặc sắc của tỉnh.

Sở Văn hóa đã giao cho bảo tàng tỉnh cùng hiệp hội ẩm thực, kết hợp chuyên gia di sản văn hóa xây dựng kế hoạch lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Ông Thư cho biết: “Chúng tôi đang tập trung xây dựng phở Nam Định thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vinh danh cấp quốc gia rồi hướng tới làm hồ sơ gửi UNESCO ghi nhận phở là di sản văn hóa phi vật thể”.

“Trong thời kỳ hội nhập, để tôn vinh sáng tạo văn hóa bản sắc của chúng ta, việc lập hồ sơ trình UNESCO cũng là để quảng bá ẩm thực, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội. Đó cũng là bảo tồn di sản văn hóa ẩm thực truyền thống mà cha ông để lại. 

Nam Định nổi tiếng về phở, được coi là nơi sinh ra phở. Phở Nam Định lan tỏa đi khắp cả nước vẫn giữ được đặc trưng riêng”, ông Thư nói.

Từ những gánh hàng rong, phở Nam Định đã nổi danh toàn cầu. Việc làm nên thương hiệu và giữ được vị thế của phở Nam Định là một hành trình dài, không ít gian nan.

VietNamNet giới thiệu tuyến bài về chuyện của phở Nam Định để độc giả hiểu thêm về món ăn đặc sản này.

Ảnh: An Thành Đạt, NVCC