1. Lễ hội đầu năm nào dài nhất ở nước ta?

  • Lễ hội Lim
  • Lễ hội Gióng
  • Lễ hội chùa Hương
  • Lễ hội đền Hùng
Chính xác

Lễ hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội là lễ hội có thời gian kéo dài nhất ở Việt Nam. Phần lễ thực hiện rất đơn giản, thường mở đầu bằng nghi lễ khai sơn. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất, thường diễn ra vào buổi sáng sớm của ngày khai mạc lễ hội, sau đó là nghi lễ dâng hương. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn…

2. Lễ hội này kéo dài trong bao lâu?

  • 1 tháng
  • 3 tháng
  • 5 tháng
  • Cả năm
Chính xác

Lễ hội chùa Hương thường diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu được khai hội vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 11/2 đến hết ngày 1/5 (ngày 2/1 đến hết ngày 23/3 âm lịch). Lễ khai hội vào ngày 15/2 (ngày 6/1 âm lịch) tại sân Thiên Trù.

3. Nơi đây gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ ai?

  • Bà chúa Diệu Thiện
  • Bà chúa Thượng Ngàn
  • Bà chúa Liễu Hạnh
  • Bà chúa Lâm Thao
Chính xác

Lễ hội chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba. Theo truyền thuyết dân gian, ở vùng “Linh sơn phúc địa” này trước kia, vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện (tục gọi là Chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm) tới vùng núi Hương Sơn tu hành 9 năm, sau đó đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh (ngày đó gọi là ngày Phật đản nhằm ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm). Đây cũng là giữa mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi khí trời mát mẻ. Để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ bà Chúa Ba, hàng năm dân làng Hương Sơn mở hội chùa Hương.

4. Ai là người khắc chữ “Nam thiên đệ nhất động” lên cửa động Hương Tích?

  • Chúa Trịnh Sâm
  • Chúa Trịnh Kiểm
  • Chúa Trịnh Tráng
  • Chúa Trịnh Tùng
Chính xác

Năm 1770, Chúa Trịnh Sâm (1739-1782) đi tuần Hương Sơn, nhìn thấy vẻ đẹp của động Hương Tích đã quyết định khắc chữ Nam thiên đệ nhất động (động đẹp nhất trời Nam) lên cửa động. Ngoài ra, động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá do nhiều thi nhân tới đây đề bút hoặc lấy cảm hứng sáng tác như Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hồ Xuân Hương.

5. Hương Tích có nghĩa là gì?

  • Hương thơm tích tụ
  • Mùi hương bất tận
  • Dấu vết thơm tho
  • Mùi hương không phai
Chính xác

Tên gọi Hương Tích mang ý nghĩa dấu vết thơm tho. Theo Phật thoại, chùa Hương Tích là một địa danh được nhắc đến nhiều vì đó là nơi “lưu dấu thơm của Phật” Quan Thế Âm. Không gian quần thể di tích chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn hầu như đều có hình tượng Phật Bà Quan Thế Âm bao trùm các di tích.